Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP. Theo đó, Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP đã được triển khai thực hiện nghiêm túc từ trung ương đến địa phương với tiến độ tương đối đồng đều trên cả nước, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ, khẳng định tính đúng đắn của cơ chế phối hợp giữa hai Bộ, ngành trên cả phương diện thể chế, chính sách và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường được chú trọng và tăng cường hơn, với những nội dung và hình thức phù hợp với các đối tượng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Các nội dung phối hợp được triển khai khá toàn diện trên tất cả các mặt, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên và những người làm công tác quản lý giáo dục. Cơ quan giáo dục, cơ quan tư pháp và nhà trường đã thực hiện khá nghiêm túc trách nhiệm được giao trong Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP; xác lập được cơ chế phối hợp, theo đó, cơ quan giáo dục giữ vai trò chủ động trong xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; cơ quan tư pháp có vai trò quan trọng trong việc định hướng nội dung và các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương; nhà trường thực hiện vai trò trực tiếp tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể.
![]() |
![]() |
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quán triệt và triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP còn chưa đồng bộ và sâu rộng, do đó chưa làm chuyển biến căn bản trong nhận thức về trị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường nói chung và công tác phối hợp giữa hai Bộ, ngành nói riêng.
Từ việc nhìn nhận kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, các đại biểu đề xuất giải pháp, mô hình, cách làm hay để tiếp tục thực hiện tốt hơn Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP.
![]() |
![]() |
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao kết quả đạt được trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP thời gian qua. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường theo Thông tư này, Thứ trưởng yêu cầu: Chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật trong nhà trường; tiếp tục chuẩn hóa chương trình, nội dung dạy pháp luật trong nhà trường, đổi mới sách giáo khoa cho phù hợp với từng đối tượng; phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cần đổi mới linh hoạt hơn, đặc biệt là tích cực giảng dạy theo phương pháp trực quan sinh động; tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngành Tư pháp và Ngành Giáo dục từ trung ương đến địa phương. Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự phối hợp của cơ quan tư pháp, cơ quan giáo dục và nhà trường, trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP sẽ đem lại hiệu quả thiết thực hơn, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Bùi Huyền