Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật thi hành án dân sự hiện hành cho thấy, vẫn còn một số thủ tục thi hành án rườm rà, phức tạp dẫn đến thời gian tổ chức thi hành bị kéo dài gây tốn kém chi phí. Bài viết sẽ phân tích các chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC); đồng thời, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS, THAHC ở Việt Nam theo hướng rút ngắn thời gian thi hành và giảm thiểu chi phí.
1. Chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, thi hành án hành chính
Trong lĩnh vực THADS, THAHC, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Mỗi thời kỳ, sự thay đổi cơ bản mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống THADS đều gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và được thể hiện trong các văn kiện quan trọng, như:
(i) Nghị quyết số 08-NQ/HNTW ngày 23/01/1995 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính đã chủ trương: “Sớm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thi hành án theo hướng tiến tới tập trung nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thi hành án vào Bộ Tư pháp”;
(ii) Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã khẳng định: “Trên cơ sở tổng kết, đánh giá về công tác thi hành án, cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thi hành án, bảo đảm các quyết định, bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh”;
(iii) Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW), sau này là Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW đã khẳng định: “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành”;
(iv) Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó nêu rõ: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hòa giải, trọng tài thương mại. Tăng cường tính độc lập của hệ thống THADS, kinh tế”;
(v) Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có nhiều nội dung thể hiện chủ trương hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí như: Sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan THADS có thẩm quyền; kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai và các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; kịp thời áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong tỏa, xử lý tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong quá trình tố tụng và THADS...;
(vi) Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã nhấn mạnh: “Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về THADS, THAHC. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài...”;
(vii) Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã chỉ rõ nhiệm vụ “rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế phòng ngừa, giải quyết tranh chấp và thực thi phán quyết giải quyết tranh chấp”, gắn với yêu cầu “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án kinh doanh, thương mại”…;
(viii) Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định yêu cầu “tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp”[1];
(ix) Nghị quyết số 27-NQ/TW đã khẳng định chủ trương: “Hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí”.
Các văn kiện, nghị quyết nêu trên đều thống nhất chủ trương bảo đảm hiệu lực thi hành của bản án, quyết định trên thực tế; hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS, THAHC theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí. Một trong các cơ chế quan trọng có tính quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động THADS, THAHC đó là cơ chế pháp lý bảo đảm việc thi hành bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật[2]. Do đó, việc nghiên cứu, rà soát để phát hiện những quy phạm pháp luật nói chung, pháp luật THADS nói riêng còn vướng mắc, bất cập, cản trở quy trình thủ tục thi hành án, làm phát sinh tăng chi phí thi hành án, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện là yêu cầu cấp bách đặt ra trong giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
2. Hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí
Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW trong lĩnh vực THADS, ngày 14/11/2008, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án dân sự. Với việc lần đầu tiên ban hành văn bản trong lĩnh vực THADS có hiệu lực pháp lý cao nhất ở cấp độ đạo luật cho thấy, đây là bước tiến lớn về chất, đóng góp không nhỏ vào sự thành công của công tác lập pháp nói chung và việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực THADS nói riêng[3]. Việc ra đời của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 là bước thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tiếp tục được ghi nhận tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, đó là: “Đề cao và coi trọng đạo luật... hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng hình thức pháp lệnh để ban hành quy phạm pháp luật; luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp; khắc phục tình trạng luật thiếu tính ổn định, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành”; “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”.
Sau gần 15 năm thực hiện (từ năm 2008 đến năm 2023), đến nay Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2022 (Luật Thi hành án dân sự) đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật THADS phục vụ công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã yêu cầu: “Hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí”. Để sớm đưa chủ trương mới này của Đảng vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS, THAHC, cần nghiên cứu hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự theo hướng sau đây:
Một là, hoàn thiện pháp luật THADS theo hướng quy định rõ ràng, đơn giản thủ tục tổ chức thi hành án: Thực tiễn hoạt động THADS cho thấy, một số quy định về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực THADS đang bị hành chính hóa, làm giảm đáng kể hiệu quả công tác thi hành án. Ví dụ: Đối với thủ tục kê biên, xử lý tài sản, trong suốt quá trình kê biên, xử lý tài sản, chấp hành viên phải tiến hành thông báo, niêm yết đầy đủ các văn bản, quyết định về thi hành án cho đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Để xử lý xong một tài sản, có những vụ việc, chấp hành viên phải thông báo, niêm yết các văn bản không dưới 10 lần (nếu tài sản bán đấu giá không thành thì thủ tục này sẽ phức tạp hơn) và mỗi lần như vậy đều phải niêm yết đầy đủ cả 03 nơi (nơi có tài sản, Ủy ban nhân dân cấp xã, trụ sở cơ quan thi hành án). Tổng cộng lại, chấp hành viên phải lập thủ tục niêm yết không dưới 30 lần cho việc thông báo[4].
Hai là, cần đơn giản và rút ngắn thời gian định giá, bán đấu giá tài sản: Các bước định giá, bán đấu giá hiện nay vẫn còn chiếm nhiều thời gian trong việc giải quyết thi hành án, ví dụ như việc bán đấu giá tài sản nhiều lần. Việc xác định mốc “giảm giá bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế” theo khoản 3 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 là quá dài, nhất là đối với những tài sản có giá trị lớn. Trên thực tế, có những vụ việc bán đấu giá, hạ giá hàng chục lần, thậm chí nhiều hơn… mà vẫn không có người đăng ký mua, người được thi hành án cũng không nhận tài sản để trừ vào tiền được thi hành án. Do đó, việc bán đấu giá tài sản cần khống chế về số lần bán đấu giá, hạ giá tài sản để có thể nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc[5].
Ba là, hoàn thiện quy định pháp luật THADS đối với các vụ việc thi hành án có giá trị nhỏ, tính chất đơn giản. Hiện nay, về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục hoàn trả các tài sản có giá trị nhỏ như con dao, quần áo, điện thoại hỏng… hoặc các tài sản có giá trị lớn hơn cho đương sự đều phải thực hiện theo trình tự thủ tục chung do pháp luật quy định. Việc quy định một trình tự, thủ tục chung khi trả lại cho đương sự các loại tài sản này gây ra khá nhiều bất cập trong thực tiễn. Ví dụ, về thời hạn xử lý tài sản khi đương sự không đến nhận, theo quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự thì sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền, thì chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 Luật Thi hành án dân sự và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước. Thực tế cho thấy, cần khoảng thời gian trên 05 năm để xử lý tài sản trong trường hợp đương sự không đến nhận theo quy định là quá dài. Với khoảng thời gian dài như vậy, việc xử lý tài sản đã gây ra không ít khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án, mất nhiều thời gian, công sức của chấp hành viên[6].
Ngoài ra, trình tự, thủ tục trả lại tiền, tài sản cho phạm nhân cũng cần có những quy định đơn giản hơn, nhất là đối với các tài sản có giá trị nhỏ. Về việc giấy ủy quyền có xác nhận của giám thị trại giam, trại tạm giam theo khoản 1 Điều 129 Luật Thi hành án dân sự chỉ nên áp dụng đối với trường hợp tài sản có giá trị lớn, đối với các tài sản có giá trị nhỏ hoặc các loại giấy tờ thì không nên áp dụng quy định này. Bởi vì, trong thực tiễn, việc xin xác nhận của giám thị trại giam, trại tạm giam vào đơn xin nhận tài sản hoặc giấy ủy quyền cũng gặp rất nhiều khó khăn do phạm nhân bị quản lý rất chặt chẽ, việc người nhà phạm nhân đến trại giam xin xác nhận ủy quyền nhận tài sản cũng rất khó khăn, mất nhiều thời gian tổ chức thi hành án. Do đó, đối với các trường hợp tài sản có giá trị nhỏ, thân nhân của phạm nhân có thể xin xác nhận của chính quyền địa phương về nhân thân để đến nhận tài sản tại cơ quan thi hành án, điều này cũng sẽ làm giảm bớt thủ tục và tạo thuận lợi cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp[7].
Bốn là, hoàn thiện quy định pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án. Theo quy định tại Điều 7a, Điều 44 Luật Thi hành án dân sự, khoản 1 Điều 9 Văn bản hợp nhất số 1357/VBHN-BTP ngày 14/4/2020 của Bộ Tư pháp về Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó. Tuy nhiên, trong thực tiễn, từ nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập của người phải thi hành án đã bị chuyển hóa thành nghĩa vụ, thủ tục phải thực hiện của chấp hành viên. Trên thực tế, tình trạng bất hợp tác của người phải thi hành án với cơ quan thi hành án diễn ra thường xuyên. Có những trường hợp người phải thi hành án cố tình trốn tránh, không tiếp xúc, gặp gỡ chấp hành viên thì việc này gần như không thể thực hiện được[8] và việc yêu cầu kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án từ người phải thi hành án đôi khi trở thành một quy định mang tính hình thức[9]. Do đó, cần quy định các chế tài đủ sức răn đe để áp dụng đối với các trường hợp vi phạm nghĩa vụ của người phải thi hành án. Đối với quy định yêu cầu người phải thi hành kê khai tài sản, thu nhập, nên quy định bắt buộc ở một số trường hợp nhất định, còn lại nên chỉ quy định khuyến khích đối với chấp hành viên[10].
Năm là, sửa đổi, bổ sung các biện pháp chế tài theo hướng nghiêm khắc hơn đối với trường hợp chống đối, kéo dài thời gian thi hành bản án, quyết định hành chính. Hiện nay, việc thi hành bản án, quyết định hành chính trong trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện còn nhiều hạn chế, kết quả thi hành không cao, thời gian thi hành án kéo dài[11]. Tình trạng cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là người phải THAHC nhưng vi phạm nghĩa vụ THAHC còn phổ biến và có xu hướng gia tăng theo từng năm[12]. Người phải THAHC còn chây ỳ, kéo dài thời gian thi hành án, trung bình kéo dài từ 02 đến 03 năm (trên 50%), cá biệt vẫn còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực gần 10 năm hoặc trên 10 năm nhưng người bị kiện vẫn không thi hành án[13]. Ngoài ra, rất ít cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm trong THAHC để xử lý cơ quan, cá nhân vi phạm về thi hành án; rất ít người bị xử lý hình sự về tội không chấp hành, cản trở việc thi hành án dù có hành vi chống đối quyết liệt, kéo dài, nghiêm trọng; hiếm có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật vì không thi hành án hoặc không tổ chức thi hành án[14].
Do đó, một trong các giải pháp cho những bất cập nêu trên đó là, cần sửa đổi các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) theo hướng, hoàn thiện quy trình buộc thi hành bản án, quyết định hành chính gắn với các cơ chế bảo đảm THAHC. Sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý vi phạm trong THAHC theo hướng nghiêm khắc hơn đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ THAHC. Trên cơ sở đề nghị của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan THADS hoặc người được thi hành án hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp xử lý được quy định bao gồm: Xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự và các biện pháp xử lý khác đối với người vi phạm nghĩa vụ THAHC. Cần sớm bổ sung, sửa đổi một số quy định của pháp luật về biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự trong xử lý vi phạm về THAHC theo hướng mở rộng chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là pháp nhân (thương mại và phi thương mại); bổ sung thêm các hành vi vi phạm hành chính trong THAHC như: Hành vi hủy hoại, gây thiệt hại, làm mất công dụng sử dụng của tài sản là đối tượng thi hành án; hành vi từ chối hỗ trợ cho cơ quan có thẩm quyền thực thi việc thi hành án; hủy hoại, che giấu hoặc chiếm đoạt đối tượng trong thi hành án mà bản án của Tòa án đã đề cập…[15].
Sáu là, hoàn thiện quy định pháp luật về các biện pháp chế tài đối với các trường hợp chống đối, cản trở trong hoạt động THADS: Cần sửa đổi, bổ sung để có các biện pháp chế tài đủ mạnh nhằm bảo đảm tính răn đe trong việc bảo đảm thi hành bản án, quyết định. Chế tài là biện pháp pháp lý nghiêm khắc cuối cùng được áp dụng đối với các hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định trong bản án, quyết định của Tòa án. Thực tế thời gian qua cho thấy, các biện pháp chế tài trong lĩnh vực THADS chưa thực sự hiệu quả và chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định về nghĩa vụ của người phải thi hành án trong việc cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án như sau: Người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó. Quy định này rất khó để thực hiện hiệu quả trong thực tế, bởi vì, việc thi hành án thường ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải thi hành án, do vậy, họ thường trốn tránh, không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cũng như cung cấp thông tin khi chấp hành viên yêu cầu.
Để xử lý những trường hợp này, trước đây, khoản 2 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 110/2013/NĐ-CP) quy định mức xử phạt đối với hành vi không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng là từ 01 triệu đến 03 triệu đồng, mức phạt này sau đó cũng được ghi nhận trong Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và hiện nay cũng tiếp tục quy định giữ nguyên mức phạt này tại khoản 2 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Có thể thấy, mức xử phạt này chưa đủ nghiêm khắc để răn đe người phải thi hành án và hiện nay chưa có chế tài nào khác đủ sức răn đe đối với việc người phải thi hành án không kê khai, kê khai không trung thực hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập của họ[16]. Hơn nữa, việc xử phạt hành chính với mức phạt tiền nói trên lại không thuộc thẩm quyền của chấp hành viên nên chấp hành viên trực tiếp thi hành bản án, quyết định không thể trực tiếp tiến hành xử phạt mà phải đề nghị Cục trưởng Cục THADS là người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, việc thi hành án có nguy cơ bị kéo dài vì phải chờ thực hiện các thủ tục hành chính và thời gian để Cục trưởng Cục THADS nghiên cứu trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính./.
TS. Nguyễn Văn Nghĩa
Học viện Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao
Ảnh: Internet
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
[2] ThS. NCS. Nguyễn Văn Nghĩa và ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Cơ chế pháp lý bảo đảm việc thi hành bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật, Tạp chí Luật học, số 6/2018.
[3] ThS. Nguyễn Văn Nghĩa, Những điểm mới cơ bản của Luật Thi hành án dân sự, Tạp chí Luật học, số 5/2009, tr. 28, tr. 36.
[4] Hoàng Thu Trang, Hoàn thiện quy định pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án dân sự, http://thads.moj.gov.vn/nghean/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=13; ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự, https://thads.moj.gov.vn/tuyenquang/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=89, truy cập ngày 04/4/2023.
[5] ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong THADS, https://thads.moj.gov.vn/tuyenquang/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=89, truy cập ngày 04/4/2023.
[6] Hoàng Thị Thanh Hoa, Trả lại tài sản thi hành án - Một số bất cập từ thực tiễn, http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/TuThucTien/View_Detail.aspx?ItemID=584.
[7] ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự, https://thads.moj.gov.vn/tuyenquang/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=89, truy cập ngày 04/4/2023.
[8] ThS. Đinh Duy Bằng, Một số vấn đề về quyền hạn của chấp hành viên, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=341.
[9] Hoàng Thu Trang, Hoàn thiện quy định pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án dân sự, http://thads.moj.gov.vn/nghean/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=13.
[10] ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự, https://thads.moj.gov.vn/tuyenquang/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=89, truy cập ngày 04/4/2023.
[11] Lê Việt Sơn, Thi hành án hành chính ở Việt Nam - Lý luận và Thực tiễn, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 130 - 132.
[12] Ví dụ, trong hai năm 2018 và năm 2019, số vụ việc chưa thi hành xong vượt quá 50 % tổng số bản án, quyết định của Tòa án phải thi hành, cụ thể, năm 2018, thi hành xong 139 bản án, quyết định trên tổng số 363 bản án, quyết định phải thi hành, đạt tỷ lệ 38%, vẫn còn 224 bản án, quyết định chưa thi hành xong; năm 2019, thi hành xong 298 bản án, quyết định trên tổng số 637 bản án, quyết định phải thi hành, đạt tỷ lệ 47%, vẫn còn 339 bản án, quyết định chưa thi hành xong[12]; Lê Việt Sơn, tlđd, tr. 130 (Báo cáo của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp qua các năm 2018, 2019; Báo cáo công tác thi hành án của Chính phủ qua các năm 2018, 2019).
[13] Lê Việt Sơn, tlđd, tr. 131 - 132.
[14] Ví dụ, trong 03 năm từ năm 2015 đến năm 2017, số vụ việc thi hành án chưa xong của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính là rất lớn (năm 2015 là 22 trường hợp, năm 2016 là 34 trường hợp, năm 2017 là 50 trường hợp) nhưng không có trường hợp nào cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm nghĩa vụ THAHC (Báo cáo số 164/BC-CP ngày 10/5/2018 của Chính phủ về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân, Hà Nội, tr. 10); Lê Việt Sơn, tlđd, chú thích 194, 195.
[15] Lê Việt Sơn, tlđd, tr. 173 - 174.
[16] ThS. Nguyễn Văn Nghĩa và ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Xác minh điều kiện thi hành án - Một số bất cập từ thực tiễn, https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=912; TS. Lê Vĩnh Châu, Hoàn thiện pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án nhằm nâng cao hiệu quả THADS, https://thads.moj.gov.vn/tuyenquang/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=198.