Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Tú cho biết, thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020 theo Công văn số 98/VPCP-TH ngày 12/01/2020 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021- 2025. Để sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định, Hội nghị này được tổ chức để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan về dự thảo Quyết định.
Tại Hội nghị, ông Trần Minh Sơn - Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) thông tin thêm rằng, theo dự thảo Quyết định, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021- 2025 được cấu trúc làm 03 phần (Phần 1: Mục tiêu của Chương trình, Phần 2: Nội dung chính của Chương trình, Phần 3: Tổ chức thực hiện Chương trình) với những nội dung cơ bản là cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tư vấn pháp luật.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc từ góc độ thực tiễn triển khai tổ chức các hoạt động thông tin, bồi dưỡng, tư vấn pháp luật trong Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua; khó khăn trong công tác phối hợp thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp của các sở, ban, ngành tại một số địa phương; khó khăn về tài chính trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Từ đó, các đại biểu đưa ra những kiến nghị, đề xuất, góp ý cụ thể để xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021- 2025 trong dự thảo Quyết định, với kỳ vọng khi Chương trình được phê duyệt và triển khai thực hiện sẽ mang lại hiệu quả cao nhất cho các đối tượng thụ hưởng.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, thông qua ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội nghị này, có thể thấy rằng, để Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai có hiệu quả trong giai đoạn tới, cần tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng người làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, tích cực trao đổi những mô hình hay trong công tác này. Đặc biệt, nội dung chương trình cần được xây dựng cụ thể, xác định “đúng” và “trúng” nhu cầu của doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.