1. Đặt vấn đề
Dưới góc độ ngôn ngữ học, thuật ngữ “kiến nghị” được hiểu là “nêu ý kiến và đề nghị về một việc chung để cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết”[1]. Trong khoa học luật tố tụng, “kiến nghị” là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục những vi phạm và thực hiện đúng những quy định của pháp luật tố tụng... Dưới góc độ khoa học kiểm sát, “kiến nghị” là quyền năng, là biện pháp pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất[2].
Kiến nghị là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện chức năng của Viện kiểm sát nhân dân được ghi nhận trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002. Tuy nhiên, phải đến Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì chế định kiến nghị mới được quy định cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ hơn.
Theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau: “Trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này thì Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật, nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật”[3].
Như vậy, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định cụ thể 02 trường hợp mà Viện kiểm sát nhân dân ban hành kiến nghị, đó là: (i) Khi phát hiện hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng (nếu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì ban hành kháng nghị); (ii) Khi phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý.
2. Quy định pháp luật hiện hành về quyền kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự
2.1. Đối tượng của quyền kiến nghị
Theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kiến nghị đối với quyết định, hành vi tố tụng của Tòa án, những người tiến hành tố tụng của Tòa án và của cơ quan tổ chức, cá nhân trong hoạt động tố tụng dân sự có vi phạm pháp luật và kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm[4].
Theo khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị đối với các bản án, quyết định, văn bản, hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng dân sự gồm: Các hành vi tố tụng của Tòa án và hành vi của các chủ thể tham gia tố tụng dân sự; các bản án của Tòa án: Văn bản trả lại đơn khởi kiện giải quyết vụ án dân sự (Điều 194); thông báo thụ lý vụ án dân sự (Điều 196); quyết định chuyển vụ án dân sự cho Tòa án khác (Điều 41); quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 2 Điều 139); quyết định trả lại đơn khởi kiện (Điều 194); quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (Điều 220), đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (Điều 290), đưa vụ án ra xét theo thủ tục rút gọn (Điều 319); quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm (Điều 233), hoãn phiên tòa phúc thẩm (Điều 296); quyết định sửa chữa, bổ sung bản án (nếu có) (Điều 268); quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự (Điều 214), tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm (Điều 288); quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự (Điều 216); quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 217), đình chỉ xét xử phúc thẩm (Điều 289). Riêng kiến nghị theo thủ đặc biệt thì đối tượng của quyền kiến nghị là quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Điều 358).
2.2. Hình thức, nội dung của quyền kiến nghị
Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về hình thức kiến nghị, song với quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 về đối tượng của quyền kiến nghị có thể là hành vi và các văn bản của cơ quan (Tòa án), tổ chức, cá nhân, có thể xác định hình thức thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát là đa dạng, linh hoạt để vừa bảo đảm tính pháp lý, vừa phù hợp với mỗi đối tượng cụ thể. Theo đó, hình thức kiến nghị có thể thực hiện bằng văn bản hoặc lời nói, ví dụ như: Tại phiên tòa, kiểm sát viên phát hiện thẩm phán chủ tọa phiên tòa vi phạm về điều khiển việc hỏi (hỏi không đúng thứ tự) thì kiểm sát viên yêu cầu (bằng lời nói) thẩm phán phải khắc phục ngay vi phạm.
Trường hợp kiến nghị bằng văn bản thường áp dụng đối với các vi phạm trong việc ban hành quyết định tố tụng của Tòa án, trong trường hợp này, Viện kiểm sát có thể thực hiện kiến nghị theo những phương thức sau: Kiến nghị trực tiếp đối với một vi phạm cụ thể; hoặc, tập hợp nhiều vi phạm để ban hành kiến nghị yêu cầu Tòa án, các chủ thể tham gia tố tụng khắc phục vi phạm. Khác với văn bản kháng nghị được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định rất cụ thể, văn bản kiến nghị lại chưa được luật quy định rõ nội dung. Tuy nhiên, trên thực tế, việc soạn thảo văn bản kiến nghị sẽ bao gồm: Mẫu kiến nghị đối với các dạng vi phạm cụ thể và mẫu kiến nghị tổng hợp chung đối với nhiều vi phạm của Tòa án[5].
Trong văn bản kiến nghị cần nêu rõ: Căn cứ ban hành kiến nghị; nội dung vi phạm cần kiến nghị; vi phạm quy định điều luật và văn bản pháp luật cụ thể; đánh giá tính chất, hậu quả của vi phạm; yêu cầu Tòa án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Tòa án khắc phục vi phạm và trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát[6].
2.3. Căn cứ thực hiện quyền kiến nghị
Khi phát hiện hành vi, quyết định của Tòa án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký, các chủ thể tham gia tố tụng dân sự khác có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng, không thuộc các trường hợp kháng nghị thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị. Ngoài ra, trong trường hợp các chủ thể tham gia giải quyết vụ việc dân sự không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng là căn cứ để Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị.
Riêng kiến nghị theo thủ tục đặc biệt, áp dụng khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi có những căn cứ sau: (i) Có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; (ii) Phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung, quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó; (iii) Phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định tuyên bố phá sản mà Tòa án nhân dân, người tham gia thủ tục phá sản không thể biết được khi Tòa án nhân dân ra quyết định.
2.4. Thẩm quyền thực hiện quyền kiến nghị
Theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chủ thể có quyền kiến nghị bao gồm Viện trưởng Viện kiểm sát và kiểm sát viên, tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa quy định cụ thể về vấn đề này nên tùy theo đặc điểm, tính chất và yêu cầu mà mỗi hành vi và quyết định tố tụng, căn cứ vào chủ thể có trách nhiệm thực hiện kiến nghị và nội dung kiến nghị để xác định trường hợp nào do Viện trưởng Viện kiểm sát ký văn bản kiến nghị, trường hợp nào kiểm sát viên có thẩm quyền kiến nghị. Về nguyên tắc, Viện trưởng có quyền đại diện Viện kiểm sát và với tư cách kiểm sát viên thực hiện mọi quyền kiến nghị mà pháp luật quy định cho Viện kiểm sát và kiểm sát viên, còn kiểm sát viên thực hiện những quyền kiến nghị mà pháp luật hiện hành trực tiếp quy định cho họ và một số trường hợp khác được quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nhằm khắc phục những vi phạm trong hoạt động xét xử tại phiên tòa, phiên họp hoặc vi phạm của thẩm phán, thư ký Tòa án hoặc thẩm tra viên (nếu có)[7].
Theo Điều 20 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC), Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định thực hiện các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC, cụ thể: (i) Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ việc về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định[8]. (ii) Kiểm sát viên có quyền kiến nghị với thẩm phán về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa; kiểm sát viên cũng có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện[9]. Riêng kiến nghị theo thủ tục đặc biệt, thẩm quyền ban hành kiến nghị chỉ thuộc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2.5. Hậu quả của việc thực hiện quyền kiến nghị
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát. Theo đó, việc xem xét, giải quyết phải trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc là phải khắc phục vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật hoặc áp dụng biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật[10].
Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát theo dõi và kiểm tra việc thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành các kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Đây là vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm hoạt động kiến nghị của Viện kiểm sát có hiệu lực trên thực tế, nếu các chủ thể đó vẫn không khắc phục vi phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể, Viện kiểm sát tiếp tục thực hiện quyền kiến nghị lên cấp trên như quyền kiến nghị đối với quyết định trả lại đơn khởi kiện, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết kiến nghị của Tòa án nhân dân cùng cấp thì kiểm sát viên có quyền kiến nghị với Tòa án cấp trên một cấp hoặc tiếp tục kiến nghị tối với Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Tòa án nhân tối cao[11].
3. Một số vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về quyền kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự
Thứ nhất, Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Có thể thấy, điều luật quy định việc Tòa án gửi thông báo thụ lý vụ việc cho Viện kiểm sát nhưng lại không quy định Tòa án phải gửi các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Viện kiểm sát. Vì vậy, trên thực tế, ngay từ khi Tòa án gửi thông báo và quyết định thụ lý vụ án cho Viện kiểm sát, Tòa án thường chỉ gửi thông báo thụ lý mà không gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan đến thời hiệu khởi kiện, điều kiện khởi kiện, tư cách pháp lý của người khởi kiện, xác định thẩm quyền giải quyết vụ án, xác định quan hệ tranh chấp trong thông báo thụ lý nên đã gây khó khăn cho Viện kiểm sát trong kiểm sát việc thụ lý vụ án, chẳng hạn như, Tòa án tiến hành thụ lý vụ án không đúng các nội dung nói trên thì trong trường hợp này, Viện kiểm sát khó có thể phát hiện ra để kịp thời kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm.
Thứ hai, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ quy định về thời hạn giải quyết, trả lời kiến nghị tại các điều 41, 141, 194 và 319; còn lại các trường hợp khác chưa được quy định. Khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 chỉ quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát theo quy định pháp luật. Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát, Tòa án phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho Viện kiểm sát đã kiến nghị biết. Trường hợp vụ việc phức tạp, cần có thêm thời gian thì Tòa án có văn bản thông báo lý do cho Viện kiểm sát biết và trả lời Viện kiểm sát trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định chế tài xử lý đối với những vi phạm đã bị kiến nghị nhưng Tòa án chậm trả lời hoặc không trả lời bằng văn bản cho Viện kiểm sát biết, dẫn đến tình trạng vi phạm diễn ra thường xuyên, lặp đi, lặp lại.
Thứ ba, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định tiêu chí xác định mức độ vi phạm để thực hiện quyền kiến nghị. Bên cạnh đó, thời hạn giải quyết kiến nghị vi phạm pháp luật và kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát chưa được quy định đầy đủ, toàn diện và chưa có sự thống nhất. Điều này làm cho việc xác định căn cứ để kháng nghị hay kiến nghị chưa thực sự rõ ràng; một số nhận định còn mang tính chủ quan của người đề xuất kiến nghị.
Thứ tư, trên thực tế, một bộ phận kiểm sát viên còn chủ quan, chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, kiến nghị chưa có sự đầu tư, phân tích kỹ lưỡng, sâu sắc nên chưa đạt được hiệu quả, mục đích, thiếu sức thuyết phục các cơ quan, tổ chức trong việc chấp nhận và khắc phục. Một số trường hợp, kiểm sát viên còn có tư tưởng nể nang, ngại va chạm nên khi phát hiện vi phạm đã không kiên quyết tham mưu lãnh đạo để ban hành kiến nghị khắc phục mà chỉ dừng lại ở việc trao đổi, góp ý sửa chữa.
4. Một số kiến nghị
Thứ nhất, như đã phân tích ở phần trên, việc Tòa án chỉ gửi thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát mà không gửi kèm chứng cứ, tài liệu có liên quan đến nội dung vụ án có thể dẫn đến việc Viện kiểm sát cùng cấp không phát hiện kịp thời những sai phạm của Tòa án. Vì vậy, theo tác giả, cần bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp thông báo thụ lý cùng với các tài liệu, chứng cứ có liên quan về việc thụ lý vụ án của Tòa án”.
Thứ hai, theo tác giả, để thống nhất về thời hạn Tòa án giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát, cần quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng: “Tòa án phải trả lời kiến nghị cho Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát, Tòa án phải trả lời và nêu ý kiến của mình về việc chấp nhận bản kiến nghị hay không chấp nhận bản kiến nghị”. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để bổ sung các điều, khoản liên quan đến chế tài xử lý đối với những vi phạm đã bị kiến nghị nhưng Tòa án chậm trả lời hoặc không trả lời bằng văn bản cho Viện kiểm sát biết.
Thứ ba, Viện kiểm sát cần chú trọng, tăng cường kiểm sát về thời hạn tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự bằng cách kiểm sát vụ án ngay từ khi Tòa thông báo thụ lý. Khi nhận văn bản thông báo thụ lý vụ án, kiểm sát viên cần lưu ý nội dung, những vấn đề cụ thể mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Nói cách khác, phải xác định ngay từ đầu quan hệ tranh chấp đơn giản hay phức tạp để chủ động theo dõi quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng. Đối với những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tính chất và mức độ tranh chấp không phức tạp, Tòa án không đưa ra xét xử thì cần chú trọng kiểm sát thời hạn Tòa án ra quyết định, thời hạn gửi quyết định cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp. Đối với những vụ án Tòa án đưa ra xét xử (phần lớn là những vụ tranh chấp liên quan đến nhà, đất…), đây là những vụ có quan hệ tranh chấp phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, có nhiều đương sự tham gia tố tụng, kiểm sát viên phải chủ động theo dõi thời hạn tố tụng, không để vụ án bị kéo dài; nếu phát hiện vi phạm về quá thời hạn thì kiến nghị kịp thời để Tòa án khắc phục ngay.
Thứ tư, nhằm kịp thời phát hiện vi phạm để ban hành kiến nghị, ngay sau khi nhận được bản án, quyết định và các văn bản tố tụng khác của Tòa án, kiểm sát viên được phân công phải chủ động kiểm sát về hình thức và nội dung của các văn bản, đồng thời đối chiếu với mẫu biểu của Tòa án nhân dân tối cao, với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2014. Trong trường hợp xác định được dạng vi phạm, kiểm sát viên chủ động, kịp thời báo cáo, tham mưu lãnh đạo thực hiện quyền kiến nghị. Đối với những vi phạm nghiêm trọng, cần phải khắc phục ngay, sau đó sẽ ban hành kiến nghị trực tiếp đối với vụ việc cụ thể. Đối với những vi phạm về thời hạn, kiểm sát viên cập nhật vào sổ theo dõi riêng để tổng hợp vi phạm kiến nghị vào 06 tháng đầu năm hoặc cả năm theo quy định.
Thứ năm, nâng cao kỹ năng kiểm sát việc thực hiện các yêu cầu trong bản kiến nghị. Sau khi ban hành kiến nghị, lãnh đạo đơn vị chỉ đạo kiểm sát viên trao đổi với Tòa án, cơ quan bị kiến nghị có văn bản trả lời tiếp thu theo yêu cầu trong kiến nghị. Đồng thời, kiểm sát lại các tài liệu trong hồ sơ về việc khắc phục vi phạm của Tòa án nếu là dạng vi phạm cần khắc phục, từ đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng của bản kiến nghị Viện kiểm sát đã ban hành./.
TS. Nguyễn Ngọc Anh Đào
Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Từ điển Tiếng Việt (2000), Nxb. Thanh niên, tr. 448.
[2]. Tài liệu chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2017), tr. 4.
[3]. Khoản 2 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
[4]. Khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
[5]. Lê Thanh Dương (2018), “Về quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện Kiểm sát trong tố tụng dân sự”, Tạp chí Kiểm sát, số 12/2018, tr. 25.
[6]. Mẫu số 10 Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017.
[7]. Tài liệu chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2017), tr. 15.
[8] Khoản 1 Điều 319 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[9]. Khoản 1 Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[10]. Tài liệu chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2017), tr. 20.
[11]. Khoản 7 Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 403), tháng 4/2024)