Có thể nói, hối lộ chính là một loại hành vi tham nhũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với sự nghiêm minh của pháp luật, đối với uy tín của bộ máy nhà nước, do đó cần phải được xử lý nghiêm minh. Trong quá trình thực hiện cho thấy những quy định về tội phạm hối lộ trong Bộ luật Hình sự năm 1999 đã bộc lộ nhiều bất cập như: Không đưa ra khái niệm thế nào là hối lộ, mà chỉ quy định ba tội danh liên quan đến hối lộ, đó là: Tội nhận hối lộ (Điều 279); tội đưa hối lộ (Điều 289) và tội làm môi giới hối lộ (Điều 290). Bộ luật Hình sự năm 1999 mới chỉ mô tả hành vi nhận hối lộ mà chưa có quy định thế nào là hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Hai hành vi đưa hối lộ và môi giới hối lộ chỉ được hiểu một cách gián tiếp qua hành vi nhận hối lộ. Do vậy, để tránh sự trùng lặp, thì các nhà làm luật đã “coi như” mô tả hành vi đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ một cách gián tiếp thông qua hành vi nhận hối lộ. Việc hiểu một cách gián tiếp này không miêu tả được một cách chính xác hành vi phạm tội. Hơn nữa, Việt Nam đã gia nhập Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự năm 1999 và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng còn có nhiều điểm khác biệt. Do đó, việc nghiên cứu, hoàn thiện Bộ luật Hình sự năm 1999 phù hợp với nội dung Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng là việc làm cần thiết trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự.
Tác giả Trần Hà Bảo Khuyên đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định về tội phạm hối lộ trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi qua bài viết: "Hoàn thiện các quy định về tội phạm hối lộ trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi" đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật định kỳ số tháng 6 (279) năm 2015. Kính mời quý bạn đọc quan tâm đón đọc!
Đình Nguyên