Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá, nghiên cứu thêm về các nội dung liên quan đến việc xác định các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng hình thức pháp lệnh; luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý. Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải chủ động nghiên cứu kỹ tình hình thực tiễn và các kinh nghiệm của quốc tế, đồng thời tiếp thu ý kiến của các đại biểu, từ đó xây dựng các quy định bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch chi tiết trong việc tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, khảo sát bảo đảm công tác thi hành văn bản quy phạm pháp luật được hiệu quả.
Báo cáo tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết, trên cơ sở chính sách và ý kiến của Chính phủ tại phiên họp chuyên đề, cơ quan soạn thảo đã xây dựng Dự thảo 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) gồm 17 chương 178 điều có bố cục như sau: Chương I. Những quy định chung bao gồm: quy định về phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, phản biện xã hội, truyền thông chính sách; Chương II quy định nội dung văn bản quy phạm pháp luật, quy định về thẩm quyền hình thức và nội dung của từng loại văn bản quy phạm pháp luật; Chương III đến Chương XI quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Chương XII đến chương XIII quy định hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, nguyên tắc áp dụng, công khai văn bản, giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; Chương XIV đến Chương XVI quy định về giám sát, kiểm tra, hợp nhất, pháp điển, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Chương XVII về điều khoản thi hành được ban hành nhằm thể chế hóa các nội dung được nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn...
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến Dự thảo 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), cụ thể:
Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp thấp nhất là cấp cơ sở, cấp này chỉ cần tập trung vào nhiệm vụ thực thi văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, đại biểu còn đưa ra một số nội dung góp ý, cụ thể: Cần lồng ghép các nội dung giải thích, hướng dẫn áp dụng luật vào các quy định của nghị định, thông tư thay vì dùng công văn, giấy tờ hành chính để giải thích mà không chính thức; trong quá trình xây dựng quy trình rút gọn cần quan tâm đến các khâu kiểm soát chất lượng; nội dung đánh giá tác động chính sách không nên dàn trải, mang tính hình thức mà cần tập trung vào những phần thể hiện rõ, đầy đủ nội dung của các chính sách; cần quan tâm đến vai trò của những người kiểm soát trong nội bộ, trách nhiệm của những chủ thể này; cần bổ sung nội dung về sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật...
Theo Đại diện vụ Hợp tác quốc tế, cần có quy định nhằm phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm nâng cao vai trò của cơ quan chủ trì xây dựng luật trong tất cả các khâu, đồng thời giảm tải trách nhiệm cho các cơ quan thẩm định, các cơ quan tham gia vào giai đoạn thẩm định, thẩm tra. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng các kênh thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp nhằm giải thích, hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc. Đối với quy định về thời gian lấy ý kiến, đại biểu cho rằng, quy định này cần sửa đổi theo hướng linh hoạt như kéo dài thời gian đối với đối tượng không trên lãnh thổ Việt Nam hoặc cũng có thể rút ngắn tùy vào từng trường hợp mà không nhất thiết phải là 60 ngày.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng và các đại biểu, đồng thời rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV...
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ các nội dung về quy trình giải thích pháp luật, áp dụng pháp luật, đặc biệt đối với quy trình theo dõi thi hành pháp luật cần phải cân nhắc gắn với các nội dung liên quan đến phản ứng chính sách; cần có các hướng dẫn áp dụng pháp luật mang tính chất bắt buộc cho những trường hợp có những cách hiểu khác nhau để hiểu đúng, hiểu rõ cơ chế; nghiên cứu hình thức theo dõi thi hành pháp luật thông qua việc lập fanpage để lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, người dân, doanh nghiệp...
Thùy Dung