Tham dự hội nghị có đại diện Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, đại diện các văn phòng luật sư, các doanh nghiệp cùng đông đảo các luật sư, luật gia và chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến - Phó Trưởng Ban quản lý Chương trình 585 nêu rõ mục đích của diễn đàn này là nhằm tìm kiếm những giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới và góp ý về Dự thảo Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2016 của Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm vững pháp luật trong nước và nước ngoài. Đồng thời, có những kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có cơ sở pháp lý vững chắc để gia nhập và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới.
Tiếp theo, các đại biểu nghe phần trình bày tham luận và thảo luận sôi nổi về những vấn đề như:
Về tính cấp thiết của việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Thúy Nga - đại diện Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế khẳng định, trên thực tế, hiểu biết về pháp luật cũng như ý thức thực thi pháp luật kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, điều quan trọng là phải tạo chuyển biến căn bản nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, đồng thời tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác này trong thời gian tới, cần chú trọng đến một số giáp chủ yếu như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo lập khung pháp lý phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020; đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Về học tập kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của một số quốc gia, ông Trần Minh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp chia sẻ, hiện nay trên thế giới tồn tại hai quan điểm trái chiều nhau về hoạt động này. Theo một số nước như: Đài Loan, Singapore, Úc... thì mọi hoạt động hỗ trợ bao gồm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia, vấn đề này thuộc nội tại của từng doanh nghiệp. Trái với quan điểm này, tại một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ... thì song song với những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, Chính phủ các nước này cho rằng, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc hỗ trợ được thể hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên, nhóm đối tượng thụ hưởng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, kinh nghiệm của các nước cho thấy, khi thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần: Xây dựng một hệ thống các đơn vị thực hiện từ trung ương đến địa phương; ở thời kỳ đầu mới thành lập và hoạt động cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, sau một thời gian phát triển, mức đầu tư của ngân sách Nhà nước có thể giảm dần, kinh phí hoạt động được bổ sung bởi các nguồn thu khác từ chính cộng đồng doanh nghiệp; việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện doanh nghiệp để hỗ trợ toàn diện, đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, hình thành mối liên kết giữa các đơn vị thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là kết hợp với các tổ chức hành nghề luật sư, các đoàn luật sư tham gia vào hoạt động hỗ trợp pháp lý cho doanh nghiệp; hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nên thực hiện tập trung vào một số hoạt động chính.
Về hoạt động thông tin pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, TS. Dương Văn Hậu - Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cho biết: Cho đến nay, mọi hoạt động chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn của cơ quan quản lý hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thường bị hạn chế do chưa có kênh thông tin hai chiều phổ biến kịp thời, nhanh nhạy, dễ dàng đến đối tượng thụ hưởng. Các văn bản về lĩnh vực này thường được phổ biến rải rác ở các trang thông tin điện tử của nhiều cơ quan khác nhau. Do các trang tin này còn bao hàm nhiều nội dung khác nhau, nên thông tin về pháp luật doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh chỉ được đăng tải với số lượng khiêm tốn, chưa có tính hệ thống, chưa đầy đủ, khó theo dõi và tra cứu. Trong bối cảnh đó, trang thông tin về hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp cần phải xác định rõ trọng tâm của mình sao cho không trùng lặp với các kênh thông tin khác mà vẫn phát huy được thế mạnh của mình. Trang thông tin này phải có sắc thái riêng thể hiện sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhằm mục đích chung của toàn xã hội. Hoạt động thông tin pháp luật cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng; hình thức thông tin phải đa dạng, phong phú, thiết thực; nội dung thông tin cần được diễn đạt ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu, tạo thuận lợi cho các nhóm đối tượng được tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật về kinh doanh, doanh nghiệp.
Về sự tham gia của luật sư vào hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đại diện nhiều văn phòng luật sư bày tỏ, cần khẩn trương xây dựng trang thông tin điện tử về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các luật sư sẵn sàng tham gia tư vấn pháp luật miễn phí trong thời gian trang thông tin mới đi vào hoạt động. Theo đó, cần đào tạo đội ngũ luật sư nguồn để tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.
Về nhu cầu được hỗ trợ pháp lý, đại diện nhiều doanh nghiệp đều mong muốn được tham gia các lớp dồi dưỡng kiến thức pháp luật về kinh doanh và doanh nghiệp, để tự tin trong mọi hoạt động của mình.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đưa ra ý kiến về việc: Đề xuất các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; nhu cầu hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp của các doanh nghiệp địa phương; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và các hiệp hội doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; bổ sung đường dây nóng trên trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...
Phát biểu kết luận hội nghị, PGS. TS. Dương Đăng Huệ nhấn mạnh, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong thời gian tới cần thực hiện những giải pháp như: Thứ nhất, về mặt pháp lý, nhiệm vụ quan trọng trước tiên là phải sửa đổi Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bởi lẽ sau 7 năm thi hành, Nghị định này đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thứ hai, khẩn trương xây dựng trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thứ ba, nâng cao chất lượng các cuộc tọa đàm, hội thảo hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thứ tư, muốn thực hiện tốt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải sử dụng sức mạnh tổng hợp, trong đó có vai trò quan trọng của luật sư.
Huyền Bùi