1. Khung pháp lý về trợ giúp pháp lý
Trong công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trợ giúp pháp lý là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của công dân, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi cho những người dân nghèo, những người yếu thế hơn trong xã hội (người tàn tật, trẻ em...). Đến nay, chúng ta có 03 nghị định của Chính phủ, 01 chỉ thị và 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 16 thông tư và thông tư liên tịch, 07 quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tổ chức hoạt động, quy chế, biểu mẫu...
Nhiều ý kiến cho rằng các văn bản pháp luật quy định về trợ giúp pháp lý tương đối nhiều nhưng vẫn tồn tại những quy định chưa thống nhất, đồng bộ, nhiều chỉ tiêu đề ra còn quá cao so với nguồn lực và năng lực thực tế gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, không có tính khả thi. Ví dụ, về chỉ tiêu phát triển đội ngũ trợ giúp viên pháp lý theo chiến lược đến năm 2015 phải có 1.000 trợ giúp viên pháp lý, 12.000 cộng tác viên; theo Đề án quy hoạch đến năm 2010 mỗi lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý phải có ít nhất 01 trợ giúp viên pháp lý chuyên trách. Theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP thì có 08 lĩnh vực trợ giúp pháp lý, như vậy đến năm 2010 cả nước phải có 504 trợ giúp viên pháp lý; năm 2015 mỗi lĩnh vực pháp luật có 2-3 trợ giúp viên pháp lý, 16-24 trợ giúp viên pháp lý/trung tâm, cả nước có 1.008 - 1.512 trợ giúp viên pháp lý... Những kế hoạch đề ra với khối lượng công việc lớn, trong khi tiềm lực của chúng ta còn hạn chế, do đó gây nhiều áp lực, khó khăn trong quá trình thực hiện. Bàn về vấn đề này, ông Ian Morrison, Giám đốc dự án trợ giúp pháp lý ở Trung Quốc cũng cho biết, trợ giúp pháp lý ở Trung Quốc cũng gặp phải những hạn chế như việc hoạch định chính sách trợ giúp pháp lý áp đặt từ trên xuống chứ không phải là dựa trên nhu cầu, nó mang tính tình thế, không có sự kết nối giữa "quyền" hoạch định chính sách và việc cấp vốn... do đó việc trợ giúp pháp lý ở Trung Quốc cũng không đạt được những kết quả như mong đợi.
Để giải quyết tình trạng này ở nước ta, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cũng đề xuất việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cần thiết phải có sự tổng kết sâu sắc thực tiễn sau 16 năm hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam để có quy định phù hợp về khái niệm trợ giúp pháp lý, mô hình trợ giúp pháp lý, đối tượng trợ giúp pháp lý, hình thức trợ giúp pháp lý... Nhà nước nên đóng vai trò điều phối, giám sát hoạt động trợ giúp pháp lý, quan tâm đến chất lượng của hoạt động trợ giúp pháp lý. Cũng theo bà Minh, chúng ta phải đặc biệt ưu tiên, bảo đảm việc tham gia tố tụng trong trợ giúp pháp lý, đảm bảo thống nhất các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Luật sư... để nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý
2. Trợ giúp pháp lý cho những đối tượng đặc thù
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng bàn luận nhiều về việc trợ giúp pháp lý cho những đối tượng là người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật... Nhưng việc trợ giúp pháp lý tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam và trại giam, các nhà tù là đối tượng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Theo đại biểu Nguyễn Kiến Quốc, Hội luật gia tỉnh Bình Thuận, đây là một nhiệm vụ có nhiều khó khăn, phức tạp, có nhiều đối tượng đặc biệt đang bị cơ quan pháp luật giam giữ để điều tra, truy tố, xét xử đối với bị can, bị cáo và đối với các phạm nhân đang thụ hình cải tạo. Tất cả các tội phạm vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực khác nhau có cả tội vi phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong tổ chức thực hiện đầu tiên phải có sự trao đổi thống nhất về việc phối hợp với lãnh đạo cơ quan tư pháp nhất là cơ quan công an để họ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý. Quá trình thực hiện tư vấn pháp luật phải làm tốt công tác khảo sát, nắm được nhu cầu của can phạm và phạm nhân cần tư vấn, từ đó nghiên cứu, tư vấn rõ ràng giúp cho can phạm và phạm nhân giải quyết được những vấn đề vướng mắc về pháp luật của họ. Theo bà Promita Sengupta, cán bộ Chương trình GIZ, Bang-la-det thì trợ giúp pháp lý đối với những đối tượng này là rất cần thiết. Nhà nước cần quan tâm và có những chính sách phù hợp để những đối tượng này có cơ hội tiếp cận với công lý nhiều hơn.
3. Tiêu chuẩn của người thực hiện trợ giúp pháp lý
Tiêu chuẩn của người thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định tại Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ – CP quy định về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý: "1. Người có bằng cử nhân luật, đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư, đang làm việc trong Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được cử tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; nếu đạt yêu cầu kiểm tra khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thì được Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Người đã từng là luật sư theo quy định của Luật Luật sư hoặc được miễn khóa đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư, đang làm việc trong Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được cử tham dự kiểm tra bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; nếu đạt yêu cầu kiểm tra khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thì được Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật".
Về vấn đề này, ý kiến thứ nhất cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý phải am hiểu pháp luật một cách sâu sắc. Đối tượng cần được trợ giúp pháp lý đa phần là những người dân nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật... là những đối tượng cần được quan tâm và bảo vệ trong xã hội, họ không am hiểu pháp luật cũng như không có khả năng tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình do đó họ mới cần trợ giúp pháp lý. Do đó người trợ giúp pháp lý phải có đầy đủ các tiêu chuẩn như tốt nghiệp đại học luật, đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư, đang làm việc trong Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, được cử tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý... mới được thực hiện công việc trợ giúp pháp lý để có thể đưa ra những ý kiến đúng đắn và chuẩn xác giúp cho những đối thượng thụ hưởng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ý kiến thứ hai thì cho rằng, nếu tiêu chuẩn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý quá cao sẽ không thu hút được cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý. Theo diễn giả Promita Sengupta, cán bộ chương trình GIZ, Bang-la-det thì tiêu chuẩn tốt nghiệp đại học luật là cơ bản, quan trọng nhất. Những người am hiểu pháp luật, đã tốt nghiệp đại học luật đều có thể thực hiện trợ giúp pháp lý.
4. Nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư
Theo nội dung Điều 21 của Luật sửa đổi, bổ sung luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư quy định về quyền, nghĩa vụ của luật sư, thì luật sư có nghĩa vụ trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong tổng số 9.190 người là cộng tác viên trợ giúp pháp lý chỉ có khoảng 1.000 cộng tác viên là luật sư. Như vậy, trên thực tế luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý là rất ít.
Làm thế nào để thu hút được lực lượng đông đảo luật sư tham gia trợ giúp pháp lý một cách hiệu quả là vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Công việc của người luật sư rất khó khăn, vất vả đòi hỏi người luật sư phải có trình độ, có trách nhiệm nghề nghiệp cao. Hiện nay, trách nhiệm của luật sư đối với xã hội cao hơn, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế để khuyến khích luật sư tham gia vào trợ giúp pháp lý còn nhiều hạn chế, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu, xem xét về việc trả thù lao cho luật sư để họ yên tâm khi thực hiện nhiệm vụ với xã hội. Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư Quang và cộng sự, nếu người luật sư nhận bảo vệ cho khách hàng thông thường khi đó họ sẽ được nhận thù lao xứng đáng theo thỏa thuận giữa hai bên. Nhưng một người luật sư tận tâm làm việc khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự mà không phải vì tiền, mà vì trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp... thì chúng ta cũng nên nghiên cứu và đề xuất cơ chế vinh danh như trao giải thưởng cho những người luật sư này để khuyến khích, động viên luật sư tham gia trợ giúp pháp lý. Cũng theo luật sư Quang, chúng ta cũng nên nghiên cứu theo cơ chế mở, nếu luật sư không tham gia trợ giúp pháp lý thì có thể đóng tiền để tạo nguồn kinh phí để hỗ trợ các luật sư khác tham gia vào lĩnh vực này.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định hoạt động trợ giúp pháp lý ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, dân tộc thiểu số, những người thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người khuyết tật... Tuy nhiên, công tác trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu tổng kết thực tiễn và đổi mới. Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2014, trong đó cần nghiên cứu các vấn đề bất cập, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung về thể chế, chính sách trợ giúp pháp lý bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Nguyễn Thị Vinh
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật