1. Một số vướng mắc, bất cập của pháp luật về thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế luôn có tính thời sự và nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Thực tế cho thấy, việc thu hồi tài sản cho Nhà nước được thể hiện chủ yếu trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành và kết quả thu hồi tài sản phụ thuộc nhiều vào các biện pháp mà các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án. Thực tế thi hành các bản án, quyết định hình sự về tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua, nhất là đối với các “đại án”, cho thấy rằng, việc thu hồi tài sản cho Nhà nước sau xét xử còn gặp một số khó khăn, thách thức; tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay. Điều này xuất phát từ một trong những nguyên nhân cơ bản là còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập về thể chế ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, cụ thể là:
Thứ nhất, về tịch thu, kê biên tài sản trong quá trình tố tụng:
Pháp luật tố tụng hình sự của nước ta chủ yếu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội mà chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong việc phát hiện, xác minh tài sản có nguồn gốc phạm tội nên các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chú trọng việc xác minh, truy tìm tài sản của bị can, bị cáo để áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tạo cơ sở cho việc xử lý sau xét xử. Ví dụ: Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định” và Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “1. Kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại… 3. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại”.
Với các quy định trên, trong nhiều vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với tài sản của bị can, bị cáo nhưng không thể biết chắc rằng khi xét xử thì người phạm tội có bị Hội đồng xét xử tuyên phạt tiền, tịch thu tài sản hay bồi thường thiệt hại hay không. Đặc biệt là, nếu cần áp dụng biện pháp ngăn chặn tài sản thì cũng rất khó xác định phần tài sản phải kê biên tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu, bồi thường như thế nào, trong khi cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành nhiều trình tự, thủ tục giám định thiệt hại và định giá tài sản trong tố tụng hình sự theo quy định pháp luật3 gây mất thời gian, chi phí ảnh hưởng đến thời hạn tiến hành tố tụng. Vì vậy, trong nhiều vụ án, đến giai đoạn thi hành án, người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành do trước đó đã tẩu tán, nhờ người khác đứng tên quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc không xác định rõ phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác.
Thứ hai, về phân chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình:
Trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, việc cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản để bảo đảm thi hành nghĩa vụ của bị can, bị cáo có ý nghĩa rất quan trọng cho việc thu hồi tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự cũng gặp khó khăn khi vợ hoặc chồng của người bị kết án cho rằng tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng kê biên là tài sản chung và phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Vì vậy, trong nhiều trường hợp nếu Tòa án không xác định rõ tài sản đã phong tỏa, kê biên thuộc quyền sở hữu riêng hay sở hữu chung của bị cáo với người khác thì dễ bị lợi dụng để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án hoặc kéo dài thời gian thi hành án thông qua việc thực hiện quyền khởi kiện phân chia tài sản chung theo pháp luật.
Thứ ba, về việc thi hành nghĩa vụ liên đới:
Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, cơ quan thi hành án dân sự cũng gặp khó khăn khi thi hành nghĩa vụ liên đới, bởi vì, người phải thi hành án chỉ chấp nhận thi hành phần nghĩa vụ của mình, không đồng ý thi hành phần nghĩa vụ thay cho người khác và nếu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của họ để thi hành nghĩa vụ thay cho người khác thì dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo, chống đối quyết liệt từ phía người phải thi hành án.
Thứ tư, việc thi hành án đối với một số loại tài sản đặc thù trong các vụ án tham nhũng, kinh tế như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp chưa được quy định cụ thể, rõ ràng để thuận lợi cho việc xử lý; pháp luật về phá sản quy định về căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án (trong đó có cả các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế) còn bất cập nên dễ bị các doanh nghiệp phải thi hành án lợi dụng để mở thủ tục phá sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ, kéo dài thời gian thi hành án.
Thứ năm, về cơ chế xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự:
Để bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật cũng như thu hồi tài sản, pháp luật đã quy định cơ chế xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự, đặc biệt là Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định một số tội danh như: Tội không thi hành án (Điều 379), Tội không chấp hành án (Điều 380), Tội cản trở việc thi hành án (Điều 381), Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản (Điều 385). Tuy nhiên, do pháp luật cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên thực tế áp dụng quy định pháp luật để xử lý các hành vi không chấp hành án, chống đối, cản trở việc thi hành án còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi tài sản. Ví dụ như: Khoản 1 Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (Tội không chấp hành án) quy định: “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”, nhưng pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể như thế nào là “đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế”4. Khoản 1 Điều 165 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2022) quy định: “Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật” lại chưa thống nhất với khoản 5 Điều 162 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2022): “Tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản” là hành vi vi phạm hành chính”.
2. Hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
Việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước là một tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu lực, hiệu quả công tác xét xử các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Vì vậy, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành các quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cho Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng. Dưới góc độ thể chế, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước, cụ thể như:
Thứ nhất, cần quy định trách nhiệm của Tòa án trong việc xác định tài sản bị kê biên, xử lý thuộc quyền sở hữu riêng hay sở hữu chung của bị cáo với người khác (kể cả trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung hay riêng của vợ chồng) để tránh bị lợi dụng nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án hoặc kéo dài thời gian thi hành án thông qua việc thực hiện quyền khởi kiện phân chia tài sản chung theo pháp luật.
Thứ hai, nghiên cứu, xây dựng trình tự, thủ tục riêng (hoặc thủ tục rút gọn) về xử lý tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, bởi vì việc thu hồi tài sản hiện nay áp dụng chung theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nên còn bộc lộ một số bất cập; việc xử lý tài sản kéo dài, gây mất thời gian, chi phí khi tuân thủ các trình tự, thủ tục của cơ quan, tổ chức liên quan.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng trình tự, thủ tục riêng về kê biên, xử lý cổ phần, cổ phiếu để thi hành án, thu hồi tài sản cho Nhà nước nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Thứ tư, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về bảo toàn tối đa giá trị tài sản từ giai đoạn điều tra (khi tài sản bị kê biên, phong tỏa) trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, bởi vì, hiệu quả của công tác thu hồi tài được tính bằng giá trị tiền, tài sản thu hồi được cho Nhà nước. Do đó, để bảo toàn tối đa giá trị tài sản, cần xây dựng cơ chế xử lý tài sản kê biên, phong tỏa trước khi bản án có hiệu lực nhằm bảo toàn tối đa giá trị tài sản bị kê biên nhưng vẫn bảo vệ quyền sở hữu và giá trị chứng minh tội phạm theo quy định pháp luật. Thực tế là, tài sản bị kê biên, phong tỏa thường bị giảm giá trị theo thời gian (nhất là các tài sản là máy móc, nhà xưởng, cổ phần, cổ phiếu, ô tô, dây chuyền sản xuất, thiết bị điện tử...) nên cần quy định việc xử lý tài sản kê biên, phong tỏa trước khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (nếu có sự thỏa thuận, thống nhất của chủ sở hữu, sử dụng tài sản) để tránh thiệt hại cho Nhà nước và cho chính người phạm tội sau này. Trường hợp không có sự thống nhất của chủ sở hữu, sử dụng tài sản thì cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản khi bản án, quyết định có hiệu lực thi hành.
Thứ năm, nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án dân sự, nhất là trách nhiệm phối hợp trong giải quyết yêu cầu, kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản; hủy giấy tờ, giao dịch phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án; quy định rõ trách nhiệm của Tòa án về cách thức, phương án khắc phục hậu quả các bản án, quyết định đã thi hành xong nhưng nội dung quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm lại khác với nội dung đã được quyết định trước đó.
Thứ sáu, nghiên cứu, bổ sung quy định của Viện kiểm sát nhân dân về kiểm sát việc bán đấu giá tài sản của các tổ chức bán đấu giá tài sản, vì hiện nay hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản thi hành án là hợp đồng dân sự nên Viện kiểm sát nhân dân chưa được quy định thẩm quyền kiểm sát./.
Lê Tuấn Sơn
Tổng cục Thi hành án dân sự
3 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
4 “Đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế” có thể được hiểu là đã được tống đạt quyết định cưỡng chế hoặc đã bị tổ chức cưỡng chế trên thực tế.