Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu, so sánh lỗi của người phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ với một số tội phạm khác, từ đó, đề xuất hướng hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội danh này.
Abstract: The paper studies, compares fault of a criminal causing injury or health damages to other people during public service implementation with some other crimes, and thence, proposes completion orientation of legal provisions of the Criminal Code with respect to this crime.
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi chung là Bộ luật Hình sự năm 2015), tội giết người được quy định tại Điều 123; tội làm chết người trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 127; tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 137; tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 129.
Trên cơ sở so sánh lỗi của người phạm 04 tội này, chúng tôi đề xuất hướng hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015[1] về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, bảo đảm thống nhất giữa lý luận và kỹ thuật lập pháp trong Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào quy định tại các điều 10, 11, 123, 127, 129, 137 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì lỗi của người phạm tội làm chết người trong khi thi hành công vụ chỉ là lỗi cố ý gián tiếp. Lỗi cố ý gián tiếp làm chết người trong khi thi hành công vụ là lỗi “trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể làm nạn nhân chết, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hoặc chấp nhận hậu quả nạn nhân chết”[2].
Nếu người trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật thì họ phải bị xét xử về tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015), tình tiết phạm tội trong khi thi hành công vụ chỉ có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015[3].
Nếu người trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, chỉ cố ý với hành vi dùng vũ lực, vô ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật (không thấy trước hậu quả chết người hoặc tuy thấy trước hậu quả chết người, nhưng có ý thức loại trừ hậu quả này xảy ra) thì họ không phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, nếu không phạm tội này thì hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa quy định tội phạm tương ứng, cũng chưa quy định tình tiết tăng nặng định khung“gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ dẫn đến chết người”.
Để không bỏ lọt hành vi phạm tội này, chúng tôi đề nghị bổ sung tình tiết tăng nặng định khung “dẫn đến chết người” vào điểm b khoản 2 Điều này, theo đó, Điều 137 mới cần được quy định như sau:
Điều 137. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (đề nghị bổ sung)
…
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết 01 người;
Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, nếu xác định không đúng lỗi của người phạm tội đối với hậu quả chết người là cố ý hay vô ý sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực như: Định không đúng tội, không đảm bảo được tính công minh, có căn cứ và đúng pháp luật của hình phạt được quyết định, làm giảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm[4]...
Muốn xác định đúng lỗi của người phạm tội đối với cái chết của nạn nhân là cố ý hay vô ý, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa là phải làm sáng tỏ hai vấn đề[5,6]: (i) Người phạm tội có thấy trước hậu quả chết người không? (ii) Nếu thấy trước thì họ mong muốn, chấp nhận hay loại trừ khả năng hậu quả này xảy ra? Nếu vấn đề thứ nhất đã được xác định là không thì có thể loại trừ ngay khả năng lỗi cố ý xâm phạm tính mạng của con người.
Để xác định người phạm tội có thấy trước hậu quả chết người hay không phải xuất phát từ năng lực nhận thức của họ cũng như từ những điều kiện nhận thức cụ thể về những dấu hiệu thuộc mặt khách quan như: Tính chất của công cụ, phương tiện cũng như cách thức sử dụng; vị trí thân thể bị tấn công; tình trạng sức khoẻ cũng như khả năng chống đỡ của nạn nhân...
Để xác định người phạm tội mong muốn, chấp nhận hay loại trừ khả năng hậu quả chết người xảy ra có thể dựa vào những tình tiết như: Sự lựa chọn công cụ, phương tiện, phương pháp phạm tội cũng như cách thức sử dụng; diễn biến tâm lý của người phạm tội trong quá trình thực hiện tội phạm; tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội; động cơ, mục đích chính cũng như nhân cách của người phạm tội... Trong trường hợp mong muốn hậu quả chết người xảy ra, người phạm tội không những lựa chọn công cụ, phương tiện mà còn lựa chọn cả cách thức sử dụng công cụ, phương tiện phạm tội đó. Trong số những công cụ, phương tiện hay phương pháp phạm tội có khả năng giúp đạt được mục đích, người phạm tội thường chọn phương tiện hay phương pháp có tính nguy hiểm cao. Khi sử dụng, người phạm tội thường nhằm vào những vị trí nguy hiểm trên cơ thể nạn nhân... Ngược lại, nếu (chỉ) có ý thức để mặc, chấp nhận hậu quả chết người xảy ra, người phạm tội không quan tâm đến công cụ, phương tiện, phương pháp phạm tội cũng như cách thức sử dụng có nguy hiểm hay không mà chỉ quan tâm những thứ đó có khả năng giúp đạt được mục đích hay không. Cho nên, người phạm tội trong trường hợp này có thể dùng bất cứ phương tiện hay phương pháp phạm tội nào, không phụ thuộc vào tính nguy hiểm của nó, đồng thời chấp nhận mọi cách thức sử dụng công cụ, phương tiện hay phương pháp phạm tội.
Khác hẳn với hai trường hợp trên, nếu có ý thức loại trừ khả năng hậu quả chết người xảy ra, người phạm tội sẽ lựa chọn công cụ, phương tiện, phương pháp cũng như cách thức sử dụng để làm sao vừa có thể đạt được mục đích lại vừa tránh được ở mức cao nhất hậu quả chết người. Trong số những công cụ, phương tiện hay phương pháp phạm tội có khả năng giúp đạt được mục đích, người phạm tội thường chọn công cụ, phương tiện hay phương pháp phạm tội ít nguy hiểm nhất và có thể còn có những biện pháp nhất định nhằm giảm bớt tính chất nguy hiểm của công cụ, phương tiện. Khi sử dụng, người phạm tội có thể tránh những vị trí nguy hiểm cũng như tránh sử dụng quá mức...
Ngoài ý nghĩa trong việc định tội danh, xác định đúng hình thức lỗi còn có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Bởi lẽ, trong trường hợp làm chết người trong khi thi hành công vụ với lỗi cố ý gián tiếp, sự quan tâm của người phạm tội không hướng vào hậu quả chết người mà hướng vào mục đích khác. Do đó, tất cả những gì xảy ra đối với nạn nhân do hành vi phạm tội đưa lại đều có thể không có tác động gì đến người phạm tội. Ngược lại, trong trường hợp làm chết người trong khi thi hành công vụ với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội không những hướng tất cả sự chú ý vào việc gây ra hậu quả chết người mà còn cố gắng và quyết tâm gây ra hậu quả đó. Họ sẽ tiếp tục hành động thậm chí còn hành động cương quyết và mạnh mẽ hơn chừng nào còn có biểu hiện là nạn nhân chưa chết hoặc chưa thể chết được. Cho nên, nếu các tình tiết khác tương đương, người phạm tội làm chết người trong khi thi hành công vụ với lỗi cố ý trực tiếp phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội làm chết người trong khi thi hành công vụ với lỗi cố ý gián tiếp (và phải xử họ về tội giết người).
Từ lý luận trên cho thấy, trường hợp (i) Người phạm tội cố ý với hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép và cố ý trực tiếp với hậu quả chết người (phải bị xét xử về tội giết người - Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015) nguy hiểm hơn trường hợp (ii) Người phạm tội cố ý với hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép nhưng chỉ cố ý gián tiếp với hậu quả chết người (phải bị xét xử về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ - Điều 127 Bộ luật Hình sự năm 2015) và nguy hiểm hơn nhiều trường hợp (iii) Người phạm tội tuy cố ý với hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép nhưng lại vô ý với hậu quả chết người (phải bị xét xử về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ dẫn đến chết người - Điều 137 Bộ luật Hình sự năm 2015) và nguy hiểm hơn rất nhiều trường hợp (iv) Người phạm tội vừa vô ý với hành vi (vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép) lại vừa vô ý với hậu quả chết người (được xét xử về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính - Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Trên cơ sở lý luận và so sánh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của 04 tội phạm này, chúng tôi thấy, hình phạt đối với tội giết người phải nặng hơn tội làm chết người trong khi thi hành công vụ và càng nặng hơn tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ dẫn đến chết người và càng phải nặng hơn nhiều tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đang quy định mức hình phạt cao nhất của tội giết người là tử hình; mức hình phạt cao nhất của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ là 15 năm tù; mức hình phạt cao nhất của tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ chỉ là 07 năm tù; trong khi mức hình phạt cao nhất của tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính lại đến 12 năm tù. Quy định mức hình phạt cao nhất của tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính cao hơn nhiều mức hình phạt cao nhất của tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (nhất là trong trường hợp cùng dẫn đến chết 02 người trở lên) rõ ràng không phù hợp với lý luận và không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của 02 tội phạm này.
Để khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên, cùng với việc bổ sung tình tiết tăng nặng định khung “dẫn đến chết người” trong tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, chúng tôi đề nghị nâng mức hình phạt cao nhất của tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (dẫn đến chết 02 người trở lên) lên 13 năm tù (cao hơn mức hình phạt cao nhất của tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính và thấp hơn mức hình phạt cao nhất của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ) và bổ sung thêm 01 khung hình phạt tăng nặng trong tội này (khoản 3); và khoản 3 điều luật hiện hành sẽ chuyển thành khoản 4, cụ thể như sau:
Điều 137. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (điều luật hiện hành)
1. Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 137. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (đề nghị bổ sung mới)
1. Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31 % trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết 01 người;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.
3. Phạm tội thuộc trong trường hợp dẫn đến chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
ThS. Lò Thị Việt Hà
Trường Trung cấp Luật Tây Bắc
[1]. Văn phòng Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ngày 10/07/2017 về Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Điều 10. Cố ý phạm tội; Điều 123. Tội giết người; Điều 127. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ; Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; Điều 137. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ.
[2]. Văn phòng Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017 về Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[3]. Văn phòng Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017 về Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; Điều 10. Cố ý phạm tội.
[4]. Lê Cảm (2000), Các nghiên cứu chuyên khảo về Phần chung Luật hình sự, Tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 7 - 8.
[5]. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên (1997), Luật hình sự Việt Nam - Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 107 - 116.
[6]. Nguyễn Ngọc Hòa (1994), Lỗi và việc xác định lỗi ở các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, Tạp chí Luật học, số 1, tr. 5 - 9.