Luật Phá sản năm 2014 được ban hành đã tạo ra khung pháp lý vững chắc cho việc phá sản các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn tồn tại một số bất cập, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp cũng như các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc giải quyết thủ tục phá sản, nhất là trong tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều biến động, xuất hiện các quan hệ xã hội mới và những điều kiện làm thay đổi các quan hệ xã hội liên quan đến quá trình giải quyết phá sản của doanh nghiệp. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam gặp những khó khăn và nguy cơ mất khả năng thanh toán xảy ra ngày càng nhiều. Do vậy, đặt ra vấn đề cần phải có giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục phá sản trong thực tiễn.
1. Một số bất cập trong quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 thì: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Đây là điều kiện phát sinh quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, đặc biệt là do hậu quả của đại dịch Covid-19 gây ra thì việc mất khả năng thanh toán và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là điều tất yếu.
Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 chưa dự liệu được các quan hệ xã hội phát sinh có liên quan đến hoạt động và khả năng tài chính của các chủ thể kinh doanh nói chung khi xảy ra các tình huống đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố… Thực tế cho thấy, trong khoảng thời gian không dài kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản nợ. Với tinh thần của Luật Phá sản năm 2014, nếu người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không nộp đơn thì người có nghĩa vụ vẫn phải nộp đơn. Vì vậy, khả năng các doanh nghiệp phải chịu thêm áp lực, chấp nhận để doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản là rất lớn. Việc nộp đơn yêu cầu giải quyết phá sản hàng loạt sẽ khiến Tòa án khó tránh khỏi tình trạng quá tải, không chỉ để giải quyết các vụ việc phá sản mà còn phải giải quyết các vụ án, vụ việc bị tồn đọng do phải thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế hậu quả lây lan của dịch bệnh.
Như vậy, rõ ràng, việc tuyên bố doanh nghiệp phá sản trong hoàn cảnh này về mặt pháp lý không sai nhưng chưa thể hiện được mục đích và tính nhân văn, hợp lý của pháp luật, chưa phản ánh đúng bản chất của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
Thứ hai, tài sản phá sản theo Luật Phá sản năm 2014 chỉ bị giới hạn về thời gian (khối tài sản phá sản tính đến thời điểm mở thủ tục và những tài sản phát sinh trong quá trình giải quyết phá sản); không bị giới hạn bởi không gian tài sản tồn tại, loại hình tài sản, nguồn hình thành tài sản và các danh mục loại trừ. Tư duy pháp lý này làm cho nhiệm vụ quản lý, phân chia tài sản phá sản của doanh nghiệp phá sản bị thiếu tính chính xác, không công bằng cho các chủ thể tham gia thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Về phạm vi lãnh thổ của tài sản, tuy Điều 64 Luật Phá sản năm 2014 không quy định rõ về nguyên tắc đối với trường hợp tài sản không nằm trên lãnh thổ Việt Nam nhưng theo quy định tại Điều 117 về ủy thác tư pháp của Tòa án Việt Nam đối với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, có thể hiểu là, trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản, đối với tài sản không nằm trên lãnh thổ Việt Nam, Tòa án thực hiện ủy thác tư pháp theo hiệp định tương trợ tư pháp mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Thứ ba, Luật Phá sản năm 2014 quy định về quyền đề nghị được thương lượng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và chủ nợ để được rút đơn. Điều này đồng nghĩa với việc Tòa án phải luôn chấp nhận cho sự yêu cầu được thương lượng của các bên, tuy nhiên có phải trong mọi trường hợp, thỏa thuận rút đơn đều được chấp nhận hay không? Rõ ràng, Luật Phá sản năm 2014 đã cho phép các bên quyền thương lượng về việc rút đơn nhưng lại quy định phải đề nghị Tòa án để được rút đơn là chưa hợp lý.
Thứ tư, sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ xem xét tính hợp lệ của đơn. Trên thực tế, ngoài những quy định về nội dung và hình thức của đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo Luật Phá sản năm 2014 thì một số Tòa án có những hình thức khác nhau để giải quyết đơn yêu cầu như trong đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có ký tên, điểm chỉ của người yêu cầu (đối với đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm nhiều trang, người yêu cầu phải ký tên, điểm chỉ từng trang).
Sau khi hoàn thành đầy đủ các thủ tục thì Tòa án sẽ tiếp tục các quy trình tiếp theo giải quyết phá sản. Theo quy định của pháp luật hiện hành, trình tự, thủ tục để yêu cầu mở thủ tục phá sản vốn rất phức tạp thì trên thực tế hiện nay, còn cần phải đáp ứng được những hình thức mà các Tòa đưa ra mới có thể tiếp tục được quy trình.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, ngoài việc xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là hợp lệ thì còn phải có chứng cứ chứng minh các khoản nợ đến hạn kèm theo. Hay nói cách khác, chủ nợ phải chứng minh được doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Trên thực tế, để chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không phải là điều dễ dàng, nhất là khi các khoản nợ không phải xuất phát từ các hợp đồng vay, mượn về tài chính mà xuất phát từ khả năng thực hiện thanh toán các hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp
Thứ nhất, cần ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung điều khoản quy định về điều kiện mất khả năng thanh toán. Theo đó, ngoài quy định về trường hợp được xem là mất khả năng thanh toán theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, cần quy định thêm về mất khả năng thanh toán trong trường hợp đặc biệt (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố…), thời gian 03 tháng sẽ được tính từ ngày đầu tiên sau khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tuyên bố kết thúc tình huống đặc biệt đó.
Thứ hai, Luật Phá sản năm 2014 khi liệt kê các loại tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán tại Điều 64 nên ghi rõ ràng tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không giới hạn trong phạm vi lãnh thổ để các cơ chức năng cũng như những cá nhân có thẩm quyền dễ hiểu, tránh gây suy đoán dẫn đến nhầm lẫn, áp dụng không đúng các quy định của pháp luật.
Thứ ba, cần quy định theo hướng, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã nhận được thông báo bị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền thương lượng với chủ nợ nộp đơn về việc rút đơn không cần phải có văn bản đề nghị được thương lượng gửi cho Tòa án và sau khi thương lượng, các bên có nghĩa vụ gửi kết quả thương lượng về cho Tòa án trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng. Như vậy, sẽ tạo cho các bên chủ động hơn trong việc tiến hành thương lượng, hạn chế chi phí và thời gian. Bên cạnh đó, Luật Phá sản cũng cần quy định rõ hơn thế nào là thỏa thuận trái với quy định của pháp luật về phá sản và hậu quả pháp lý của từng hành vi đó nhằm tạo thuận lợi trong áp dụng, khẳng định việc thỏa thuận, thương lượng rút đơn là quyền nhưng không phải mọi thỏa thuận, thương lượng rút đơn đều được chấp nhận. Tòa án vẫn là chủ thể quyết định cuối cùng sau khi xem xét kết quả thương lượng được các bên gửi đến.
Thứ tư, cần xác định rõ như thế nào là một khoản nợ trong thủ tục phá sản. Theo quan điểm của tác giả, khoản nợ không chỉ là những khoản tiền, tài sản theo các hợp đồng vay, mượn tài sản. Đối với một thương nhân hoạt động thương mại, việc giao kết và thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ là việc thường xuyên phải thực hiện. Luật Phá sản năm 2014 không xem khoản tiền chậm thanh toán là một món nợ để làm cơ sở nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà đó chỉ là một hành vi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của các bên. Do vậy, trường hợp này, các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng và yêu cầu bên còn lại thanh toán. Tuy nhiên, sau khi có bản án xác định khoản nợ và thời hạn thanh toán cho bên bị vi phạm, thì liệu nội dung bản án có được xem là giấy xác nhận nợ của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hay không? Nếu chưa có bản án giải quyết tranh chấp về chậm thanh toán thì việc Tòa án trả lại đơn là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, nếu như tranh chấp trên đã được giải quyết bằng một vụ án đã có hiệu lực pháp luật và chuyển qua cơ quan thi hành án thì cần phải xem bản án như là một minh chứng cho khoản nợ không có bảo đảm.
ThS. Nguyễn Văn Nam
Viện Nghiên cứu pháp luật phía Nam
ThS. Võ Vinh Hiền
Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 386), tháng 8/2023)