Xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong đó có việc xác định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là một trong những công việc quan trọng mà người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc vi phạm hành chính phải thực hiện trước khi tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Việc xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Chính vì vậy, việc hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nói chung và thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nói riêng của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Vấn đề về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là một trong những khó khăn, vướng mắc chủ yếu và phổ biến trong thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, làm giảm đáng kể hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và những đề xuất, kiến nghị được tác giả Triệu Thị Bình thể hiện qua bài viết “Hoàn thiện quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại Luật Xử lý vi phạm hành chính” đăng tải trên Số chuyên đề 200 trang “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2020.