1. Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) là thuật ngữ khá phổ biến trong pháp luật hình sự và có vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn trong quyết định hình phạt. Việc quy định và áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS là thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước ta đối với người phạm tội, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là đối với những người có nhiều thành tích trong chiến đấu, học tập và công tác; những người có công với cách mạng và thân nhân của họ; thể hiện tính khách quan, mềm dẻo, linh hoạt trong quá trình giải quyết vụ án; khuyến khích người phạm tội thành khẩn khai báo, thành khẩn hối lỗi trước hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, các Bộ luật Hình sự cũng như các văn bản pháp luật hình sự khác từ trước đến nay chưa có khái niệm cụ thể về tình tiết giảm nhẹ TNHS. Trong khoa học pháp lý cũng tồn tại những quan điểm khác nhau về vấn đề này và chưa có sự thống nhất, đồng bộ để đưa ra một khái niệm được áp dụng chung. Thực tiễn cho thấy, tình tiết giảm nhẹ TNHS có một số đặc điểm cơ bản như sau:
Một là, những tình tiết giảm nhẹ TNHS đã được quy định với tính cách là yếu tố định tội hoặc là yếu tố định khung hình phạt của một số tội phạm cụ thể, thì trong quá trình xét xử, Tòa án không được xem xét nó như là tình tiết giảm nhẹ chung được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Nghĩa là, một tình tiết giảm nhẹ cho dù biểu hiện dưới hình thức nào, cũng không thể áp dụng hai lần cho một trường hợp phạm tội cụ thể.
Hai là, tình tiết giảm nhẹ TNHS chỉ là căn cứ để Tòa án cân nhắc, xem xét việc áp dụng hình phạt theo hướng nhẹ hơn đối với người phạm tội.
Ba là, pháp luật hiện nay không quy định cụ thể sự hiện diện của tình tiết giảm nhẹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc quyết định hình phạt, sự hiện hữu của tình tiết nào thì được giảm trách nhiệm hình đến đâu, điều đó phụ thuộc vào sự xem xét và cân nhắc của Tòa án.
Bốn là, các tình tiết giảm nhẹ TNHS không cụ thể, rõ ràng, mà nó chỉ là sự việc nhỏ xuất hiện trong quá trình xét xử, điều tra, truy tố, cho nên, ngoài khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự và các tình tiết được quy định tại điểm c, mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Tòa án nhân dân tối cao, thì trong quá trình xét xử từng vụ án cụ thể, Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ.
Năm là, mức độ ảnh hưởng của mỗi tình tiết giảm nhẹ TNHS đến việc quyết định hình phạt của Tòa án là không giống nhau, không phải lúc nào cũng như án lệ, tình tiết đó, sự kiện giống vậy là khung hình phạt giống nhau. Các tình tiết giảm nhẹ TNHS có ý nghĩa pháp lý, xã hội, chính trị không đồng đều nhau, có tình tiết ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định hình phạt và đối với mọi trường hợp phạm tội, nhưng có tình tiết lại ảnh hưởng ít hơn. Không những thế, cùng một tình tiết giảm nhẹ TNHS, nhưng có mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với những tội khác nhau.
2. Một số bất cập khi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Nghiên cứu, áp dụng Điều 51 Bộ luật Hình sự hiện nay cho thấy, các quy định về tình tiết giảm nhẹ chưa cụ thể, nên có cách hiểu không thống nhất.
Thứ nhất, về tình tiết “người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51.Trường hợp bị cáo đã khai hết toàn bộ diễn biến hành vi phạm tội nhưng họ cho rằng, hành vi của họ không phạm tội, thì có thẩm phán không áp dụng tình tiết “thành khẩn khai báo” là không chính xác, bởi lẽ, bị cáo đã thành khẩn khai báo toàn bộ sự việc, nhưng do nhận thức về pháp luật nên bị cáo không hiểu hành vi của mình là phạm tội. Thành khẩn khai báo phải được hiểu là không khai gian dối điều gì có liên quan đến hành vi phạm tội. Có trường hợp tại phiên tòa, bị cáo không khai báo trung thực mà phải đấu tranh, dùng mọi biện pháp, nghiệp vụ đến lúc bị cáo thấy không thể chối cãi được mới nhận tội nhưng vẫn áp dụng tình tiết “thành khẩn khai báo” có phù hợp không. Hay người phạm tội bị bắt quả tang, chứng cứ rõ ràng, bị cáo không thể chối tội mà phải khai ra, thì có áp dụng tình tiết này không. Quan điểm của hầu hết thẩm phán là vẫn áp dụng có lợi cho bị cáo và căn cứ vào mức độ thành khẩn đến đâu, thời điểm nào để áp dụng hình phạt cho tương xứng.
Thứ hai, về tình tiết “phạm tội do lạc hậu” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51. Việc xác định nguyên nhân của nhận thức lạc hậu còn chưa có quy định rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng chưa chặt chẽ và thiếu tính thuyết phục. Chưa có sự phân biệt rạch ròi trong mối quan hệ giữa nhận thức lạc hậu và hành vi phạm tội. Ví dụ: Trong vụ án giết người, A cũng là người đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ học vấn thấp, sinh sống ở vùng có điều kiện khó khăn. Qua nghiên cứu hồ sơ thể hiện được thủ đoạn giết người của A rất tinh vi. Đối với trường hợp này, Tòa án áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” là không chính xác, bởi vì, xét trong mối quan hệ giữa nhận thức lạc hậu và hành vi phạm tội có sự không đồng nhất. Nếu A thật sự có nhận thức lạc hậu thì rõ ràng nhận thức đó không thể điều khiển A thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi như vậy. Nên xác định lý do vì trình độ học vấn thấp, dẫn đến nhận thức lạc hậu là không chính xác.
Thứ ba, về tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51. Do điều luật không quy định mức độ bồi thường nên có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, bồi thường một phần dù nhỏ vẫn áp dụng tình tiết này; có quan điểm lại cho rằng, phải bồi thường đáng kể mới áp dụng tình tiết này; lại có quan điểm cho rằng, nếu bị cáo đã bán hết tài sản nhưng cũng chỉ bồi thường được một phần rất nhỏ so với hậu quả xảy ra thì cũng phải áp dụng. Trên thực tế hiện nay, nhiều vụ án gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, như vậy, nếu bị cáo bồi thường vài triệu mà được áp dụng điểm b thì không thỏa đáng. Vấn đề này còn phải tùy thuộc vào mức thiệt hại, khả năng kinh tế của bị cáo, nếu bị cáo đã bán hết tài sản để bồi thường được một phần rất nhỏ thì nên xem xét áp dụng tình tiết “ăn năn, hối cải” mà không áp dụng tình tiết bồi thường thì hợp lý hơn không. Có trường hợp tài sản trộm cắp đã được bị cáo trả lại sau khi chiếm đoạt, có quan điểm cho rằng, đây không phải là tiền bồi thường, nên không áp dụng tình tiết “tự nguyện bồi thường” là đúng, nên chăng áp dụng tình tiết “khắc phục hậu quả” cho bị cáo.
Thứ tư, về tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51.Có ý kiến đặt ra rằng, trong tội giết người mà người bị giết không chết, hiếp dâm nhưng chưa giao cấu được, thì có được áp dụng tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” không? Trên thực tế, hậu quả trên dù chưa xảy ra hoặc hậu quả không lớn thì vẫn được áp dụng tội danh tương ứng. Tuy nhiên, những tội cấu thành hình thức như tội “cướp”, “hiếp” còn phải xem xét đến hậu quả về tinh thần, tính mạng, sức khỏe và hậu quả cho xã hội như thế nào để xem xét áp dụng.
Thứ năm, về tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51. Vấn đề đặt ra là bị cáo chưa phạm tội lần nào, có nhân thân tốt, tuy nhiên, lần này bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, nhưng bị cáo phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm, thì có được áp dụng tình tiết này không. Qua thực tiễn xét xử, rất ít thẩm phán áp dụng tình tiết này trong trường hợp cụ thể nói trên. Vì vậy, cũng cần nêu ra để đánh giá thống nhất hơn thế nào là “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.
Thứ sáu, theo khoản 2 Điều 51, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi “đầu thú” là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Như vậy, sau khi người phạm tội biết rằng việc mình phạm tội không thể che giấu và trốn tránh nên đến cơ quan công an để khai báo sự việc, lúc này, Công an sẽ tiến hành lập biên bản về việc người phạm tội đầu thú. Người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51. Đây là chính sách nhân đạo của Nhà nước trong việc áp dụng pháp luật hình sự đối với người phạm tội, tạo điều kiện cho họ được hưởng những tình tiết có lợi nhất. Nhưng thực tiễn xét xử cũng gặp bất cập trong việc áp dụng khi trong cùng một vụ án, có bị cáo được áp dụng, có bị cáo không được áp dụng.
Ví dụ: A và B cùng rủ nhau đi trộm cắp tài sản. A dùng xe máy chở B đi để tìm kiếm nhà nào sơ hở thì trộm cắp. Khi đến nhà ông C, A vào nhà để trộm cắp, còn B đứng ngoài cảnh giới. Khi bị phát hiện, A bị bắt giữ còn B trốn thoát. Vụ án được khởi tố, điều tra theo đúng trình tự. Vì B là đồng phạm trong vụ án nhưng B bỏ trốn, nên cơ quan điều tra đã mất nhiều thời gian và xác minh nhiều lần. Hai tháng sau, vì biết không thể trốn tránh, nên B đến đầu thú tại cơ quan điều tra. Khi xét xử, ngoài những tình tiết giảm nhẹ mà A và B được hưởng theo nội dung vụ án, thì B còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ là đầu thú theo khoản 2 Điều 51. Như vậy, trong trường hợp bị cáo A có những tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 giống với B và có tình tiết khác quy định tại khoản 2 Điều 51 thì hội đồng xét xử xem xét cân nhắc hình phạt theo vai trò của từng bị cáo. Nhưng trong trường hợp A không có tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 mà B lại được hưởng tình tiết đầu thú theo khoản 2 Điều 51 trong khi B bỏ trốn và cơ quan tố tụng mất nhiều thời gian để xác minh, truy nã (nếu có). Như vậy khi áp dụng để cân nhắc hình phạt thì B lại có lợi hơn A.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Thứ nhất, cần sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng bổ sung quy định giải thích thuật ngữ và hướng dẫn tiêu chí xác định cụ thể đối với các tình tiết giảm nhẹ chưa được quy định rõ ràng nhằm tạo khung pháp lý vững chắc cho việc áp dụng các tình tiết này, tránh tình trạng áp dụng pháp luật tùy tiện trong thực tiễn. Cụ thể:
(i) Điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự hiện hành cần có quy định rõ ràng về nguyên nhân và điều kiện để xác định một người là có nhận thức lạc hậu, trong đó, nguyên nhân của nhận thức lạc hậu phải là khách quan, như không được học tập, không có những điều kiện thực tế để nhận biết được giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu. Thực tế, có rất nhiều đối tượng mặc dù có điều kiện để học tập nhưng không học, có điều kiện để tiếp thu những tiến bộ xã hội nhưng bảo thủ không tiếp thu… những đối tượng này cần thiết phải nghiêm trị theo đúng quy định của pháp luật.
(ii) Điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự hiện hành cần có hướng dẫn về việc xác định thiệt hại không lớn cần dựa vào mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế cho người bị thiệt hại và cho xã hội (cả thiệt hại vật chất, thể chất, tinh thần), các quy định cụ thể của từng loại tội phạm, tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm trong từng trường hợp cụ thể. Riêng thiệt hại về tinh thần thì nên hạn chế áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm h khoản 1 Điều 51 và chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ này khi thiệt hại đó không ảnh hưởng đến hoạt động, sinh hoạt bình thường của người bị thiệt hại. Việc xác định thiệt xảy ra không lớn không phụ thuộc vào loại tội mà người phạm tội vi phạm, không phụ thuộc đó là tội phạm cấu thành vật chất hay cấu thành hình thức, mà có thể chỉ ít nhiều phụ thuộc vào tính chất của tội phạm là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng mà thôi.
(iii) Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự hiện hành cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể, thống nhất cách hiểu hai trường hợp này để làm rõ: Như thế nào là “bị phát hiện” (ai là người phát hiện - có loại trừ đồng phạm, bị can khác trong vụ án hoặc người thân thích không? Mức độ “phát hiện” có phải là biết rõ hoặc có thông tin tương đối cụ thể, xác thực về căn cước, lai lịch người phạm tội không? Nếu đã biết rõ danh tính và hành vi cụ thể mà cố tình trốn tránh rồi mới ra trình diện thì áp dụng như thế nào so với người trình diện ngay sau khi bị phát hiện nhằm tạo sự công bằng hơn trong việc áp dụng hình phạt đối với trường hợp có đồng phạm...
Thứ hai, cần xây dựng án lệ về các trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Án lệ đã bổ sung giúp cho luật thành văn trở nên gắn liền với thực tiễn hơn bao giờ hết. Khi xảy ra tranh chấp, các Tòa án có cơ sở để xét xử dựa trên một khuôn khổ đã có, những khuôn khổ này nếu không được sử dụng trong phán quyết thì cũng là một nguồn tài liệu tham khảo rất có ích. Việc áp dụng án lệ ngoài ý nghĩa giải quyết một vụ án cụ thể còn thiết lập ra một tiền lệ để giải quyết những vụ án tương tự sau này, do đó, sẽ tạo bình đẳng trong việc xét xử các vụ án giống nhau, giúp tiên lượng được kết quả của các vụ tranh chấp, tiết kiệm công sức của các thẩm phán, người tham gia tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, tạo ra sự công bằng trong xã hội.
Phạm Thị Mai
Khoa Luật, Đại học Nguyễn Tất Thành