Hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế đang là xu hướng tất yếu của tất cả các nước trên thế giới, theo đó, các hợp đồng thương mại quốc tế ngày càng phổ biến và được sử dụng rộng rãi đối với các doanh nghiệp kinh doanh. Ngày 18/12/2015, Việt Nam đã chính thức phê duyệt việc gia nhập Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên Hợp quốc (CISG) (sau đây gọi tắt là Công ước Viên năm 1980) để trở thành viên thứ 84 của Công ước này. Công ước Viên năm 1980 bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 01/01/2017 được soạn thảo và thực thi dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc. Việc gia nhập Công ước Viên năm 1980 đã đánh dấu một mốc mới, quan trọng trong quá trình tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa quốc tế, bảo đảm công bằng và an toàn để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế bền vững.
1. Đánh giá mức độ tương thích trong quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của pháp luật Việt Nam với Công ước Viên năm 1980
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân có trụ sở thương mại (địa điểm kinh doanh) nằm trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau. Đây là loại hợp đồng chủ yếu và chiếm vị trí trung tâm trong hoạt động thương mại quốc tế. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một loại của hợp đồng thương mại quốc tế (hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài). Pháp luật quốc tế, hệ thống pháp luật quốc gia có những quy định khác nhau liên quan đến yếu tố quốc tịch, nơi cư trú, trụ sở của chủ thể, nơi xác lập hợp đồng, nơi thực hiện hợp đồng, nơi có tài sản là đối tượng hợp đồng…
Ở Việt Nam, hiện nay, chưa có luật dành riêng cho giao dịch thương mại quốc tế. Luật Thương mại năm 2005 là luật điều chỉnh chung cho các hoạt động thương mại, bao gồm thương mại nội địa và thương mại quốc tế. Trong trường hợp quan hệ thương mại không được đề cập trong Luật Thương mại năm 2005 thì sẽ được điều chỉnh bằng Bộ luật Dân sự năm 2015. Luật Thương mại năm 2005 có nhiều nội dung tương thích với Công ước Viên năm 1980, tuy nhiên, vẫn còn có một số điểm khác biệt, cần được hoàn thiện để phù hợp với Công ước Viên năm 2008, cụ thể:
Thứ nhất, về đối tượng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, theo Điều 2 Công ước Viên năm 1980, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được quy định mang tính chất loại trừ “Công ước Viên không áp dụng vào việc mua bán…”. Trong khi đó, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được pháp luật Việt Nam quy định tại Luật Thương mại năm 2005 với tiêu chí hàng hóa phải là động sản; hàng có thể được di chuyển qua biên giới của Việt Nam hoặc qua biên giới của một nước; hoặc di chuyển qua khu chế xuất, khu vực hải quan riêng... để xem xét tính quốc tế của hợp đồng thương mại quốc tế. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng sẽ được chuyển từ quốc gia này qua quốc gia khác, tức là có sự dịch chuyển giữa các biên giới các quốc gia hoặc các vùng lãnh thổ. Trong đó, biên giới có thể được hiểu là biên giới địa lý hoặc biên giới theo pháp lý (dù không có sự dịch chuyển về lãnh thổ). Nếu hàng hóa là bất động sản cho dù được bán cho người nước ngoài thì đó không phải là hợp đồng thương mại quốc tế. Việc mua bán bất động sản với người nước ngoài tuân thủ quy định pháp lý riêng.
Như vậy, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế Việt Nam quy định rộng hơn, không cụ thể, không loại trừ, trong trường hợp cụ thể như máy bay, tàu biển theo Công ước Viên năm 1980 thì không là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Thứ hai, về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, theo quy định tại Điều 11 Công ước Viên năm 1980 thì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều được coi là hợp pháp: “Hợp đồng mua bán không cần phải được ký kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng những lời khai của nhân chứng”. Tuy nhiên, Điều 96 Công ước Viên năm 1980 lại quy định, nếu luật của một quốc gia thành viên quy định hợp đồng mua bán phải được ký kết hay xác nhận bằng văn bản thì quy định này được tôn trọng.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam”. Khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng”. Như vậy, có thể thấy, Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã được xây dựng theo hướng mở rộng tối đa phạm vi các bên chủ thể của hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng và điều này phù hợp với pháp luật quốc tế.
Điều 27 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập bằng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương”. Tuy nhiên, khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định: “Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”. Có thể thấy, quy định của pháp luật Việt Nam hạn chế hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hơn so với Công ước Viên năm 1980 và hình thức của hợp đồng được coi là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, Công ước Viên năm 1980 không quy định về hình thức hợp đồng, không quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, còn pháp luật Việt Nam quy định văn bản là hình thức bắt buộc nên hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam là một bên tham gia ký kết mà Công ước Viên năm 1980 là nguồn luật điều chỉnh thì hợp đồng phải được lập ở dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Thứ ba, về thời hạn khiếu nại đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Điều 318 Luật Thương mại năm 2005 quy định, thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hóa và sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hóa, chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết hạn bảo hành đối với các khiếu nại về vi phạm khác. Như vậy, thời hạn tối đa để khiếu nại là không quá chín tháng. Trong khi khoản 2 Điều 39 Công ước Viên năm 1980 lại quy định: “Trong mọi trường hợp, người mua bị mất quyền khiếu nại về việc hàng không phù hợp với hợp đồng nếu họ không thông báo cho người bán biết về việc đó chậm nhất trong thời hạn 02 năm kể từ ngày hàng hóa đã thực sự được giao cho người mua trừ phi thời hạn này trái ngược với thời hạn bảo hành quy định trong hợp đồng”.
Thời hạn khiếu nại dài hơn thể hiện sự bảo vệ người mua và tính công bằng, đặc biệt trong trường hợp hàng hóa là máy móc, có thể có những lỗi ẩn tỳ mà sau thời gian sử dụng lâu hơn 06 tháng mới phát hiện ra.
Thứ tư, về các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 và Điều 79 Công ước Viên năm 1980 đều quy định trường hợp miễn trách nhiệm bao gồm: Trường hợp bất khả kháng và trường hợp lỗi của bên bị vi phạm. Tuy nhiên, Điều 79 Công ước Viên năm 1980 còn quy định việc miễn trách nhiệm của bên thứ ba, trong khi Luật Thương mại năm 2005 không có quy định cụ thể về vấn đề này. Bên cạnh đó, tại điểm d khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 quy định, do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Quy định này cũng có thể được coi là một trường hợp “bất khả kháng” nằm trong khoản 1 Điều 79 Công ước Viên năm 1980, phạm vi khoản 1 Điều 79 này được quy định rộng hơn.
Như vậy, nhìn chung, Công ước Viên năm 1980 thể hiện sự toàn diện và công bằng hơn khi quy định các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Cùng với sự phát triển của kinh tế quốc tế, sự giao thương rộng mở, dịch vụ giao nhận vận tải và logistics phát triển thì việc xuất hiện bên thứ ba tham gia vào quy trình thực hiện hợp đồng là rất phổ biến trên thực tế. Xét riêng trên khía cạnh các trường hợp miễn trách thì Công ước Viên năm 1980 sẽ bảo đảm tính công bằng và an toàn hơn đối với các chủ thể.
Thứ năm, về trách nhiệm buộc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Luật Thương mại năm 2005 quy định trách nhiệm buộc thực hiện hợp đồng tại Ðiều 297, Công ước Viên năm 1980 quy định buộc thực hiện hợp đồng của người mua (Điều 46), quy định buộc thực hiện hợp đồng của người bán (Điều 62). Như vậy, mặc dù cả Công ước Viên năm 1980 và Luật Thương mại năm 2005 đều quy định bên vi phạm hoặc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc phải thay thế hàng hóa, tuy nhiên, Luật Thương mại năm 2005 chưa chỉ ra căn cứ để áp dụng thay thế hàng hóa, mà chỉ quy định chung chung biện pháp này được áp dụng khi hàng hóa vi phạm về chất lượng và bên vi phạm có thể dùng tiền để thay thế nếu bên bị vi phạm chấp nhận (khoản 2 Điều 297 Luật Thương mại năm 2005). Các quy định theo Luật Thương mại năm 2005 còn chưa rõ ràng, minh bạch nên dễ gây ra bất đồng liên quan đến phạm vi vi phạm chất lượng hàng hóa giữa các bên.
Trong khi đó, theo Công ước Viên năm 1980, điều kiện để bên bị vi phạm được áp dụng biện pháp thay thế hàng hóa khi sự không phù hợp của hàng hóa cấu thành “vi phạm cơ bản”, còn trong các trường hợp khác bên bị vi phạm chỉ được áp dụng biện pháp sửa chữa hàng hóa, loại trừ khuyết tật của hàng hóa và các trường hợp buộc thực hiện nghĩa vụ cụ thể khác tại Điều 47, 48. Như vậy, quy định này của Công ước Viên năm 1980 rõ ràng hơn, có căn cứ hơn, bảo vệ quyền lợi của các bên tốt hơn khi giải quyết tranh chấp, xung đột.
2. Một số kiến nghị
Qua nghiên cứu thực trạng quy định pháp luật của Việt Nam về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cho thấy cơ bản tương đồng với các quy định của Công ước Viên năm 1980 và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, bất cập mà pháp luật Việt Nam cần hoàn thiện để phù hợp, tiệm cận với các quy định của Công ước Viên năm 1980 đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể:
Một là, về đối tượng của hợp đồng, hàng hóa được đưa ra giao dịch là động sản, theo tác giả, Luật Thương mại năm 2005 cần quy định cụ thể, linh hoạt, phù hợp hơn với Công ước Viên năm 1980, tránh các xung đột pháp luật không cần thiết, mặc dù quy định hiện tại cũng đã cụ thể hóa hơn phần nào các quy định của Công ước Viên năm 1980.
Hai là, về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hiện nay, Luật Thương mại năm 2005 đang quy định hẹp hơn so với Công ước Viên và đó là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, theo tác giả, để bảo đảm tính thời đại, mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với tiền lệ pháp quốc tế thì cần bổ sung các quy định hình thức tương đương với văn bản.
Ba là, về thời hiệu khiếu nại, trên cơ sở quy định của Công ước Viên năm 1980 với thời hiệu khiếu nại tối đa là 02 năm, thiết nghĩ, Luật Thương mại năm 2005 cần sửa đổi thời hiệu tương đồng với quy định Công ước Viên năm 1980 nhằm bảo đảm quyền lợi các chủ thể, phát huy tính ưu việt trong quá trình áp dụng.
Bốn là, về trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, tác giả cho rằng, Công ước Viên năm 1980 sẽ bảo đảm tính công bằng và an toàn hơn đối với các chủ thể. Vì vậy, cần sửa đổi quy định tại Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 theo tinh thần Công ước Viên năm 1980 nhằm bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia mua bán hàng hóa quốc tế, tuân thủ quy định Công ước Viên năm 1980 mà Việt Nam đã tham gia.
Năm là, về trách nhiệm buộc thực hiện hợp đồng, quy định này của Công ước Viên năm 1980 rõ ràng hơn, có căn cứ hơn so với Luật Thương mại năm 2005 khi giải quyết tranh chấp, xung đột. Chính vì vậy, cần sửa đổi Điều 297 Luật Thương mại năm 2005 theo hướng chỉ ra căn cứ áp dụng, giải thích rõ ràng, cụ thể về việc thay thế hàng hóa, bảo đảm nguyên tắc tuân thủ và quyền lợi chủ thể tham gia.
Có thể nói, việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định về mua bán hàng hóa quốc tế là cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và áp dụng pháp luật; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập sâu, rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, bảo đảm tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế đã ký kết và sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế.
TS. Lê Minh Thái
Khoa Luật, Đại học Văn Lang
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 394), tháng 12/2023)