Dự phiên thảo luận có đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp: Ban Nội chính Trung ương; Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; đại diện một số cơ quan của Quốc hội (Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội); Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đại diện Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành của một số địa phương; các nhà tài trợ và các phóng viên báo đài của trung ương và địa phương đến đưa tin về sự kiện này.
Đồng chủ trì các phiên thảo luận có bà Đặng Hoàng Oanh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Đỗ Đức Hiển - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, ông Tom Corrie - Bí thư Thứ nhất Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, bà Lesley - Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990.Trong gần 30 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để từng bước thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên khi tham gia Công ước này. Hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được hoàn thiện tạo ra những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ trẻ em trên thực tế (Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình… và các văn bản hướng dẫn thực hiện) Ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại… nhằm tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em và kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại cho trẻ em). Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc, nhất là bóc lột sức lao động của trẻ em, các vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em, bạo hành gia đình, bạo lực học đường… gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Những vụ việc xâm hại trẻ em liên tiếp được công khai làm rung động dư luận và cảnh báo “đỏ” về sự an toàn của trẻ em và sự xuống cấp về đạo đức, ý thức pháp luật của những người trưởng thành xảy ra trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ như coi việc đánh con là việc “bình thường”. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ. Trong khi đó, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và xâm hại.
Qua các phiên thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em trong tiến trình cải cách pháp luật và tư pháp; đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật với những thành tựu đạt được, các khó khăn, hạn chế để từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định về bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em, đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như bảo vệ ngày càng tốt hơn nhóm đối tượng có liên quan. Đặc biệt, các đại biểu đánh giá cao việc xây dựng thiết chế Tòa Gia đình và người chưa thành niên trong thời gian qua, việc ra đời thiết chế này không chỉ là dấu ấn quan trọng, một thành công của tiến trình cải cách tư pháp mà còn chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, nhất là trẻ em trong hoạt động tư pháp.