Trong khuôn khổ của Hội nghị, các đại biểu đã được nghe TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Tư pháp năm 2018, đại diện ban chủ nhiệm các đề tài cũng đã công bố kết quả nghiên cứu đối với một số nhiệm vụ khoa học, đề tài cấp bộ, như: Đề tài “Hoàn thiện cơ chế đánh giá công chức, viên chức và người lao động”; Đề tài “Hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay”; Đề tài “Kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật về quốc tịch của một số quốc gia trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam”; Đề tài “Cơ sở lý luật và thực tiễn nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự”…
Ngày 18/5 được giới khoa học Việt Nam chọn là “Ngày Khoa học và Công Nghệ Việt Nam”, bởi ngày này gắn với một sự kiện lịch sử, vào ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Người căn dặn: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Trong lời căn dặn ngắn gọn của Người, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ nguyên lý, mục tiêu và sứ mệnh cao cả của khoa học và công nghệ. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho khoa học công nghệ Việt Nam trong suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước hơn 55 năm qua.
Tại Kỳ họp Quốc hội Khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua, trong đó, quy định lấy ngày 18/5 hằng năm là “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”, được Thủ tướng Chính phủ công bố năm 2014, không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học công nghệ; tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào lao động, sản xuất mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam. “Niềm tự hào và tinh thần cao quý đó phải được bồi đắp để trở thành một nguồn động lực nội sinh quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất - nguồn lực con người, phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, đưa nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu”./.