Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đến người dân và doanh nghiệp, nhiều vấn đề pháp lý đã phát sinh, trong đó có hợp đồng. Đây được coi là một trong các vấn đề quan trọng nhất của thể chế pháp luật dân sự - kinh tế. Trong bối cảnh nhiều nghị quyết của Đảng đang được triển khai, hệ thống pháp luật nói riêng và pháp luật hợp đồng nói riêng sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới. Vì vậy, mục đích của Hội nghị là nhằm trao đổi những vướng mắc, bất cập của pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 và tăng cường các giải pháp hỗ trợ pháp lý góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tham luận tại Hội nghị về vấn đề thực hiện hợp đồng trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, từ kinh nghiệm thực tiễn, Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Chủ tịch Trung tâm Hòa giải Thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) đã phân tích ảnh hưởng của các biện pháp chống dịch đến mối quan hệ hợp đồng thương mại và tổ chức thực hiện hợp đồng thương mại trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, Luật sư đưa ra những lưu ý đối với doanh nghiệp khi thực hiện hợp đồng trong bối cảnh hiện nay: Doanh nghiệp cần theo dõi các biện pháp phòng, chống dịch được ban hành tại từng thời điểm, cập nhật thường xuyên tình về thay đổi cấp độ dịch trên địa bàn mà doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh; có phương án phòng, chống dịch hiệu quả và sẵn sàng thảo luận, thương lượng hoặc hoà giải với đối tác trên tinh thần thiện chí; lưu giữ các chứng cứ về văn bản, chính sách của Nhà nước (của Trung ương, các địa phương) có liên quan đến chuỗi sản xuất để chứng minh những khó khăn, vướng mắc, rủi ro nhằm tránh bị coi là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; lưu giữ các chứng cứ về thiệt hại phát sinh (nếu có) để có thể thực hiện được quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Bàn về một số bất cập của pháp luật về hợp đồng và định hướng hoàn thiện, ThS. Lê Thị Hoàng Thanh (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) cho biết, hiện nay, pháp luật về hợp đồng còn có nhiều quy định dưới Luật; có sự chồng chéo, chưa rõ ràng về phạm vi điều chỉnh giữa các đạo luật và sự trùng lặp giữa các văn bản luật; một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực cụ thể còn có quy định khác với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; một số quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp dẫn đến thực tiễn áp dụng còn nhiều khó khăn; quy định pháp luật hợp đồng chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc tự do ý chí trong quan hệ hợp đồng; còn tồn tại các khoảng trống, thiếu quy định điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh dịch Covid-19… Vì vậy, cần nghiên cứu để tái cấu trúc hệ thống pháp luật về hợp đồng; hạn chế và lược bỏ dần việc ban hành quy định mang tính hạn chế quyền tự do hợp đồng hoặc điều chỉnh quan hệ hợp đồng theo cách hành chính hóa quan hệ dân sự; nghiên cứu xây dựng các văn bản mang tính thí điểm, thử nghiệm để điều chỉnh những vấn đề phát sinh…
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến đã cùng trao đổi, thảo luận những nội dung quan trọng liên quan đến giao kết, thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh dịch Covid-19 như: Các trường hợp được coi là bất khả kháng và đại dịch Covid-19 có được coi là trường hợp bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm hay không? Cách xử lý, giải quyết của doanh nghiệp đối với đối tác khi giá thành sản phẩm của hợp đồng thay đổi trong bối cảnh dịch Covid-19…