1. Một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng pháp luật thủ tục hành chính về nuôi con nuôi
Dù hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nuôi con nuôi đã tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về nuôi con nuôi. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về vấn đề này còn những điểm bất cập, thiếu sót nhất định, cụ thể là trong hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi, điều này đã dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai thi hành các quy định pháp luật về nuôi con nuôi, cụ thể như:
Thứ nhất, theo nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (Nghị quyết số 58/NQ-CP), có 10 thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi được đề xuất đơn giản hóa. Liên quan đến các trường thông tin trong mẫu giấy tờ của các thủ tục hành chính, Nghị quyết số 58/NQ-CP yêu cầu bỏ thông tin về “Nơi sinh”, “Dân tộc”; bổ sung thông tin về số căn cước công dân tại các mẫu Đơn xin nhận con nuôi trong nước, Tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi; bỏ thông tin “Ngày, tháng, năm sinh”, “Nơi sinh”, “Dân tộc”, “Quốc tịch”, “Nơi thường trú” và bổ sung thông tin về số căn cước công dân của cha mẹ nuôi, con nuôi, bên giao con nuôi tại mẫu Tờ khai đăng ký lại việc nuôi con nuôi. Hầu hết yêu cầu bỏ các trường thông tin nêu trên đã được thực hiện trong Thông tư số 10/2020/TT-BTP ngày 28/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi (Thông tư số 10/2020/TT-BTP). Tuy nhiên, vẫn còn một số trường thông tin chưa được bỏ theo yêu cầu của Nghị quyết số 58/NQ-CP, chẳng hạn như “Nơi sinh” của người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi trong nước, Đơn xin nhận trẻ em làm con nuôi nước ngoài (sử dụng cho trường hợp nhận con riêng, cháu ruột), “Nơi sinh”, “Quốc tịch” của con nuôi trong mẫu Tờ khai đăng ký lại việc nuôi con nuôi.
Thứ hai, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng (Nghị định số 42/2022/NĐ-CP), với các dịch vụ công trực tuyến cho phép tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trên môi trường mạng, cơ quan nhà nước có trách nhiệm phát triển, sử dụng các biểu mẫu điện tử tương tác theo quy định. Theo nhiệm vụ được giao tại Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), các bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế xã hội. Để thực hiện quy định của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP và thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, cần xây dựng các biểu mẫu điện tử tương tác để phục vụ việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật về nuôi con nuôi chưa quy định các biểu mẫu điện tử này.
Thứ ba, ngày 05/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư (Nghị định số 30/2020/NĐ-CP) hướng dẫn cụ thể về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính. Qua thực tế triển khai các biểu mẫu về nuôi con nuôi được ban hành theo Thông tư số 10/2020/TT-BTP thấy rằng còn có biểu mẫu chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về kỹ thuật trình bày, chẳng hạn như công văn thông báo về việc không tìm được gia đình thay thế trong nước cho trẻ em, công văn của Sở Tư pháp xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài.
Thứ tư, ngày 19/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp (Nghị định số 98/2022/NĐ-CP). Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 98/2022/NĐ-CP, Cục Con nuôi được đổi tên thành Vụ Con nuôi. Tuy nhiên, trong một số biểu mẫu về nuôi con nuôi vẫn còn cụm từ “Cục Con nuôi”.
Thứ năm, thực tiễn triển khai Thông tư số 10/2020/TT-BTP cho thấy một số quy định hiện hành còn có những điểm tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể là:
(i) Một số biểu mẫu không có phôi trắng khiến người làm công tác đăng ký việc nuôi con nuôi mất nhiều thời gian căn chỉnh khi in hoặc in bị lệch, phải bỏ đi, gây lãng phí (giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài phù hợp Công ước La Hay, giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam).
(ii) Việc sử dụng mẫu đơn chung cho việc cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam gây khó khăn, nhầm lẫn cho tổ chức con nuôi nước ngoài khi thực hiện thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nuôi con nuôi, bên cạnh tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc bảo đảm thực hiện giải quyết nuôi con nuôi, thì những bất cập trong quy định hiện hành cần được các cấp, ngành xem xét, sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện là rất cần thiết.
2. Một số quy định mới trong lĩnh vực nuôi con nuôi tại Việt Nam
Nhằm triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP và Đề án 06, đồng thời để đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trong lĩnh vực nuôi con con nuôi, đảm bảo ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính về nuôi con nuôi trên môi trường mạng, nhất là việc khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong việc ghi chép, sử dụng các mẫu giấy tờ về nuôi con nuôi đã nêu trên, ngày 29/9/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 07/2023/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2020/TT-BTP ngày 28/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi (Thông tư số 07/2023/TT-BTP). Việc ban hành Thông tư mới nhằm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực nuôi con nuôi phục vụ triển khai Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 bảo đảm được sự đồng bộ với các văn bản khác nhưng cũng cụ thể các thủ tục, biểu mẫu nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người thực hiện.
Những nội dung được sửa đổi tại Thông tư số 07/2023/TT-BTP tập trung vào các vấn đề như: Sửa đổi, bổ sung các mẫu giấy tờ; sửa đổi thẩm quyền in mẫu Sổ, mẫu giấy tờ; thay thế, bãi bỏ một số cụm từ; quy định cụ thể về các điều khoản chuyển tiếp. Để bảo đảm quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi được thực hiện liên tục, Thông tư cho phép hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi, hồ sơ cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Thông tư có hiệu lực mà chưa được giải quyết xong thì các mẫu giấy tờ nuôi con nuôi đã có trong hồ sơ vẫn tiếp tục có giá trị pháp lý theo quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BTP.
Như vậy, các trường hợp đăng ký nhu cầu nhận trẻ em làm con nuôi; các trường hợp nộp hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi, hồ sơ cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; nộp báo cáo tình hình phát triển của con nuôi, báo cáo tình hình hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam từ ngày 30/11/2023 trở đi, thì các mẫu đơn, tờ khai, báo cáo và giấy tờ khác có trong hồ sơ phải được lập theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư 07/2023/TT-BTP.
Thông tư số 07/2023/TT-BTP đã kịp thời ban hành nội dung các mẫu tương tác điện tử để phục vụ đăng ký nuôi con nuôi trực tuyến và bản điện tử giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước. Việc ban hành các mẫu tương tác điện tử giúp thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, với các dịch vụ công trực tuyến cho phép tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trên môi trường mạng, cơ quan nhà nước có trách nhiệm phát triển, sử dụng các biểu mẫu điện tử tương tác theo quy định. Thực hiện triệt để nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, các biểu mẫu tương tác điện tử này nhằm phục vụ kịp thời cho việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi trên môi trường điện tử nói riêng và triển khai hiệu quả nhiệm vụ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng nói chung, đáp ứng yêu cầu phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có thể thấy, việc ban hành các quy định chi tiết về hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi và các mẫu tương tác điện tử để phục vụ đăng ký nuôi con nuôi trực tuyến và bản điện tử giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước của các cơ quan có thẩm quyền là rất kịp thời và cần thiết; tạo sự thống nhất giữa quy định pháp luật về nuôi con nuôi với quy định pháp luật có liên quan; khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi trong thời gian qua, nhất là trên môi trường điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trong lĩnh vực nuôi con con nuôi, bảo đảm ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính về nuôi con nuôi trên môi trường mạng. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc nuôi con nuôi và quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi, bảo đảm thực hiện hiệu quả mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi tại Việt Nam. Đồng thời tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý và bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và công chức tư pháp - hộ tịch, cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi ở Việt Nam./.
Đào Thuỳ Linh
Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 402), tháng 4/2024)