1. Sơ lược về Học viện Phụ nữ
Học viện Phụ nữ Việt Nam tiền thân là trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Ngày 18/12/2012, trường chính thức trở thành Học viện Phụ nữ Việt Nam theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Học viện Phụ nữ Việt Nam là trường đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là trường công lập có học phí ở mức trung bình so với các trường công lập khác trên địa bàn.
Học viện Phụ nữ Việt Nam có chức năng: (i) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, cán bộ làm công tác phụ nữ, cán bộ nữ cho hệ thống chính trị và tham gia đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng nhu cầu xã hội. (ii) Nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn tham mưu cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Hội và phong trào phụ nữ; nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến phụ nữ, công tác phụ nữ, bình đẳng giới và nghiên cứu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.
Về cơ sở vật chất, Học viện bao gồm 03 tòa nhà phục vụ cho việc học và các hoạt động: Khu nhà thể chất, nhà A1 và nhà A2, ngoài ra, Học viện đang chuẩn bị tiến hành khởi công xây dựng Cơ sở 2 tại huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.
Về đào tạo, Học viện hiện nay đã đào tạo 10 chuyên ngành đại học, 02 chuyên ngành Thạc sĩ (Quản trị kinh doanh và Công tác xã hội). Trong năm 2023, Học viện dự kiến đào tạo thêm 01 chuyên ngành Thạc sĩ (ngành Luật) và 02 chuyên ngành Tiến sĩ.
2. Đôi nét về Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
Hiện nay, Khoa Luật là một trong những khoa chuyên môn thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam, được chú trọng phát triển cả về quy mô và chất lượng.
Trải qua gần 10 năm hình thành và phát triển, Khoa Luật đang có đội ngũ giảng viên chất lượng có trình độ từ Thạc sĩ trở lên, trong đó có 2 phó giáo sư và 4 tiến sĩ. Khoa đào tạo 02 ngành đào tạo trình độ đại học (ngành Luật và ngành Luật Kinh tế) với gần 800 sinh viên đã tốt nghiệp, 01 ngành đào tạo liên thông, đại học Văn bằng 2 hệ chính quy và 01 ngành đào tạo trình độ cao học (dự kiến tuyển sinh năm 2023).
Ngoài việc trang bị cho sinh viên kiến thức, Khoa Luật còn đồng hành cùng sinh viên trong các hoạt động hỗ trợ khác như: Giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp, tọa đàm cùng chuyên gia, đi trải nghiệm thực tế, hỗ trợ liên hệ đơn vị thực tập, tư vấn hướng nghiệp... Ngoài giờ học chính khóa, sinh viên được tham gia các hoạt động ngoại khóa, đào tạo kỹ năng mềm nhằm vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tế thông qua mô hình các câu lạc bộ thực hành nghề nghiệp, phiên tòa giả định, cuộc thi hùng biện, đấu trường diễn án và các buổi seminars.
Nhiều sinh viên Khoa Luật sau khi tốt nghiệp đã được tuyển dụng, giữ nhiều vị trí trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương như thư ký Tòa án, kiểm sát viên, chấp hành viên tại các cơ quan hành pháp và tư pháp; công chứng viên, giám định viên, chuyên viên tư vấn pháp lý, tổ chức nhân sự, trọng tài viên... tại các tổ chức tư vấn và dịch vụ pháp lý.
Trụ sở Học viện Phụ nữ Việt Nam tại 68 Nguyễn Chí Thanh, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã tiếp cận và làm các công việc đặc thù khác như: Chuyên viên pháp chế trong các doanh nghiệp, công ty sản xuất, kinh doanh, thương mại hoạt động theo quy định của pháp luật; chuyên viên tư vấn pháp lý trong các công ty, văn phòng luật, trung tâm tư vấn luật; chuyên viên pháp chế ngân hàng trong các ngân hàng thương mại, cổ phần, hệ thống ngân hàng nhà nước…