1. Khái quát chung về tài sản, tài sản tự động hóa
Theo Luật La Mã, tài sản bao gồm các vật và quyền tài sản[2]. Các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law như: Pháp, Nhật Bản, Canada không có quy định về tài sản trong Bộ luật Dân sự mà quy định về tài sản thông qua việc phân loại. Theo Bộ luật Dân sự Pháp, “Tài sản được chia thành động sản và bất động sản” (Điều 516)[3]. Như vậy, tài sản có thể được nhìn nhận dưới các khái niệm như vật (động sản và bất động sản - mang tính hữu hình) và quyền (quyền tài sản - mang tính vô hình). Trong hệ thống pháp luật Common Law, có ý kiến cho rằng: Tài sản được hiểu là một “mớ” quyền (abundle of rights), bao gồm bất kể những gì có khả năng sở hữu hoặc bởi cá nhân, tập thể hoặc cho lợi ích của người khác[4], cách giải thích này nhấn mạnh mối quan hệ giữa người với người liên quan đến vật chứ không đề cập đến đặc tính và chất liệu như trong hệ thống pháp luật Civil Law.
Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa về tài sản như sau: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”[5]. Định nghĩa này phân loại tài sản theo góc độ truyền thống và phổ biến nhất đó là tài sản gồm động sản và bất động sản.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các loại tài sản ngày càng trở nên đa dạng và hiện đại, trong đó phải kể đến sự xuất hiện của các tài sản tự động hóa. Ở Việt Nam, thuật ngữ “tài sản tự động hóa” còn là một khái niệm tương đối mới mẻ, chưa được đề cập đến nhiều cũng như cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật.
Theo Từ điển Oxford: “Tự động hóa là việc sử dụng máy móc và máy tính để thực hiện công việc mà trước đây con người thực hiện”[6]. Cách định nghĩa này phù hợp với mục đích và thực tiễn của việc sử dụng tài sản tự động hóa. Theo Từ điển Kinh tế học, “Tự động hóa (automation) là ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất công nghiệp nhằm chuyển hầu hết hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất của con người cho máy móc”[7]. Đây là đặc điểm riêng biệt để phân biệt giữa tài sản tự động hóa với các tài sản khác; con người sử dụng, vận hành loại tài sản này một cách gián tiếp mà không trực tiếp tham gia vào quá trình sử dụng, vận hành chúng.
Nhìn chung, hiện nay chỉ có một số nghiên cứu về “tự động hóa” còn thuật ngữ “tài sản tự động hóa” chưa được nghiên cứu nhiều trong khoa học pháp lý. Thông qua việc tìm hiểu và phân tích về khái niệm “tài sản” và “tự động hóa”, chúng tôi định nghĩa: “Tài sản tự động hóa là các tài sản vật lý với hệ thống, quy trình được thiết kế một cách tự động, ít hoặc không cần sự can thiệp của con người. Điều này đạt được thông qua việc sử dụng các công nghệ và phương pháp tự động hóa như robot, máy móc, hệ thống tự động và trí tuệ nhân tạo”.
2. Khái quát chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra
2.1. Khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra
Dưới góc độ khoa học pháp lý, “trách nhiệm” là sự gánh chịu những hậu quả bất lợi do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Thuật ngữ “bồi thường thiệt hại” được hiểu là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được hiểu là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất tinh thần cho bên bị thiệt hại.
Dưới góc độ pháp lý, hiện nay chưa có tài liệu nào ghi nhận khái niệm tài sản tự động hóa. Do đó, pháp luật Việt Nam cũng chưa có những quy định hay định nghĩa cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, “trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra” có thể được hiểu là “một loại trách nhiệm dân sự mà theo đó, chủ thể liên quan (chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng) tài sản tự động hóa (các tài sản vật lý với hệ thống, quy trình được thiết kế một cách tự động, ít hoặc không cần sự can thiệp của con người) phải gánh chịu hậu quả bất lợi về vật chất nhằm bù đắp những tổn thất do tài sản gây ra cho một chủ thể nhất định”.
2.2. Đặc điểm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra mang những đặc điểm chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra. Ngoài các đặc điểm chung cơ bản, bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra còn có những đặc điểm riêng, liên quan tới yếu tố tự động hóa của tài sản:
Thứ nhất, thiệt hại gây ra liên quan đến công nghệ.
Thiệt hại do tài sản tự động hóa thường liên quan đến các vấn đề kỹ thuật và công nghệ. Điều này có nghĩa là, việc xác định và đánh giá thiệt hại có thể phức tạp hơn và đòi hỏi kiến thức chuyên môn về công nghệ và quy trình tự động hóa. Việc xác định nguyên nhân tài sản gây ra sẽ gặp phải những khó khăn, bởi hệ thống tự động hóa phức tạp và có nhiều thành phần kỹ thuật.
Thứ hai, hậu quả do tài sản tự động hóa gây ra có thể là những thiệt hại vật chất khác.
Thông thường, thiệt hại do tài sản gây ra là những thiệt hại về sức khỏe của con người, tài sản của các chủ thể khác… Đối với tài sản tự động hóa, nó có thể bao gồm mất dữ liệu quan trọng, trong các thiết bị liên quan đến điện tử, quản lý hệ thống tự động. Việc xem xét, xác định thiệt hại và bồi thường cho việc mất dữ liệu tương đối phức tạp, đặc biệt khi dữ liệu bị mất hoặc không thể khôi phục.
Thứ ba, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ bao gồm chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản.
Thiệt hại do tài sản nói chung gây ra thường được xem xét theo trách nhiệm của cá nhân, gồm chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người sử dụng. Trong khi đó, với những đặc điểm riêng biệt của mình, thiệt hại do tài sản tự động hóa có thể liên quan đến nhiều bên, bao gồm nhà sản xuất thiết bị tự động hóa, nhà cung cấp phần mềm, nhà điều hành hệ thống. Điều này cho thấy rằng, cần phải có những quy định cụ thể hơn để xác định được chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra.
3. Thực trạng pháp luật Việt Nam về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra
3.1. Khái quát pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra là vấn đề phức tạp, để xác định được trách nhiệm bồi thường còn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh gây ra thiệt hại. Theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 có quy định nghĩa vụ của người sản xuất là phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất. Trong trường hợp, hàng hóa không bảo đảm về chất lượng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường[8], nghĩa vụ của người nhập khẩu, người bán hàng cũng tương tự như vậy. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa gây thiệt được quy định tại Điều 61 luật này[9].
Điều 60 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 quy định các khoản phải bồi thường khi hàng hóa không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại bao gồm: Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người, thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 đã quy định trực tiếp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng trong trường hợp hàng hóa gây thiệt hại, bao gồm những khoản phải bồi thường. Nếu tài sản tự động hóa là hàng hóa để mua bán, thì người sản xuất, nhập khẩu, bán hàng phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa, phải bảo đảm chất lượng hàng hóa khi đưa ra thị trường, nếu hàng hóa không bảo đảm chất lượng dẫn đến thiệt hại thì họ phải bồi thường.
Điều 23[10] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24[11] của Luật này”. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 dù có quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nhưng chưa quy định trực tiếp, khoản 3 Điều 23 Luật này cũng quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, vậy chi tiết về các khoản phải bồi thường, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định về bồi thường thiệt hại nhưng trong trong khuôn khổ hoạt động thương mại giữa các thương nhân với nhau. Việc bồi thường thiệt hại sẽ căn cứ vào hợp đồng giữa các thương nhân, Luật Thương mại năm 2005 không quy định về trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Nhìn chung, các luật trên đều quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp mua bán hàng hóa, có hợp đồng giữa các bên, các luật trên đều là luật chuyên ngành nên không quy định bao quát hết được các trường hợp bồi thường thiệt hại. Văn bản pháp luật quy định bao quát về các trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm cả căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cách xác định thiệt hại, một số các trường hợp bồi thường thiệt hại, cụ thể là Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn cũng chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra, mà chỉ có các quy định chung về bồi thường thiệt hại do con người và tài sản của con người gây ra[12]. Như vậy, nguồn luật chủ yếu để áp dụng đối với trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản tự động hóa gây ra là Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra, yếu tố liên quan đến hoạt động tài sản là nguyên nhân gây ra thiệt hại có một số điểm khác biệt so với trường hợp tài sản thông thường. Ví dụ như, một dây chuyền sản xuất tự động hóa có thể gây ra tai nạn cho người lao động, do lỗi phần mềm, thiếu các biện pháp an toàn theo đúng quy định của an toàn lao động, tác động của môi trường, hành vi của người sử dụng hoặc người thứ ba… Để xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại, cần phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia kỹ thuật, để có thể xác thực được thực sự có phải là lỗi của thiết bị tự động hóa hay không. Việc xác định ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường cũng phức tạp, ví dụ như một chiếc xe tự động hóa gây thiệt hại, chưa xác định được nguyên nhân gây thiệt hại, vậy thì những đối tượng sau đây đều có thể là người phải chịu trách nhiệm bồi thường: Nhà sản xuất, người bán hàng, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng… Không giống các tài sản thông thường như cây cối, nhà cửa… thì chỉ có ba đối tượng được xác định có thể chịu trách nhiệm bồi thường: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý tài sản.
3.2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra
Bộ luật Dân sự năm 2015 có các quy định cụ thể về các trường hợp tài sản gây thiệt hại, bao gồm: Súc vật, nguồn nguy hiểm cao độ, nhà cửa, công trình, cây cối... Tuy nhiên, đối với tài sản tự động hóa thì chưa có quy định cụ thể, trong trường hợp tài sản tự động hóa gây ra thiệt hại thì chỉ sử dụng được quy định chung dành cho tài sản tại khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015[13]. Điều kiện để tài sản gây thiệt hại, làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gồm:
Thứ nhất, có hoạt động của tài sản gây ra thiệt hại. Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng[14]. Theo quy định này, đối với con người, thì một trong những căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là có hành vi xâm phạm. Thông thường, tài sản luôn chịu sự quản lý, trông coi và sử dụng của con người nhưng không có nghĩa là mọi trường hợp hành vi trông coi, sử dụng tài sản của con người đều là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Thứ hai, phải có thiệt hại thực tế xảy ra. Mục đích của bồi thường thiệt hại là bù đắp những tổn thất cho người bị thiệt hại, hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản bị thiệt hại, vì vậy, điều kiện tiên quyết làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là có thiệt hại thực tế xảy ra. Thiệt hại thực tế là thiệt hại đã xảy ra theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP), được tính thành tiền tại thời điểm giải quyết bồi thường. Thiệt hại thực tế bao gồm thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần[15].
Tài sản cũng có thể gây thiệt hại về tinh thần, trong trường hợp tài sản tự động hóa gây thiệt hại đến tính mạng người khác, điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần của những người thân của người bị thiệt mạng. Những người có tinh thần bị thiệt hại gián tiếp do tài sản tự động hóa gây ra vẫn được bồi thường bằng tiền để bù đắp cho tổn thất về tinh thần.
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện gây thiệt hại và thiệt hại thực tế. Trên thực tế, khi có thiệt hại xảy ra, bao giờ cũng có một chuỗi những sự kiện, bao gồm nhiều tình tiết dẫn đến thiệt hại đó, không có một sự kiện nào hoàn toàn riêng lẻ. Vì vậy, cần phải xác định được sự kiện chính nào mới là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, mới có thể xác định được người có trách nhiệm phải bồi thường[16].
3.3. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra
Đối với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo khoản 3 điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hai chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra là chủ sở hữu và người chiếm hữu tài sản. Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP cũng quy định: “Tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này”[17].
Theo điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP thì tại thời điểm thiệt hại xảy ra, cá nhân hoặc tổ chức được xác định là chủ sở hữu của tài sản tự động hóa gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp là người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Theo điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP thì quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu bao gồm cả người chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình.
Theo khoản 1 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dù không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật trong hàng hóa, tức là tổ chức, cá nhân này có thể chỉ là một trong các đại lý bán hàng của nhà sản xuất ra hàng hóa có khuyết tật[18] nhưng vì họ là người bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng nên vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về trường hợp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
3.4. Đối tượng gây thiệt hại của tài sản tự động hóa
Đối tượng mà tài sản tự động hóa gây thiệt hại bao gồm tính mạng, sức khỏe và tài sản của người bị thiệt hại. Khác với các chế định bồi thường thiệt hại khác, thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra không gây thiệt hại đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại. Vì danh dự, nhân phẩm, uy tín là những yếu tố nhân thân của con người, không biểu hiện bằng vật chất nhất định. Còn tài sản tự động hóa không phải là con người nên không thể có chủ đích xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
3.5. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra nói riêng là một chế định cụ thể quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Do vậy, trước hết, bồi thường thiệt hại phải tuân thủ theo nguyên tắc cơ bản và đặc trưng của pháp luật dân sự. Đó là các chủ thể trong quan hệ bồi thường có quyền tự thỏa thuận và thực hiện nếu sự thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội[19]. Trường hợp các bên không có thỏa thuận trước (bằng hợp đồng hoặc một văn bản khác ghi nhận trách nhiệm bồi thường) thì nguyên tắc bồi thường sẽ được áp dụng theo nguyên tắc cụ thể trong chế định này, được pháp luật quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015[20].
Như vậy, so với Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có nhiều quy định cụ thể hơn để xác định nguyên tắc bồi thường khi có thiệt hại xảy ra nói chung và bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra nói riêng. Đây là các nguyên tắc riêng của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được pháp luật ghi nhận. Khi áp dụng vào thực tiễn, tài sản tự động hóa gây thiệt hại có bồi thường thiệt hại hay không thì quyết định đó phải bảo đảm tuân thủ theo đúng các nguyên tắc mà pháp luật đã đặt ra.
3.6. Cách thức xác định thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra và mức bồi thường
3.6.1. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản tự động hóa xâm phạm được bồi thường bao gồm[21]: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định.
Đối với trường hợp tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc hư hỏng thì trước hết cần xem đối tượng có tài sản tự động hóa gây thiệt hại và đối tượng bị thiệt hại có thỏa thuận về cách thức bồi thường hay không. Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác thì thông thường, tài sản là vật bị mất, hủy hoại, hư hỏng không thể sửa chữa được phải “căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại tại thời điểm giải quyết bồi thường”[22]. Còn tài sản bị hư hỏng có thể sửa chữa thì thiệt hại được xác định trong trường hợp này là chi phí sửa chữa khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi bị hư hỏng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để xác định thiệt hại[23].
Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị tài sản tự động hóa xâm phạm cũng là một trong các yếu tố để xác định bồi thường. Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP quy định đối tượng này là hoa lợi, lợi tức mà người bị thiệt hại đang hoặc sẽ thu được nếu tài sản không bị mất, bị hư hỏng[24]. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại là: Những chi phí thực tế, cần thiết tại thời điểm chi trong điều kiện bình thường cho việc áp dụng các biện pháp cần thiết làm cho thiệt hại không phát sinh thêm; sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản bị xâm phạm[25].
3.6.2. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
Sức khỏe bị xâm phạm thì thiệt hại bao gồm các khoản chi phí, thu nhập bị mất của người bị thiệt hại được quy định tại khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nhóm chi phí này được liệt kê tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP[26].
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Khi bị tài sản tự động hóa gây thiệt hại về sức khỏe, người bị thiệt hại không thể tạo ra thu nhập vì họ phải điều trị về sức khỏe. Do vậy, pháp luật yêu cầu chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản tự động hóa phải bồi thường đối với các thu nhập hợp pháp mà họ kiếm được khi không bị thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP phân làm 02 nhóm, 01 nhóm là thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì sẽ căn cứ vào mức thu nhập bị mất, giảm sút thực tế để bồi thường. Còn đối với trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công, pháp luật đã có dự liệu và thiệt hại này được xác định theo khoản b điểm 2 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP[27].
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Khi người bị thiệt hại bị hạn chế về sức khỏe thì nhiều trường hợp cần có người chăm sóc, do vậy, người gây thiệt hại cũng phải chịu trách nhiệm đối với chi phí hợp lý cho người chăm sóc trong thời gian họ điều trị. Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP quy định chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại[28].
Ngoài các chi phí trên, trong trường hợp vì sức khỏe bị ảnh hưởng mà tinh thần của người bị thiệt hại giảm sút thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải bồi thường một khoản bù đắp cho tổn hại tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định[29].
3.6.3. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
Tài sản tự động hóa còn có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng của người bị thiệt hại. Trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm thì thiệt hại bao gồm: (i) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; (ii) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; (iii) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; (iv) Thiệt hại khác do luật quy định.
Khác với thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó chết[30].
3.7. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra
Theo khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản tự động hóa không phải bồi thường khi thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép[31]. Để loại trừ trách nhiệm trong trường hợp này, sự kiện đó phải được xảy ra một cách khách quan, nằm ngoài ý chí của chủ sở hữu, người chiếm hữu và họ cũng không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu không phải bồi thường thiệt hại khi người bị thiệt hại có lỗi hoàn toàn. Đối với thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra trong phạm vi điều chỉnh của hợp đồng, trách nhiệm bồi thường có thể được loại trừ trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005[32].
Khác với các trường hợp được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 còn cho phép chủ sở hữu, người chiếm hữu loại trừ trách nhiệm của mình trong trường hợp thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với trường hợp tài sản tự động hóa là hàng tiêu dùng, nhà sản xuất có thể được miễn trách nhiệm trong trường hợp “khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng”[33].
4. Một số kiến nghị
Một là, pháp luật Việt Nam chưa có quy định, định nghĩa cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra. Vì vậy, cần có văn bản quy định, định nghĩa, hướng dẫn cụ thể về khái niệm tài sản tự động hóa và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản tự động hóa gây ra để tạo sự thống nhất trong quy định về thực tiễn áp dụng pháp luật, góp phần ổn định và lành mạnh hóa các quan hệ dân sự.
Hai là, pháp luật Việt Nam cần có những quy định liên quan đến việc xác định tài sản tự động hóa như đặc điểm, chủng loại, công dụng... Hiện nay, chưa có một định nghĩa cụ thể về tài sản tự động hóa, do đó, thực tế có những loại tài sản khi gây ra thiệt hại không xác định được đó có phải tài sản tự động hóa hay không. Việc xác định tài sản tự động hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do loại tài sản này gây ra.
Ba là, pháp luật dân sự cần xác định cụ thể chủ thể phải bồi thường thiệt hại khi tài sản gây ra thiệt hại là tài sản tự động hóa (xác định ai chịu trách nhiệm pháp lý, ở mức độ nào) và thời điểm liên quan đến việc xác định quyền sở hữu đối với tài sản. Việc xác định chính xác chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần dựa trên nguyên nhân gây ra thiệt hại. Pháp luật dân sự nói chung và pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần bổ sung thêm các căn cứ để xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Bốn là, pháp luật hiện hành còn thiếu quy định có tính chất chung nhất cho tất cả các trường hợp khi đối tượng gây ra thiệt hại là tài sản, chứ không phải là hành vi trái pháp luật và có lỗi của con người. Trường hợp tài sản tự động hóa gây ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được áp dụng dựa trên căn cứ nào, trong khi chúng cũng chính là tài sản và có chủ sở hữu.
Năm là, cần có cơ chế hỗ trợ để bảo vệ người bị thiệt hại khi tài sản gây ra thiệt hại là tài sản tự động hóa. Khi chưa xác định được rõ chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường do tài sản tự động hóa gây ra, câu hỏi đặt ra là người bị thiệt hại phải bắt đầu khởi kiện từ đâu, bởi người bị hại sẽ phải trải qua quá trình yêu cầu bồi thường phức tạp. Thông thường, người bị hại sẽ đưa ra yêu cầu bồi thường cho người chịu trách nhiệm quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu, sau đó chủ sở hữu sẽ yêu cầu bồi thường từ nhà sản xuất và kế tiếp là nhà sản xuất sẽ yêu cầu bồi thường từ những người trực tiếp lập trình, lắp đặt ra tài sản tự động hóa đó.
Sáu là, cần áp dụng những quy chuẩn chặt chẽ trong khâu sản xuất tài sản tự động hóa và xác định trách nhiệm của nhà sản xuất khi tài sản tự động hóa gây ra thiệt hại. Thực tế có nhiều trường hợp tài sản tự động hóa gây ra thiệt hại do lỗi từ khâu sản xuất, dẫn đến việc tài sản trục trặc trong quá trình vận hành, sử dụng. Việc có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của nhà sản xuất là điều cần thiết được đặt ra.
Nguyễn Hương Giang, Nguyễn Thu Ngân & Nguyễn Thế Duy
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bài viết trên cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.
[2]. Witold Wolodkiewicz và GS.TS Maria Zablocka (Lê Nết, dịch) (1999), Giáo trình Luật La Mã của Đại học Tổng hợp Warsawa - Ba Lan, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
[3]. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (2018), Bản dịch Bộ luật Dân sự Pháp, tr. 155.
[4]. Robert W. Emerson, John W. Hardwick, Business Law, Barron’s educational series Inc., USA, 1997, p.08
[5]. Bộ luật Dân sự năm 2015.
[6]. Nguyên gốc tiếng Anh: “Automation: the use of machines and computers to do work that was previously done by people”.
[7]. Nguyễn Văn Ngọc (2006), Từ điển kinh tế học, Nxb. Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, tr.582.
[8]. Khoản 1, khoản 10 Điều 10 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007.
[9]. Xem Điều 61 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007.
[10]. Xem Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010 (tới đây là Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024).
[11]. Kể từ ngày 01/7/2024 là Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024).
[12]. Xem: khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[13]. Xem: Khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[14]. Xem: Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[15]. Xem: Điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP.
[16]. Pierre Delvolve. Hành vi, sự kiện gây thiệt hại và quan hệ nhân quả. https://phapluatdansu.edu.vn/wp-content/uploads/2018/05/H%C3%80NH-VI-su-kien.pdf\, truy cập ngày 23/4/2024.
[17]. Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP.
[18]. Xem: Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
[19]. Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[20]. Xem: Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[21]. Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[22]. Điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP.
[23]. Điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP.
[24]. Xem: khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP.
[25]. Khoản 3 điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP.
[26]. Xem: Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP.
[27]. Xem: Điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP.
[28]. Xem: Khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP.
[29]. Khoản 2 điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[30]. Xem: Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP.
[31]. Xem: Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015
[32]. Xem: Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005.
[33]. Điều 24 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (Kể từ ngày 01/7/2024 là Điều 35 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 398), tháng 2/2024)