Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Thanh Sơn cho biết, “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 - 2022 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/02/2018 theo Quyết định số 242/QĐ-TTg. Đề án được ban hành nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thi hành pháp luật.
Qua gần 03 năm triển khai thi hành Đề án, công tác tổ chức thi hành pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế, có thể kể đến như: (i) Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn chậm dẫn đến lúng túng trong thực tiễn tổ chức hoạt động tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật của các bộ, ngành, địa phương; (ii) Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và biên chế làm công tác tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tổ chức pháp chế tại các sở, ngành của địa phương đang có xu hướng thu hẹp lại, nhiều sở, ngành không bố trí được biên chế làm công tác pháp chế; (iii) Việc triển khai các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật ở một số địa phương, bộ, ngành vẫn còn mang tính hình thức; việc phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, giữa cơ quan hành chính nhà nước với hệ thống cơ quan nhà nước khác trong công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa được thường xuyên, hiệu quả và thực chất.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, công tác thi hành pháp luật tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh, đồng bộ để thực hiện hiệu quả; chế tài chưa thực sự nghiêm khắc; một số các quy định của pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, tình trạng vi phạm pháp luật còn xảy ra… Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần: (i) Chủ động tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Quyết định số 242/QĐ-TTg và trong kế hoạch thực hiện của bộ, ngành, địa phương mình; (ii) Ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật đối với lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý; (iii) Tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính tại cơ quan đơn vị cũng như trên cổng thông tin điện tử của bộ, ngành và địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp; (iv) Kịp thời, chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng phản ánh về những vụ việc cụ thể, những vấn đề “nóng” trong thực tiễn đời sống xã hội để đề xuất giải pháp, phản ứng chính sách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; (v) Quan tâm kiện toàn tổ chức, biên chế làm công tác pháp chế và (vi) Bố trí đủ kinh phí hàng năm cho công tác theo dõi thi hành pháp luật.