1. Quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và sự tác động của đại dịch Covid -19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng. Thay vì theo các cách thức truyền thống, việc trao đổi, mua bán hàng hóa trực tuyến là lựa chọn hiện nay của nhiều khách hàng. Điều này đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa trung gian từ người bán tới người mua. Với đặc tính, nhanh, an toàn, chi phí hợp lý, dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính là lựa chọn ưu tiên hiện nay của khách hàng. Tuy nhiên, không ít những hành vi kinh doanh bất chính đã và đang diễn ra, như lợi dụng phương tiện gắn nhãn mác bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, vũ khí, truyền đơn chống phá Nhà nước; kinh doanh không có giấy phép; tráo đổi hàng hóa của khách hàng,… đã làm tổn hại đến uy tín, hình ảnh của ngành dịch vụ vận chuyển bưu chính, làm mất lòng tin của khách hàng, gây mất an ninh xã hội.
Nhằm phát huy hết vai trò và lợi thế của một dịch vụ vận chuyển, ngăn chặn hiệu quả các hành vi trái pháp luật, pháp luật đã có những quy định làm rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính. Phân tích các quy định nhận thấy, để kiểm soát hiệu quả hoạt động vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp bưu chính, Nhà nước đã ban hành ba nhóm quy định cơ bản sau đây:
(i) Quy định về điều kiện thành lập doanh nghiệp bưu chính: Phòng ngừa, giáo dục luôn là nguyên tắc ưu tiên đầu tiên trong kiểm soát hành vi vi phạm nói chung, hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính nói riêng để tránh những hậu quả xảy ra. Vì lẽ đó, doanh nghiệp muốn thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính. Để được cấp giấy phép này, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện như: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính; có khả năng tài chính, nhân sự phù hợp; có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính; có biện pháp bảo đảm an ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính[1].
(ii) Quy định về quá trình hoạt động của doanh nghiệp bưu chính: Để bảo đảm lợi ích hợp pháp, đồng thời ngăn chặn, tiến tới loại bỏ những hành vi vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính trái pháp luật, nhằm xây dựng môi trường cạnh trạnh lành mạnh, Nhà nước đã có những quy định nhằm xác định quyền và ràng buộc nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính trong quá trình vận chuyển hàng hóa, cụ thể: Bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi cố ý chấp nhận bưu gửi vi phạm; không được tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính của tổ chức, cá nhân; không được cung ứng dịch vụ bưu chính vi phạm quy định về phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng dưới mọi hình thức; hưởng thù lao, chi phí hợp lý[2],…
(iii) Quy định về trách nhiệm pháp lý do hành vi vi phạm gây ra: Trách nhiệm pháp lý luôn được biểu thị bởi các chế tài mang tính chất răn đe, nghiêm khắc, bảo đảm cho hoạt động vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp bưu chính đúng quy định, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tùy theo mức độ và tính chất nguy hiểm của từng hành vi vi phạm trong hoạt động vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp bưu chính có thể bị áp dụng các chế tài hình sự với hành vi “tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”[3]; bị xử lý hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viên thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Nghị định số 15/2020/NĐ-CP); nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định[4].
Như vậy, pháp luật đã có những quy định trao quyền và ràng buộc nghĩa vụ đối với doanh nghiệp bưu chính trong vận chuyển hàng hóa, nhằm phát huy tối đa vai trò của dịch vụ này, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và xã hội. Tuy vậy, quan sát và phân tích nhận thấy, các quy định này vẫn còn bất cập, dẫn đến những hành vi vi phạm trong thực tiễn, vì vậy, cần thiết phải phân tích để hoàn thiện.
2. Thực trạng quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính
Hiện nay, nước ta có khoảng 550 doanh nghiệp bưu chính hoạt động[5], các quy định nêu trên đã tạo hành lang pháp lý, giúp kiểm soát ngay từ đầu và trong suốt quá trình hoạt động đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường bưu chính. Đồng thời, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp bưu chính trong việc cam kết, tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Điển hình là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu chính Viettel, Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện, Công ty Cổ phần Giao hàng Tiết kiệm, Công ty Cổ phần Thương mại và chuyển phát nhanh Nội Bài, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Song Bình đã cùng nhau cam kết thực hiện những nội dung tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính; từ chối, không chấp nhận, vận chuyển, phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính hoặc không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính để kinh doanh, sử dụng hàng lậu, hàng cấm[6],… Hoặc, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm, tại một số địa phương, giữa cơ quan quản lý thị trường và doanh nghiệp bưu chính cũng đã ký quy chế phối hợp trong kiểm tra và xử lý tình huống đối với hàng hóa kinh doanh gửi qua đường bưu chính[7].
Với chi phí hợp lý, thời gian giao nhận nhanh, tính an toàn cao, bảo mật được thông tin hàng hóa, đặc biệt, với sự phát triển của thương mại điện tử, sự tác động của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, phải giãn cách xã hội đã làm tăng nhu cầu trao đổi hàng hóa trực tuyến, vì vậy, dịch vụ chuyển phát hàng hóa qua dịch vụ bưu chính được ưu tiên sử dụng, giúp hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng, tận tay người nhận, phòng tránh được dịch bệnh theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để một số doanh nghiệp bưu chính và các đối tượng gửi, nhận hàng hóa lợi dụng nhằm thông đồng vận chuyển hàng cấm, hàng giả, thậm chí là ma túy, vũ khí trái phép, truyền đơn chống phá Nhà nước. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đã phát hiện xử phạt 7.270 bưu phẩm, bưu kiện phát tán qua dịch vụ bưu chính chứa 8.022 loại vũ khí, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ; ngăn chặn, gỡ bỏ 102 đường dẫn tài khoản facebook, 6000 đường dẫn video youtube, 41 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ[8]. Đặc biệt, vào ngày 07/7/2020, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kho hàng cất trữ hàng lậu rộng hơn 10.000 m2 tại thanh phố Lào Cai, trong đó có một số doanh nghiệp bưu chính tham gia công đoạn vận chuyển[9]. Nguyên nhân cơ bản của tồn tại trên xuất phát từ bất cập của pháp luật, cụ thể:
Một là, khó xử lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính về tội “tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội “tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”, theo đó, người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù[10]. Vấn đề đặt ra, nếu doanh nghiệp bưu chính thực hiện hành vi vận chuyển hàng cấm thì có vận dụng Điều 191 để xử lý được không. Câu trả lời là rất khó, vì phải chứng minh có hành vi cố ý vận chuyển hàng cấm của doanh nghiệp bưu chính. Trong khi đó, việc chứng minh là không dễ đối với cơ quan chức năng, bởi lẽ:
(i) Theo khoản 6 Điều 7 Luật Bưu chính năm 2010 quy định, khi tiến hành chấp nhận, vận chuyển hàng hóa cho khách hàng, doanh nghiệp bưu chính không được bóc mở, đánh tráo hàng hóa của khách hàng[11]. Quy định này nhằm bảo mật thông tin hàng hóa cho khách hàng khi gửi. Nhưng vấn đề đặt ra, nếu không được bóc, mở để kiểm tra hàng hóa khi chấp nhận để vận chuyển thì doanh nghiệp bưu chính rất khó để xác minh rằng, đó có phải là hàng cấm hay không và cơ quan chức năng cũng không có đủ cơ sở để kết luận rằng, liệu doanh nghiệp bưu chính có cố ý vận chuyển hàng cấm hay không, trừ khi đủ chứng cứ để chứng minh rằng, doanh nghiệp bưu chính biết hoặc phải biết hàng cấm nhưng vẫn chấp nhận để vận chuyển.
(ii) Xuất phát từ phương thức, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng gửi, nhận hàng hóa bất hợp pháp qua đường bưu chính, các đối tượng không ngại sử dụng các phương thức, thủ đoạn trái pháp luật như khai khống chủng loại hàng hóa, ghi sai địa chỉ người gửi và người nhận, để khi cơ quan chức năng phát hiện sẽ không truy được nguồn gốc cũng như người gửi hàng và người nhận hàng, sẵn sàng vứt bỏ hàng hóa khi bị cơ quan chức năng phát hiện. Trong trường hợp này, vì không truy gốc được người gửi và người nhận nên rất khó chứng minh có hành vi cố ý vận chuyển hàng cấm của doanh nghiệp bưu chính hay không, vì không thể lấy được lời khai từ người gửi hay người nhận. Cụ thể, ngày 14 tháng 10 năm 2020, lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất Cảng ICD Mỹ Đình, là kho hàng của doanh nghiệp dịch vụ bưu chính Thuận Phong - J&T Express. Qua kiểm tra, có tới hơn 100.000 các sản phẩm hàng tiêu dùng đang được chờ chuyển phát không rõ nguồn gốc, xuất xử. Tiếp tục kiểm tra cả 5 đơn vị ký kết với doanh nghiệp Thuận Phong để giao vận hàng hóa (tức chủ hàng), đều là địa chỉ không xác định được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể xử lý được chủ hàng mà chỉ có thể tịch thu được hàng hóa tại các kho hàng của Doanh nghiệp Thuận Phong[12]. Một vụ việc khác, Cục quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì phối hợp tiến hành kiểm tra Bưu cục Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 50 bao tải và 96 thùng bìa cát tông bên trong có đựng hàng hóa đều do Trung Quốc sản xuất, có tổng trọng lượng khoảng 2.000kg, nhưng không có chủ sở hữu[13].
Hai là, thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp bưu chính trong trang bị phương tiện, công cụ kiểm tra hàng hóa trước khi chấp nhận vận chuyển. Kiểm tra hàng hóa trước khi chấp nhận vận chuyển là cách tốt nhất để phát hiện, từ chối vận chuyển đối với các loại hàng hóa bị cấm. Tuy vậy, với đủ các chiêu trò, mánh khóe để đối tượng gửi hàng cấm “qua mặt” các giao dịch viên và cơ quan chức năng, như đóng lẫn hàng hóa có giá trị nhỏ, gọn trong các hành lý thông thường hoặc cất giấu trong các vách, ngăn, hầm kín tự chế[14], hoặc ma túy đá được ngụy trang cho vào các hộp kim loại bên ngoài dán nhãn hiệu là Gà hầm xí muội, Bò sốt tiêu Tuyền Ký, Gà hấp gừng Tuyền Ký, Sườn nấu đậu hay súng ngắn quân dụng hiệu PX4 storm, code PZ 46162 được tháo rời dấu trong các đầu DVD để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan[15].
Với những thủ đoạn tinh vi này, việc kiểm tra hàng hóa ngay từ đầu của giao dịch viên tiếp nhận bưu gửi thường bị “qua mặt”. Trong khi đó, pháp luật quy định rất chung chung những điều kiện về tài chính, nhân sự mà không bắt buộc trách nhiệm của doanh nghiệp phải trang bị phương tiện, công cụ để hỗ trợ kiểm tra, phát hiện ngay từ đầu các loại hàng hóa cấm vận chuyển[16]. Vì luật không bắt buộc, trong khi đó, chi phí để trang bị các loại máy chiếu, soi hiện đại lại khá tốn kém, đồng thời việc trang bị máy soi, chiếu hiện đại cần thiết phải có nhân lực đủ trình độ để sử dụng. Với những rào cản như vậy, nên thực tế các doanh nghiệp bưu chính sẽ không chủ động trong việc trang bị các công cụ, phương tiện để hỗ trợ cho việc kiểm tra, phát hiện hàng hóa cấm vận chuyển.
Ba là, thiếu các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, trình độ của giao dịch viên tiếp nhận hàng tại các doanh nghiệp bưu chính. Tại các doanh nghiệp bưu chính hiện nay, việc tiếp nhận hàng hóa cho khách hàng đều được giao cho các giao dịch viên. Trong khi đó, Luật Bưu chính năm 2010 và Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính lại không có bất kỳ quy định cụ thể nào về điều kiện, trình độ của giao dịch viên. Dẫn đến thực tế, yêu cầu về điều kiện, trình độ để tuyển dụng các giao dịch viên làm việc tại các doanh nghiệp bưu chính không giống nhau, đối tượng được tuyển dụng chủ yếu tốt nghiệp trung cấp trở lên (không bắt buộc phải đúng chuyên ngành). Ví dụ, tại Chi nhánh Bưu chính Viettel Nghệ An, tuyển nhân viên giao dịch yêu cầu trình độ tốt nghiệp trung cấp trở lên, có ngoại hình khá, cao từ 1m58[17]. Hoặc, Chi nhánh Bưu điện thành phố Hà Nội thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, tuyển giao dịch viên yêu cầu có trình độ tốt nghiệp từ trung cấp trở lên, có trình độ A tin học văn phòng trở lên, có kỹ năng phản ứng tốt trước các yêu cầu, thắc mắc của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ, có thái độ niềm nở, thân thiện, lịch sự với khách hàng[18].
Là chủ thể trực tiếp kiểm tra, tiếp nhận hàng hóa, đối diện trực tiếp với các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng cấm, với trình độ tốt nghiệp trung cấp, không bắt buộc phải được đào tạo đúng chuyên ngành, và yêu cầu trình độ A tin học văn phòng thì không thể đòi hỏi hiệu quả ở các giao dịch viên trong việc kiểm tra, phát hiện các loại hàng cấm, hàng giả. Minh chứng, ngày 15 tháng 4 năm 2020, cơ quan chức năng của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, tiến hành kiểm tra, bưu cục Tân Thanh, phát hiện có tổng số có 109 loại hàng là đồ dùng gia đình, đồ điện gia dụng, v.v, trị giá hàng hóa xuất bán trên hóa đơn là 35.850.000 đồng, được xuất bán cho 23 khách hàng tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Ngoài ra, có 71 loại hàng hóa là đồ điện gia dụng, hàng may mặc sẵn, đồ chơi trẻ em, thuốc tân dược, hóa chất tẩy rửa, v.v, do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Trưởng bưu cục Tân Thanh cho biết, khi khách hàng mang hàng hóa đến Bưu cục để thực hiện giao dịch nhận gửi, bà phân công nhiệm vụ cho giao dịch viên và có trách nhiệm yêu cầu khách hàng xuất trình hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, đồng thời cùng khách hàng kiểm đếm số lượng, đối chiếu hóa đơn, cân đo, in vận đơn và thu tiền cước của khách hàng. Mặc dù có một số hàng hóa đã được kiểm đếm, in vận đơn, nhưng một số mặt hàng khách hàng mang đến bưu cục nhưng chưa thực hiện việc giao nhận, gửi hàng nên bà, và nhân viên không nắm được số lượng cụ thể[19].
3. Một vài đề xuất
Luật Bưu chính năm 2010 cũng như các văn bản hướng dẫn đã có những quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính, điều này giúp kiểm soát ngay từ đầu các hành vi trái pháp luật có thể được thực hiện. Tuy vậy, các quy định vẫn còn những điểm bất cập, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến các hành vi kinh doanh trái pháp luật vẫn đang diễn ra. Để kiểm soát hiệu quả các hành vi của doanh nghiệp bưu chính trong hoạt động hoạt vận chuyển hàng hóa, cần phải có các giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật theo hướng sau:
Một là, quy định trao quyền và gắn nghĩa vụ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính trong kiểm tra hàng hóa trước khi chấp nhận, vận chuyển cho khách hàng. Hiện nay, Luật Bưu chính năm 2010 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính không được bóc mở, đánh tráo hàng hóa của khách hàng[20]. Đây là quy định phù hợp, bảo đảm quyền bí mật thông tin về hàng hóa cho khách hàng. Tuy nhiên, đây cũng chính là “khe hở” để các đối tượng “lách luật” nhằm thực hiện các hành vi gửi hàng lậu, hàng giả, ma túy,… Để kiểm soát hiệu quả ngay từ đầu đối với các hành vi nói trên, thời gian tới cần sửa đổi Luật Bưu chính năm 2010 theo hướng bổ sung các quy định sau đây:
(i) Giữ nguyên khoản 6 Điều 7 Luật Bưu chính năm 2010 về cấm tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính, bóc mở, huỷ bưu gửi trái pháp luật. Đồng thời, quy định bổ sung trao quyền cho doanh nghiệp bưu chính được kiểm tra bằng hình thức soi, chiếu hàng hóa trong các trường hợp cần thiết. Trường hợp cần thiết cần được tiếp tục giải thích rõ tại văn bản hướng dẫn thực hiện.
(ii) Buộc doanh nghiệp bưu chính thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa phải có nghĩa vụ trang bị các phương tiện, công cụ soi, chiếu phù hợp với từng giai đoạn, nhằm hỗ trợ cho các giao dịch viên trong hoạt động kiểm tra, phát hiện các loại hàng giả, hàng cấm.
(iii) Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bưu chính trong hoạt động soi, chiếu nếu để xảy ra hư hỏng hàng hóa, thông tin hàng hóa bị tiết lộ. Đồng thời, tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP cần quy định bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi này.
(iv) Quy định bổ sung quyền của khách hàng trong việc chụp, ghi hình, quay phim…, đối với hoạt động soi, chiếu hàng hóa của doanh nghiệp bưu chính.
Hai là, quy định về tiêu chuẩn, trình độ của giao dịch viên tiếp nhận hàng hóa trong các doanh nghiệp bưu chính. Như đã phân tích, pháp luật hiện hành chưa có bất kỳ quy định nào về điều kiện, tiêu chuẩn của giao dịch viên làm việc tiếp nhận hàng hóa tại các doanh nghiệp bưu chính. Để dễ dàng tìm nguồn, trả chi phí lao động thấp nên nhiều doanh nghiệp bưu chính sẵn sàng tuyển dụng các giao dịch viên có trình độ từ trung cấp trở lên mà không buộc phải đúng chuyên ngành, không yêu cầu về kinh nghiệm. Điều này đã làm hạn chế đến nhận thức, kinh nghiệm của các giao dịch viên trong việc kiểm tra, phát hiện các bưu kiện chứa đựng hàng hóa cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ,… Nguy hiểm hơn, vì thiếu hiểu biết mà có thể tiếp tay cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Vì thế, việc nâng cao trình độ, kinh nghiệm của giao dịch viên thông qua đào tạo, phổ biết kiến thức về an ninh, an toàn hoạt động bưu chính là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần sửa Luật Bưu chính năm 2010 để bổ sung quy định ràng buộc nghĩa vụ doanh nghiệp bưu chính trong tuyển dụng đội ngũ giao dịch viên tiếp nhận hàng hóa như sau: (i) Có trình độ từ đại học đúng chuyên ngành trở lên; (ii) Có kinh nghiệm trong hoạt động kiểm tra, phát hiện hàng hóa hoặc thử việc 06 tháng trước khi ký hợp đồng. Ngoài ra, phụ thuộc điều kiện, nhu cầu cụ thể của mỗi đơn vị mà yêu cầu về kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, tin học, hình thức,…
Trường Đại học Luật Huế
[7] Đông Hiếu (2021), “Ngăn chặn hàng lậu qua đường bưu chính”
[12] An Dương (2020), “Vận chuyển hàng lậu qua đường chuyển phát nhanh ngày càng biến tướng
[15] Hải Quan Thành phố Hồ Chí Minh (2013), “Độc chiêu buôn lậu qua chuyển phát nhanh