Có thể nói rằng, chưa bao giờ đề tài về doanh nghiệp lại được quan tâm và nhắc đến nhiều như hiện nay và trong đó, công tác tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp của công chức, viên chức hiện nay chủ yếu là thông qua hoạt động giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. Hoạt động này có thể xuất phát từ chính việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị hoặc xuất phát từ nhiệm vụ của một chuyên viên giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp yêu cầu cơ quan, đơn vụ phụ trách trả lời. Với Hội nghị này, nội dung chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong công tác tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Một số nội dung được chia sẻ, bàn luận nhiều, cụ thể như:
Ưu điểm và hạn chế của cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong công tác tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp
Ưu điểm lớn nhất của cán bộ, công chức, viên chức trẻ chính là nhiệt huyết với công việc, cập nhật thông tin nhanh nhạy, cầu tiến, ham muốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Tuy nhiên, trong công tác tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thì cán bộ, công chức, viên chức trẻ lại có khá nhiều hạn chế. Cụ thể:
Đội ngũ trẻ thường chưa có kiến thức nghiệp vụ chuyên môn sâu, thiếu kinh nghiệm và các kỹ năng tư vấn. Đây chính là hạn chế lớn nhất đối với cán bộ trẻ. Tư vấn pháp luật là lĩnh vực khó, dù hiểu quy định của pháp luật nhưng để vận dụng vào thực tiễn thì không hề đơn giản, do đó đòi hỏi người tư vấn phải có nghiệp vụ chuyên môn sâu, đôi khi ngoài am hiểu pháp luật còn phải hiểu biết cả các lĩnh vực khác và nhất thiết cần phải có kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, các kỹ năng như nghe, nói, diễn đạt, trình bày, thu thập thông tin, xử lý thông tin, soạn thảo văn bản... cũng hết sức quan trọng, chẳng hạn, giọng nói cần có tính thuyết phục, ứng biến nhanh, không lạm dụng câu hỏi đóng, trình bày cần khoa học, logic, dễ hiểu…
Một hạn chế nữa là, thường thì cán bộ, công chức, viên chức trẻ lại không phải là người chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn mà thuộc lãnh đạo của họ. Do đó, họ sẽ không được chủ động tư vấn mà cần phải được sự phê duyệt của lãnh đạo. Điều này đôi khi sẽ triệt tiêu sự nhiệt huyết, năng động của những người trẻ.
Ngoài ra, sự rụt rè, thiếu tự tin cũng là một điểm yếu của cán bộ trẻ, điều này được thể hiện rõ khi họ phải đối mặt với những đối tượng yêu cầu tư vấn có “máu mặt”, có sự hiểu biết tốt về pháp luật.
Các hình thức tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp
Có nhiều hình thức tư vấn cụ thể, nhưng tựu trung lại có hai hình thức chủ yếu sau:
Tư vấn trực tiếp: Giải đáp trực tiếp hoặc qua điện thoại. Ưu điểm của hình thức này là linh hoạt, nhanh chóng, hướng dẫn thực hiện ngay đối với vấn đề đơn giản, nhưng nó có nhược điểm là không xử lý được toàn bộ vấn đề về nghiệp vụ cũng như các vấn đề phức tạp.
Tư vấn gián tiếp: Qua thư tư vấn hoặc qua văn bản khác. Hình thức này có ưu điểm là mang tính chính thức, xử lý được nhiều vấn đề đặc biệt là các vấn đề có tính chất phức tạp, có thời gian nghiên cứu vấn đề. Tuy nhiên, nó lại có nhược điểm là tốn kém về thời gian và chi phí.
Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trẻ
- Hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Sửa đổi một số quy định pháp luật cho phù hợp. Ví dụ, khoản 6 Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp quy định: “Việc giải đáp pháp luật quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, trong khi đó, các yêu cầu trên thực tế chủ yếu liên quan đến hoạt động này. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng chế tài để hoạt động tư vấn pháp lý không đơn thuần là hoạt động mang tính hình thức, chiếu lệ mà phải thực sự là hoạt động có ý nghĩa, hiệu quả cao.
- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các vấn đề pháp lý, chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng tư vấn. Để nâng cao trình độ, kiến thức cho đội ngũ cán bộ trẻ thì rất cần thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo khoa học, xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng không chỉ về kiến thức pháp luật mà còn cả các kỹ năng tư vấn, có như vậy thì cán bộ, công chức, viên chức trẻ mới có thể thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý của mình.
- Thường xuyên kiểm tra, rà soát đội ngũ cán bộ trẻ, có chính sách đãi ngộ, khen thưởng với công chức, viên chức trẻ làm tốt nhiệm vụ.
- Thường xuyên cử cán bộ trẻ đi thực tế. Đây là cách để làm tăng kiến thức về kinh nghiệm thực tế, rất cần thiết đối với cán bộ trẻ.