Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích và đánh giá khái quát về hoạt động của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác giám sát, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân trong hoạt động này.
Abstract: Within the scope of the article, the author analyzes and generally assesses the activities of female delegates of the People's Council at all levels in the supervision, thereby making some recommendations to further improve the operational efficiency of female People's Council deputies in this activity.
1. Tình hình chung về nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Theo Báo cáo số 1032/BC-UBTVQH13 ngày 23/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp từ đầu nhiệm kỳ (2011 - 2016) đến nay và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, về cơ cấu đại biểu HĐND, tỷ lệ đại biểu nữ tăng ở cả 03 cấp, cụ thể là: Cấp tỉnh tăng 1,37%, cấp huyện tăng 1,4%, cấp xã tăng 1,61%. Đối với cấp tỉnh, có 19 địa phương, cấp huyện có 10 địa phương đạt tỷ lệ nữ đại biểu trên 30%. Trong đó, một số tỉnh có tỷ lệ nữ đại biểu đạt cao ở cả 03 cấp như Hà Giang, Kon Tum, Quảng Ninh, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La. Đại biểu nữ của HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 là 46 trên tổng số 610 đại biểu, trong đó 02 đại biểu nữ là Chủ tịch HĐND, 24 đại biểu nữ là Phó Chủ tịch HĐND và 20 đại biểu nữ là Ủy viên HĐND.
Nhìn vào số liệu thống kê trên cho thấy, vị trí, vai trò của nữ giới tham gia trong các cơ quan dân cử ngày càng cao. Trong quá trình hoạt động của mình, các nữ đại biểu HĐND đã có nhiều đề xuất, sáng kiến nhằm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của HĐND. Nhiều hoạt động của đại biểu đã trở thành căn cứ thực tiễn để tiến hành sửa đổi quy định pháp luật, ra quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
2. Hoạt động giám sát của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Hoạt động giám sát của HĐND được thực hiện theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các văn bản pháp luật có liên quan. Không có quy định pháp luật riêng, đặc thù điều chỉnh về hoạt động của nữ đại biểu HĐND mà pháp luật chỉ quy định chung về hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND. Vì vậy, hoạt động của nữ đại biểu HĐND các cấp cũng chính là hoạt động của đại biểu HĐND các cấp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, các nữ đại biểu HĐND đã luôn tích cực, vượt qua mọi rào cản, định kiến về giới, thể hiện tốt vai trò là người đại biểu dân cử của mình, được người dân tin tưởng.
2.1. Việc xây dựng nội dung, chương trình giám sát hàng năm
Nội dung, chương trình giám sát hàng năm được xây dựng ngày càng khoa học hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, tránh trùng lắp về nội dung, đối tượng và thời gian giám sát. Chính việc xây dựng nội dung, chương trình giám sát hàng năm phù hợp với tình hình thực tế đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, chủ động cho HĐND, thường trực, các ban, đại biểu HĐND và các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia hoạt động giám sát, góp phần bảo đảm hiệu quả trong công tác này.
2.2. Hoạt động xem xét báo cáo công tác tháng
Việc xem xét báo cáo công tác tháng được tiến hành nghiêm túc, theo định kỳ, luôn chú trọng xây dựng đề cương để đại biểu tập trung nghiên cứu cho ý kiến đóng góp vào cáo công tác. Qua hoạt động này, kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chịu sự giám sát, đưa ra những ý kiến, kiến nghị, giải pháp để các cơ quan đó thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
2.3. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được tăng cường và trở thành nội dung trọng tâm mỗi kỳ họp HĐND, được cử tri và nhân dân quan tâm. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc, liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương. Trong hoạt động chất vấn, nhiều nữ đại biểu HĐND rất thẳng thắn, quyết liệt, tranh luận đến tận cùng vấn đề, những nữ đại biểu này không ngại va chạm, không tránh né và luôn đặt quyền lợi, lợi ích của người dân địa phương là mục tiêu quan trọng nhất. Nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết về những nội dung cụ thể trong hoạt động chất vấn, tổ chức giám sát chuyên đề về chất vấn, tạo cơ sở để xem xét trách nhiệm cá nhân của người được chất vấn.
2.4. Lấy phiếu tín nhiệm
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn là một phương thức đổi mới hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, bước đầu phát huy tác dụng tốt, tạo được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh tình hình hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương, đồng thời phản ánh thực trạng năng lực, tư cách, đạo đức, trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, có phương hướng khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm.
2.5. Công tác tổ chức các đoàn giám sát giữa hai kỳ họp
Việc giám sát được tiến hành theo chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm được HĐND thông qua. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận như xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, quản lý đất đai, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Ngoài việc nghe báo cáo, nghiên cứu tài liệu, các đoàn giám sát dành nhiều thời gian cho việc khảo sát thực tế, trao đổi trực tiếp để làm rõ nhận định, đánh giá về chuyên đề giám sát. Hình thức giám sát ngày càng được đổi mới, báo chí truyền thông đăng tải, chia sẻ thông tin làm cho hiệu quả công tác giám sát ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác giám sát của đại biểu HĐND các cấp, trong đó có nữ đại biểu HĐND thì còn có một số tồn tại, hạn chế như sau: Tuy hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân; một số cuộc giám sát chất lượng chưa cao, chưa có sự phân biệt rõ giữa hoạt động giám sát và hoạt động khảo sát; việc theo dõi, giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND có nơi, có lúc còn chưa được thường xuyên, liên tục; sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành chưa đầy đủ và đúng trách nhiệm theo quy định; hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện, nhất là cấp xã còn khó khăn và kết quả chưa rõ nét; việc thực hiện kiến nghị sau giám sát còn chưa được nghiêm túc...
3. Một số kiến nghị
3.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội đồng nhân dân
Thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, trong đó cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, nâng cao vị thế của HĐND các cấp, cấp ủy cần bố trí cán bộ cấp ủy, thường vụ cấp ủy giữ các chức danh thường trực HĐND, phân công lãnh đạo ban của HĐND là những đại biểu HĐND có năng lực, kinh nghiệm và uy tín để bảo đảm sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
3.2. Ban hành văn bản hướng dẫn các quy định pháp luật về hoạt động của HĐND, nhất là ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn kịp thời Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND. Ban hành quy định về thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh; quy định về tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; ban hành quy định cụ thể về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND; quy định về khen thưởng cho đại biểu dân cử…
3.3. Nhận thức đúng về giám sát và quán triệt đầy đủ vai trò của giám sát trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp
Giám sát HĐND là việc chủ thể của HĐND xem xét tình hình chấp hành pháp luật, tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND của đối tượng giám sát, nhằm đánh giá tình hình chấp hành pháp luật và kết quả tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND, phát hiện những kinh nghiệm hay, cách làm tốt nhất, những hạn chế, vướng mắc hay các vi phạm trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật để quyết định những chủ trương và biện pháp đúng, bổ sung, hoàn thiện các nghị quyết, quy định của pháp luật.
Giám sát HĐND là hoạt động có kế hoạch, được báo trước và đảm bảo tính công khai, minh bạch. Việc công khai các kết luận giám sát cũng là một yêu cầu và là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của giám sát, buộc cả chủ thể giám sát và đối tượng giám sát đều phải có trách nhiệm với những kết luận giám sát đã đưa ra. Chỉ có làm tốt chức năng giám sát mới có thể quyết định đúng những vấn đề quan trọng ở địa phương.
3.4. Phối hợp tốt giữa các chủ thể giám sát
HĐND thực hiện chức năng giám sát thông qua chủ thể gồm: Giám sát của HĐND (giám sát của HĐND tại các kỳ họp và giám sát của các đoàn giám sát do HĐND quyết định thành lập), giám sát của thường trực HĐND, các ban của HĐND, các đại biểu HĐND. Trên cơ sở nghị quyết về chương trình giám sát trong năm để các chủ thể chủ động xây dựng chương trình và kế hoạch giám sát cụ thể cho phù hợp. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể giám sát làm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND và của đại biểu HĐND.
3.5. Kết hợp tốt giữa các hình thức giám sát, phương thức giám sát; giữa giám sát và khảo sát
Hoạt động giám sát của HĐND có giám sát tại kỳ họp (xem xét các báo cáo, chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm…) và giám sát giữa hai kỳ họp thông qua hoạt động giám sát của các chủ thể cụ thể. Căn cứ vào đặc điểm, nội dung giám sát có giám sát chung và giám sát chuyên đề. Căn cứ vào cách thức giám sát có giám sát qua văn bản, giám sát thông qua làm việc trực tiếp các đối tượng giám sát. Bên cạnh đó, trong quá trình giám sát, để có cái nhìn khách quan, sâu sắc, toàn diện thì chủ thể giám sát có thể tiến hành các hoạt động khảo sát nhằm có thêm thông tin. Việc kết hợp tốt giữa các hình thức và phương thức giám sát, giữa giám sát với khảo sát… giúp cho hoạt động giám sát của HĐND vừa bao quát, vừa chuyên sâu, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát. Những vấn đề quan trọng được phát hiện qua hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp nếu được đưa ra thảo luận, chất vấn, cần thiết thì ra nghị quyết tại kỳ họp làm cho kỳ họp sát với thực tiễn hơn, hoạt động của HĐND hiệu quả hơn.
3.6. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho nữ đại biểu Hội đồng nhân dân
Để tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát thì cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho từng đại biểu HĐND. Với đặc điểm nữ giới là thường bị chi phối và dành nhiều thời gian hơn nam giới trong việc chăm sóc gia đình, con cái. Hơn nữa, đặc điểm tâm sinh lý, sức khỏe của nữ giới, độ tuổi làm việc cũng khác với nam giới. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả hoạt động của nữ giới là đại biểu HĐND, cần chú ý hơn trong việc bảo đảm những điều kiện cần thiết phù hợp với nữ giới để họ có cơ hội học tập, nâng cao trình độ tương xứng với nam giới nhằm phát huy tốt nhất những thế mạnh của nữ giới trong hoạt động của mình.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
[1]. Bài viết này thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề tài cấp Bộ “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu dân cử trong hoạt động của các cơ quan dân cử ở Việt Nam” do TS. Trần Văn Túy - Trưởng Ban Công tác đại biểu làm chủ nhiệm.