Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, hiện diện trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tham nhũng tồn tại ở mọi quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, không phân biệt trình độ phát triển. Ở Việt Nam hiện nay, tình hình tham nhũng được đánh giá là vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Tham nhũng vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn. Bởi vậy, phòng, chống tham nhũng luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phải kiên quyết trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, coi đó là giải pháp giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh...
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay không những là vấn đề cấp bách ở Việt Nam, mà còn là vấn đề của toàn cầu. Hầu hết chính phủ các nước đều nhận ra rằng, chống tham nhũng là một vấn đề quan trọng trong hợp tác quốc tế. Muốn chống tham nhũng, trước hết, phải cảnh báo về tệ nạn tham nhũng và có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan ở cấp quốc gia và cả trên bình diện quốc tế. Thực tế cho thấy, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần có tiếng nói chung và hành động chung của cả cộng đồng, trong đó, sự chủ động, tích cực tham gia của báo chí trong cuộc chiến này sẽ tạo nên tác động xã hội to lớn. Để phát huy vai trò của báo chí, cần phải nâng cao nhận thức của cả xã hội, của báo giới về vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
1. Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Trong suốt chiều dài lịch sử đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng dân tộc, báo chí Việt Nam đã luôn thể hiện vai trò là một lực lượng cách mạng quan trọng, góp phần đắc lực cho mỗi bước thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hiện tại, cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, 01 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình, số lượng các kênh chương trình phát thanh truyền hình quảng bá là 179 kênh, số lượng đơn vị cung cấp truyền hình cáp là 33 đơn vị, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin[1]... Với sự phát triển mạnh mẽ đó, trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền về tất cả các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội, đặc biệt là đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ý thức rõ điều này, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định bên cạnh các giải pháp khác, phải coi trọng và nâng cao vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thực tiễn những năm qua đã khẳng định, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, báo chí là lực lượng luôn ở trên tuyến đầu, là vũ khí sắc bén, vào cuộc mạnh mẽ và tỏ rõ hiệu quả to lớn. Nhiều vụ tham nhũng do báo chí phát hiện đã được xem xét, điều tra, xét xử nghiêm minh. Trong quá trình xét xử, báo chí tiếp tục đồng hành để làm rõ sự thật. Báo chí chính là lực lượng tiếp sức cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong toàn Đảng, toàn dân.
Báo chí đã thể hiện vai trò và trách nhiệm trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; cung cấp thông tin từ những phát hiện của cán bộ, nhân dân và những phát hiện của chính báo chí để các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý; theo dõi, phản ánh và giám sát quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí đã được phát hiện; kịp thời biểu dương, cổ vũ các tấm gương, nhân tố mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nhân rộng những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, lãng phí; phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, trong đó có luận điệu cho rằng, chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là để thanh trừng nội bộ; tạo diễn đàn tranh luận công khai, phát hiện những bất cập, yếu kém trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để cơ quan Đảng, Nhà nước có cơ sở xem xét, điều chỉnh chủ trương và chính sách về phòng, chống tham nhũng...
Nhờ báo chí, trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ; nhận thức của đội ngũ báo chí, của cán bộ, công chức và nhân dân về đấu tranh chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã chú trọng hơn việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức; đề ra những quy định cụ thể nhằm ngăn chặn tệ nạn tham nhũng. Đồng thời, các ngành, các cấp cũng đã cố gắng chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với công tác đấu tranh chống tham nhũng tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm như: Quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; tài chính, tín dụng; các chương trình, dự án đầu tư... Vì vậy, đã phát hiện và thu hồi về cho Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng, hàng ngàn héc-ta đất, cùng nhiều tài sản có giá trị khác; xử lý nhiều cán bộ, công chức sai phạm. Hàng loạt vụ án tham nhũng lớn, gọi là “đại án” đã được báo chí phát hiện, bám sát diễn biến để đưa tin kịp thời, nhiều vụ tham nhũng lớn tại một số ngân hàng đã được đưa ra xét xử, hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn, hành vi tham nhũng có tinh vi đến đâu, cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng, nhờ sự phát hiện, tố cáo của nhân dân, mà trước hết là họ tố cáo với các cơ quan báo chí.
Những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có sự đóng góp không nhỏ của báo chí với tư cách là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Đồng thời, cũng cho thấy đội ngũ các nhà báo nước ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò to lớn của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và góp phần cỗ vũ, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong cuộc đấu tranh này. Khi nhận thức của toàn xã hội, của báo chí được nâng cao, thì sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng càng được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả hơn trong thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo chí vẫn còn những hạn chế, thiếu sót trong phòng, chống tham nhũng như: Có lúc chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc tham nhũng tiêu cực, lãng phí mà nhân dân đã phát hiện. Một số vụ việc không được theo đuổi đến cùng; Một số cơ quan báo chí còn thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan, làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức… Có những nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, tuy mang danh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nhưng lại theo đuổi mục đích không trong sáng, gây ảnh hưởng tới hình ảnh của những người làm báo chân chính.
Báo chí có sức mạnh thật sự, mọi người thường gọi đó là “quyền lực thứ tư”, nhưng quyền lực đó là do nhân dân, xã hội trao cho báo chí. Chỉ bằng việc đóng góp tích cực cho xã hội, chiến đấu vì công lý và lẽ phải, vì những giá trị tốt đẹp, báo chí mới thực sự có sức mạnh. Bởi vậy, chúng ta cần cổ vũ, khen thưởng kịp thời những nhà báo có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, đồng thời cũng phải xử lý nghiêm những nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
2. Thực trạng phối hợp giưa các cơ quan chức năng với cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 đề ra giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, tố cáo về tham nhũng, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; tăng cường trang thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại; nghiên cứu từng bước áp dụng các biện pháp, kỹ thuật điều tra đặc biệt với trình tự, thủ tục, điều kiện chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện hành vi tham nhũng...
Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa (Điều 9). Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do (Điều 86).
Đối với việc thu thập, cung cấp thông tin về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Khi nhận được kiến nghị, phản ánh, tin, bài của công dân về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hoặc thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, cơ quan báo chí, nhà báo có quyền thu thập thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật để làm rõ về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật. Khi nhận được yêu cầu của cơ quan báo chí, nhà báo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan báo chí, nhà báo, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời.
Cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được tố cáo của công dân về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân bằng văn bản. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết. Cơ quan báo chí có quyền đưa tin về vụ việc có dấu hiệu tham những từ các thông tin, tài liệu mà mình có được và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin được đăng tải trên báo chí[2].
Như vậy, khi nhận được kiến nghị, phản ánh, tin, bài của công dân về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hoặc thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, cơ quan báo chí, nhà báo có quyền thu thập thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật để làm rõ về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật... Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà báo, các cơ quan báo chí thực hiện các biện pháp để tiếp nhận thông tin, tìm hiểu, điều tra, đăng tải các bài viết, tác phẩm phát thanh, truyền hình,… có nội dung phản ánh các hành vi, vụ việc tham nhũng.
Thực tế, từ những nguồn tin ban đầu từ bạn đọc, bằng năng lực và các biện pháp nghiệp vụ riêng của mình, với sự hỗ trợ của các phương tiện nghiệp vụ (thiết bị ghi âm, ghi hình)…, nhiều vụ việc tham nhũng đã được các nhà báo, cơ quan báo chí góp phần làm rõ. Các bài, loạt bài phóng sự, điều tra đã phơi bày những sự thật, “vạch mặt chỉ tên” không ít những cá nhân, tập thể tham nhũng. Trong những năm qua, chúng ta đã được đọc, được xem, được nghe không ít những bài phóng sự, điều tra phản ánh một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó không ít cán bộ có chức, có quyền vì lợi ích cá nhân đã có các hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội, gây mất lòng tin của cán bộ, nhân dân. Những bài báo đó không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, mà còn tạo ra dư luận xã hội trong việc đấu tranh với những hành vi vi phạm đó, đồng thời thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc. Trong nhiều trường hợp, những kết quả từ quá trình điều tra của báo chí còn là những thông tin, chứng cứ ban đầu để các cơ quan chức năng mở rộng điều tra, tiếp tục làm rõ và xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực có liên quan…
Luật Phòng chống tham nhũng quy định mối quan hệ giữa các cơ quan hữu quan như: Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp trong việc xử lý vụ việc tham nhũng có dấu hiệu tội phạm; tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng; kiến nghị chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng (Điều 80, Điều 81 và Điều 82)... Tuy nhiên, Luật này không xác định rõ mối quan hệ phối hợp của các cơ quan này với cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, cho dù, các cơ quan báo chí được xác định trách nhiệm xã hội trong cuộc đấu tranh này. Song từ các quy định về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan về tính minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm cung cấp thông tin, Luật Phòng, chống tham nhũng xác định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức họp báo về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; cung cấp thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; thực hiện quy chế phát ngôn theo quy định của Luật Báo chí và pháp luật có liên quan. Đối với vụ việc có liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà dư luận xã hội quan tâm thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đó phải tổ chức họp báo đột xuất hoặc cử người phát ngôn cung cấp thông tin, làm rõ vụ việc có liên quan. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật có liên quan.
Trên thực tế, mặc dù giữ vai trò rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, song các cơ quan báo chí và các nhà báo đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin. Nhiều cơ quan báo chí đã nêu rằng, còn nhiều rào cản khiến ít nhà báo dám dấn thân vào lĩnh vực điều tra chống tham nhũng do phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm; khó tiếp cận với các nguồn thông tin vì không ít cá nhân, tổ chức, đơn vị có sai phạm tìm mọi cách cản trở, bưng bít thông tin. Mặc dù đã có quy định của pháp luật về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí nhưng rất nhiều đơn vị vẫn cố tình không thực hiện. Trong lĩnh vực chống tham nhũng, nếu còn những rào cản thông tin, thì báo chí không có những nguồn tin để chống tham nhũng. Nếu báo chí không được cung cấp thông tin chính thống buộc phải lấy thông tin từ bên ngoài dẫn đến câu chuyện hỗn loạn thông tin báo chí.
Có thể nói, mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí đã quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin, tuy nhiên, các cơ quan chức năng còn né tránh, đặt các nhà báo vào tình trạng rủi ro do tiếp cận những thông tin không chính thống. Vì vậy, các cơ quan quản lý và bảo vệ pháp luật phải mạnh mẽ hơn trong cung cấp thông tin cho báo chí, có cơ chế bảo vệ nguồn tin và bảo vệ các nhà báo. Các cơ quan có trách nhiệm cần vào cuộc bảo vệ những nhà báo trung thực, khách quan, mạnh dạn, dấn thân đưa lên mặt báo những tiêu cực là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, để báo chí đóng góp hiệu quả hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng, loại trừ những cán bộ không xứng đáng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy nhà nước.
3. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng với cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Trước những vấn nạn của tham nhũng gây nên, Việt Nam luôn coi tham nhũng là quốc nạn. Vì vậy, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng. Chính phủ, các cấp, các ngành luôn coi phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành và nỗ lực thực hiện với các quan điểm nhất quán.
Cụ thể, luôn phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, hành chính, kinh tế, hình sự trong phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tham nhũng phải phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng trong đó phòng ngừa là chính; xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm; kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chú trọng tổng kết thực tiễn và tiếp thu những kinh nghiệm tốt của nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, nhất định phải tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí. Theo đó, cần quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của báo chí, đặc biệt coi trọng tính khách quan chân thực, tính chuyên nghiệp, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội; luôn luôn đồng hành cùng cơ quan chức năng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; cung cấp nhiều tin, bài hơn về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Cơ quan báo chí, nhà báo không được đưa tin về những vụ việc không có căn cứ rõ ràng; đưa tin sai sự thật; phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân; không được tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và thông tin khác theo quy định của pháp luật. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền và nghĩa vụ từ chối tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo, người cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng, về người có hành vi tham nhũng, nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên phục vụ cho điều tra, truy tố, xét xử.
Khi đưa tin trên báo chí về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần lưu ý 03 điều cấm trong luật, đó là: Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư và quy kết tội danh khi chưa có bản án; trường hợp đưa tin sai sự thật phải cải chính, xin lỗi theo quy định của pháp luật báo chí. Nếu lợi dụng quyền thông tin báo chí để xuyên tạc, vu khống tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoàn toàn theo quy định của pháp luật. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần trang bị cho các nhà báo bên cạnh kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp phải có kiến thức về pháp luật.
Hai là, các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Đối với cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng, như: Cơ quan Thanh tra nhà nước, cơ quan Kiểm tra của Đảng, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án dân dân... Bên cạnh việc chú trọng kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng với nhau, thì các cơ quan này cần chủ động trong việc phối hợp với cơ quan báo chí, chủ động công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, giúp định hướng tốt dư luận xã hội và cũng thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng.
Để phát huy vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp hiệu quả với các cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng, các cơ quan hữu quan cần chú trọng một số giải pháp pháp thiết thực như:
Thứ nhất, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần thống nhất cơ chế cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, thực hiện đúng quy chế người phát ngôn, tạo điều kiện cho báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng một cách thuận lợi và an toàn.
Thứ hai, có cơ chế để báo chí theo dõi và đồng hành trong quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, có các biện pháp bảo vệ an toàn cho nhà báo tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tạo môi trường pháp lý, môi tường xã hội lành mạnh để bảo vệ các nhà báo.
Thứ tư, cần động viên, khen thưởng kịp thời các cơ quan báo chí và nhà báo có thành tích xuất sắc trong phòng chống tham nhũng.
Thứ năm, sớm bổ sung chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định, cần có chế tài trong việc cung cấp thông tin khách quan, kịp thời đối với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm, khi cơ quan báo chí đề nghị cung cấp thông tin./.
Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật
Ảnh: tuoitre.vn