Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Tú (Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) cho biết: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan được Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn vào chiều ngày 12/11/2018 có nội dung quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước của Việt Nam là cần hiểu rõ về vấn đề này để thực thi một cách có hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi về những nội dung cụ thể như: Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội của Việt Nam; pháp luật về an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp; đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong việc đóng góp vào phát triển bền vững của doanh nghiệp; cơ chế thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - những bất cập tồn tại và đề xuất; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với vấn đề bảo đảm quyền con người; những vướng mắc, bất cập và giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam…
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của toàn xã hội.
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp bao gồm nhiều khía cạnh liên quan đến ứng xử của doanh nghiệp đối với các chủ thể và đối tượng có liên quan trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, từ người sản xuất, tiếp thị, tiêu thụ, tiêu dùng đến các nhà cung ứng nguyên liệu, vật liệu tại chỗ; từ đội ngũ cán bộ, nhân viên cho đến các cổ đông của doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còncó cả trách nhiệm về bảo vệ tài nguyên, môi trường, mà thực chất đó cũng là có trách nhiệm với lợi ích của cộng đồng xã hội, bao gồm cả những hoạt động nhân đạo, từ thiện, hoạt động đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước…
Ở Việt Nam hiện nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vẫn là vấn đề còn khá mới mẻ và được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thường được xem là một hành động giải quyết các vấn đề xã hội vì các mục đích từ thiện và nhân đạo. Do đó, để các doanh nghiệp chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội là một thách thức không nhỏ, nó đòi hỏi một kế hoạch chu đáo, sự tận tâm để đánh giá đúng lợi ích tiềm năng đích thực, xây xựng niềm tin, triển khai các hoạt động nội bộ doanh nghiệp và các hoạt động bên ngoài xã hội.Theo đó, cần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và hoàn thiện cơ chế thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội là góp phầnthực thi có hiệu quả pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết có nội dung liên quan đến vấn đề này.