Thẩm định đề nghị xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp. Trong những năm qua, công tác thẩm định đề nghị xây dựng dự thảo VBQPPL luôn được Bộ Tư pháp quan tâm thực hiện một cách kịp thời, có chất lượng.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe các đơn vị trực thuộc Bộ trình bày các báo cáo liên quan đến công tác thẩm định VBQPPL thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị được giao và sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong công tác thẩm định VBQPPL, cụ thể:
Theo báo cáo của đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thì sau gần 02 năm triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL của Bộ Tư pháp đã dần đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục và các yêu cầu mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Nhằm tạo cơ sở cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thẩm định, ngay từ đầu năm 2017, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã chủ trì xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân công thẩm định, góp ý, tham gia xây dựng đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL năm 2017.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Tư pháp tính từ 01/7/2016 đến 26/12/2017, Văn phòng Bộ đã tiếp nhận 491 hồ sơ thẩm định. Các đơn vị thuộc đã tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định. Các công chức tham gia thẩm định đã bám sát các nội dung cần thẩm định và có những ý kiến thẩm định xác đáng. Qua đó, góp phần đảm bảo tính hợp lý, nâng cao đáng kể chất lượng của văn bản thẩm định. Công tác phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ đã được thực hiện khá tốt, thể hiện rõ nét ngay từ giai đoạn tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, phối hợp xây dựng báo cáo thẩm định, tổ chức thẩm định.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác thẩm định VBQPPL trong thời gian qua vẫn còn những hạn tồn tại, hạn chế nhất định, đó là:
- Năng lực cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật nói chung và cán bộ làm công tác thẩm dịnh nói riêng còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ tham gia thẩm định còn thiếu, một số đơn vị cử cán bộ tham gia công tác thẩm định không đáp ứng yêu cầu, nhiều cán bộ trẻ, còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thiếu kiến thức tổng hợp về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cũng như kinh nghiệm xây dựng VBQPPL, nên chất lượng ý kiến đóng góp không cao. Đối với các dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, nhiều chính sách pháp luật mới thì còn lúng, khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ về thời gian và chất lượng văn bản thẩm định.
- Việc phổ biến, tập huấn cho các cán bộ công chức làm công tác xây dựng VBQPPL, đặc biệt là các công chức của các đơn vị làm công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và thẩm định VBQPPL chưa được triển khai đều, công tác tập huấn chưa bài bản, chưa thực sự chuyên sâu về kỹ năng thực hiện công việc, nên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra.
- Công tác xây dựng VBQPPL ở một số Bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chủ trì soạn thảo và tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành đó, nên nhiều hồ sơ các văn bản của một số Bộ, ngành gửi đến Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định chưa đảm bảo về chất lượng, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động chính sách. Quá trình lấy ý kiến, thực hiện thủ tục thẩm định VBQPPL còn phải trải qua nhiều khâu, nhiều đơn vị, cá nhân.
Sau khi nghe các báo cáo và các ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã có những kết luận chỉ đạo cụ thể đó là: Xác định công tác thẩm định VBQPPL có vị trí, vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp, nên các đơn vị thuộc Bộ cần phối hợp chặt chẽ để làm tốt công tác này, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời nâng cao vị trí, uy tín của Bộ, Ngành Tư pháp. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số vướng mắc, hạn chế nhất định như: Chất lượng báo cáo thẩm định tuy cải thiện nhưng chưa đột phá về chất lượng, thiếu đồng đều, một số nội dung thẩm định chưa sâu; tiến độ thẩm định một số đề nghị, dự án còn chậm, nhất là khâu chuẩn bị báo cáo thẩm định; chi phí sức lao động đầu tư cho báo cáo thẩm định còn lớn do tổ chức công việc ở một số khâu còn lúng túng; năng lực đội ngũ cán bộ công chức làm công tác thẩm định còn mỏng, còn yếu, chưa tương xứng với yêu cầu công việc, chưa có sự đổi mới trong lề lối làm việc…
Nhấn mạnh công tác xây dựng văn bản là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành Tư pháp, trong đó công tác thẩm định được đặc biệt chú trọng nên trong năm 2018 cũng như thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần tập trung mọi nguồn lực làm tốt công tác này, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện và minh bạch. Các đơn vị cần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, chú trọng khâu đào tạo, bồi dưỡng thông qua thực tế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường các hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Cùng với đó, cần tiếp tục có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác thẩm định VBQPPL. Theo đó, cần thực hiện nghiêm các quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP cũng như áp dụng linh hoạt Quy chế thẩm định của Bộ.