Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, đại diện dự án JICA, Cục trưởng Cục Quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, cùng sự tham gia của nhiều chuyên gia các bộ, ngành, địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế trong tổ chức thi hành pháp luật nói chung và triển khai thực hiện 07 nhiệm vụ đặt ra tại Đề án 242 nói riêng. Từ đó, nhiều kiến nghị, đề xuất, giải pháp cũng đã được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác này.
Hầu hết các đại biểu đều thừa nhận, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng kể, đặc biệt kể từ khi Đề án 242 ra đời, việc tổ chức thi hành pháp luật đã có chuyển biến nhất định.
Một số kết quả cụ thể được đề cập như: Hệ thống pháp luật không ngừng hoàn thiện và phát triển, cơ bản đầy đủ, cân đối trên mọi lĩnh vực; chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; quy tình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nhiều đổi mới; thể chế phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật từng bước được bổ sung, hoàn thiện; công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được đẩy mạnh; nhiều địa phương rất chủ động, tích cực trong việc triển khai 07 nhiệm vụ trong Đề án 242…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác này, như: Các quy định về tổ chức thi hành pháp luật còn nằm tản mát ở nhiều văn bản khác nhau và một số quy định còn bất cập, gây khó khăn cho quá trình áp dụng; khó khăn trong kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhiều địa phương rất khó để bố trí biên chế thực hiện công tác; nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, người dân còn hạn chế; khó khăn, vướng mắc trong xây dựng cũng như thực hiện quy định về quy trình tiếp nhận, xử lý, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật;…
Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, một nội dung được quan tâm nhiều đó chính là việc có xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật hay không. Nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta cần có một văn bản có giá trị pháp lý cao, mang tính chung điều chỉnh đó chính là Luật Tổ chức thi hành pháp luật, điều này tạo thuận lợi cho việc áp dụng, thực hiện tổ chức thi hành pháp luật được thống nhất, dễ dàng hơn… Mặc dù vậy, việc xây dựng một luật như vậy cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn, chẳng hạn như hiện nay có nhiều văn bản, quy định pháp luật khác nhau điều chỉnh về công tác tổ chức thi hành pháp luật, do đó, phải xây dựng luật với phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nội dung ra sao để tránh trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn với những văn bản, quy định đang tồn tại. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, có thể căn nhắc phương án hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành thay vì ban hành luật.
Ngoài ra, tại Hội nghị, đại diện Vụ Pháp luật chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã nêu làm rõ mối quan hệ giữa xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, theo đó, vấn đề này được thể hiện ở những điểm cơ bản như: (i) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là cơ sở, là đầu vào quan trọng của hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; còn tổ chức thi hành pháp luật bảo đảm cho sản phẩm của hoạt động xây dựng pháp luật phát huy hiệu lực và hiệu quả trong thực tế. Tuy nhiên, cần lưu ý là giữa hai hoạt động này xét về mặt phạm vi cũng có sự chồng lấn nhất định. Điều này thể hiện ở chỗ, trong công tác tổ chức thi hành pháp luật với các hoạt động như xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật thực chất cũng là một nội dung của công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và ngược lại. (ii) Giữa hai hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật luôn có mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại.
Cũng tại Hội nghị, chuyên gia dự án JICA đã chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về hoạt động hành chính để bảo đảm việc thi hành đúng pháp luật, trong đó nêu lên điểm chung và khác biệt trong khái niệm, cách hiểu và việc thực hiện liên quan đến công tác thi hành pháp luật giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Uyên Nhi