Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, hòa giải là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan hành chính và tư pháp. Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hòa giải. Hoạt động hòa giải đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, là cách thức tốt đẹp được lựa chọn để giải quyết xích mích giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư, góp phần phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tăng cường tình làng, nghĩa xóm.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được cũng như những bất cập, hạn chế của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải. Từ đó, đưa ra những biện pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác này trong tình hình mới, từ đó giúp hoạt động hòa giải ở cơ sở và hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngày càng đi vào thực chất, bảo đảm giải quyết mọi tranh chấp, mâu thuẫn ngay tại cơ sở, hạn chế tối đa các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng.
Về kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở: Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, qua 06 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống nhân dân nhân văn, ít tốn kém và hiệu quả bền vững. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời; không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp
Đồng thời, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thông qua hòa giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, từ đó hình thành ý thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác hòa giải ở cơ sở cũng thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở không còn phù hợp với thực tiễn; chất lượng của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa đồng đều, đặc biệt là hòa giải viên là người dân tộc thiểu số, hòa giải viên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; ở một số địa phương sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở còn chưa chặt chẽ… Để khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới cần thực hiện tốt những giải pháp như: Xác định hòa giải ở cơ sở là một hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp, thực sự có hiệu quả tại cơ sở, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện tốt Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, với tinh thần “công tác phổ biến giáo dục pháp luật phải triển khai toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở”; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về hòa giải ở cơ sở; đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở…
Về vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở: Trong những năm qua, vai trò nòng cốt của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở đã được thực hiện trên 03 nội dung cơ bản là: (i) Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở; (ii) Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải, hòa giải viên, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở; (iii) Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Tư pháp cùng cấp trong việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Có thể nói, sự phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan tư pháp cùng cấp từ Trung ương đến cơ sở đã có những chuyển biến tích cực, nhất là sau khi có Nghị quyết liên tịch số 01/2014/CP-UBTWMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp trong việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở có những chuyển biến tích cực trong củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải, trong việc tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở ở một số nơi thiếu sự chủ động, đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, cung cấp tài liệu pháp luật cho hòa giải viên chưa được thường xuyên, kịp thời. Do đó, trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức thực hiện của chính quyền, phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc triển khai thực hiện.
Về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải tại Tòa án
Đối với hoạt động hòa giải trong tố tụng dân sự: Nhiều năm qua, hoạt động hòa giải, đối thoại trong tố tụng luôn được khuyến khích và chú trọng. Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về hòa giải nhằm tăng cường hòa giải và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật về hòa giải trong tố tụng dân sự. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự của các Tòa án tăng dần qua từng năm, cụ thể: Năm 2016, các Tòa án đã hòa giải thành 157.916 vụ, bằng 50% trên tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết; năm 2017 là 173.958 vụ, đạt tỷ lệ 50,6%; năm 2018 là 184.143 vụ, đạt tỷ lệ 53,2%; năm 2019 là 201.995 vụ, đạt tỷ lệ 52,1%. Kết quả này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các xung đột trong nhân dân; chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước; xây dựng tình làng, nghĩa xóm hòa thuận, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Hoạt động thí điểm hòa giải, đối thoại trước tố tụng tại Tòa án: Xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 09 Tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố (thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 8 năm 2018), mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019). Tại 16 tỉnh, thành phố đã thành lập được 124 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân (trong đó, 16 Trung tâm tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, 108 Trung tâm tại Tòa án nhân dân cấp huyện). Thí điểm được thực hiện đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng. Theo đó, ngay sau khi nhận đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn khởi kiện vụ án hành chính và các tài liệu, Tòa án chuyển đơn cho Trung tâm Hòa giải, đối thoại để hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại trừ trường hợp vụ việc không được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính hoặc đương sự đề nghị không hòa giải, đối thoại tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại. Hoạt động thí điểm đã thu hút, huy động nguồn lực chất lượng cao trong xã hội tham gia làm hòa giải viên.
Công tác triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vừa được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020, với 04 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật với các nhiệm vụ cụ thể, chi tiết để đưa Luật vào cuộc sống, trong đó tập trung vào các nội dung lớn như: Tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, các hoạt động triển khai Luật; xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm hòa giải viên tại Tòa án; chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí triển khai thi hành Luật; tăng cường công tác hợp tác quốc tế, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, nhất là có những cải biến mang tính đột phá để đáp ứng tốt nhiệm vụ hòa giải trong thời kỳ mới; các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự Hội nghị và khẳng định, trên cơ sở tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, ban tổ chức sẽ tổng hợp, tham mưu với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải cơ sở trong thời gian tới.
Bùi Huyền