Ngày 20/6/2017, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và xác định ngày 01/01/2018 là ngày có hiệu lực thi hành đối với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Trên cơ sở đó, Cục Trợ giúp pháp lý đã hoàn thiện Dự thảo Thông tư liên tịch bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các bộ luật, luật tố tụng.
Để hoàn thiện Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, sáng ngày 13/7/2017, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị "Góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC". Tham dự Hội nghị có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; đại diện Bộ Công an; Trung tâm Trợ giúp pháp lý của các tỉnh, thành phố; Sở Tài chính thành phố Hà Nội; đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao... cùng đại diện một số đơn vị khác có liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp mong muốn rằng, các đại biểu tham dự buổi Hội thảo sẽ thảo luận sôi nổi và có những ý kiến đóng góp giúp hoàn thiện Dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11 trong thời gian tới.
Tiếp theo, ông Cù Thu Anh - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp trình bày tóm tắt Dự thảo Thông tư liên tịch, trong đó nêu rõ:
(i) Sự cần thiết ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11
Qua 03 năm thực hiện, Thông tư liên tịch số 11 đã góp phần tạo cơ sở pháp lý đồng bộ trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đạt được những kết quả thiết thực, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, Quốc hội vừa thông qua các bộ luật, luật tố tụng và Luật Trợ giúp pháp lý đặt ra yêu cầu phải hướng dẫn các quy định về tham gia tố tụng trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Cụ thể, nội dung của các bộ luật và luật tố tụng mới ban hành có nhiều thay đổi so với các quy định cũ liên quan đến lĩnh vực trợ giúp pháp lý như: Thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa được thay thế bằng thủ tục đăng ký bào chữa; cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thay thế bằng thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; bổ sung một số cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng... Luật Trợ giúp pháp lý được thông qua với nhiều quy định mới liên quan đến việc tham gia tố tụng và phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 11 cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc như: Chưa quy định đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh trong thành phần của Hội đồng phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý trong tố tụng ở địa phương; quy định về cơ quan lập dự toán kinh phí của Hội đồng phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý trong tố tụng ở địa phương trong Ngành Tư pháp chưa rõ ràng; chưa quy định những thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.
Như vậy, do sự thay đổi thể chế pháp luật về tố tụng và những hạn chế, vướng mắc của Thông tư liên tịch số 11 nên việc ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11 là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
(ii) Bố cục của Dự thảo Thông tư liên tịch
Dự thảo Thông tư liên tịch gồm 06 chương, 20 điều và có cơ cấu: Chương I - Những quy định chung; Chương II - Trách nhiệm của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý; Chương III - Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền của cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; Chương IV - Đăng ký tham gia tố tụng và từ chối, hủy bỏ việc đăng ký tham gia tố tụng; Chương V - Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; Chương VI - Tổ chức thực hiện.
(iii) Nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư liên tịch
- Phạm vi điều chỉnh: Dự thảo Thông tư liên tịch điều chỉnh một số quy định pháp luật về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; thủ tục đăng ký tham gia tố tụng; chỉ định bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
- Đối tượng áp dụng: Cơ bản kế thừa Điều 2 Thông tư liên tịch số 11, tuy nhiên có sự sửa đổi, bổ sung một số đối tượng cho phù hợp với quy định của các bộ luật và luật tố tụng mới, cụ thể: Sửa đổi theo hướng khái quát các đối tượng áp dụng như cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng...; bổ sung cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như các cơ quan của lực lượng cảnh sát biển, của các cơ quan Bộ đội biên phòng cho phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015...; bổ sung buồng tạm giữ của đồn biên phòng, bổ sung trưởng phân trại, phó trưởng phân trại, đội trưởng, phó đội trưởng, người làm nhiệm vụ quản giáo trong trại tạm giam và nhà tạm giữ, đồn trưởng đồn biên phòng nơi có buồng tạm giữ của đồn biên phòng theo quy định tại Điều 11, Điều 14 và Điều 15 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
- Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về trách nhiệm của Trung tâm và Chi nhánh; trách nhiệm của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng; trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng; trách nhiệm của cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam.
- Về thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng: Dự thảo Thông tư liên tịch quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng bị thay thế trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối, hủy bỏ việc đăng ký tham gia tố tụng. Đây là quy định mới so với Thông tư liên tịch số 11.
- Về trách nhiệm giải thích, thông báo, hướng dẫn: Về giải thích quyền được trợ giúp pháp lý của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quy định cụ thể cách thức giải thích, nội dung giải thích và mẫu biên bản giải thích; về trách nhiệm thông báo cho trung tâm, hướng dẫn tiếp cận thông tin về trợ giúp pháp lý khi người được trợ giúp pháp lý có yêu cầu hoặc thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
- Đăng ký tham gia tố tụng: Dự thảo Thông tư liên tịch quy định theo hướng tách riêng thủ tục đăng ký tham gia tố tụng trong lĩnh vực hình sự với tố tụng dân sự và hành chính.
- Hủy bỏ việc đăng ký bào chữa: Đây là quy định mới so với Thông tư liên tịch số 11, theo đó, trong thời gian 24 giờ kể từ khi hủy bỏ đăng ký bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư liên tịch còn quy định về hiệu lực của việc đăng ký tham gia tố tụng; Hội đồng phối hộp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở trung ương và ở địa phương; kinh phí thực hiện; trách nhiệm thực hiện; điều khoản chuyển tiếp.
Sau đó, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an trình bày về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong Dự thảo Thông tư liên tịch. Trong đó, nêu rõ vai trò của cơ quan công an trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý như: Công an nhân dân chỉ đạo các cơ quan thực hiện công tác quản lý tạm giữ, tạm giam phối hợp với cơ quan trợ giúp pháp lý để tuyên truyền, phổ biến quyền được trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và hướng dẫn họ thực hiện các quyền đó; với tư cách là thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong tố tụng ở trung ương, Bộ Công an tham gia công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật, tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trợ giúp pháp lý, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị ở địa phương thực hiện công tác trợ giúp pháp lý... Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công an cũng đưa ra một số ý kiến góp ý cụ thể nhằm hoàn thiện Dự thảo Thông tư liên tịch.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự có những trao đổi, thảo luận tích cực xung quanh một số vấn đề cơ bản của Dự thảo Thông tư liên tịch.