* Triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2015
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác thi hành án dân sự và thực hiện thí điểm thừa phát lại. Các cơ quan thi hành án dân sự cả nước đã hoàn thành khối lượng công việc nhiều hơn so với năm trước, cơ bản đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của Quốc hội. Việc thí điểm thực hiện thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập. Số việc, số tiền chưa thi hành được chuyển sang năm 2015 vẫn còn ở mức cao; tình trạng chấp hành viên, cán bộ thi hành án dân sự vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự có xu hướng tăng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành. Do đó, đồng chí đề nghị công tác thi hành án dân sự cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Nhanh chóng xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc có khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài gây bức xúc trong xã hội; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, cần có thái độ kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý sai phạm, góp phần cải thiện hình ảnh người cán bộ thi hành án dân sự.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng và hứa tiếp thu quán triệt sâu sắc, đồng thời sẽ cố gắng nỗ lực để đưa công tác thi hành án dân sự chuyển biến thực chất và bền vững.
Bộ trưởng thừa nhận rằng, sang năm 2015, công tác này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bên cạnh khó khăn thì thuận lợi được xem là căn bản: Thể chế công tác thi hành án dân sự đã hoàn thiện một bước quan trọng; công tác phối hợp liên ngành ngày càng hiệu quả; cơ sở vật chất được cải thiện nhiều… Bộ trưởng nhấn mạnh cần thực hiện những công việc sau: Sửa đổi ngay những thông tư hướng dẫn không cần chờ Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền; rà soát kỹ các quy định mới để dự báo tác động về thực hiện chỉ tiêu đề ra; cần xác định công tác cán bộ tiếp tục là nhiệm vụ mang tính đột phá, trọng tâm, bảo đảm sự phát triển bền vững công tác thi hành án dân sự của đất nước; Bộ trưởng cho biết, Ban Cán sự cũng như Lãnh đạo Bộ Tư pháp rất kiên quyết trong việc xử lý sai phạm và đấu tranh chống tiêu cực; sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyên môn, nghiệp vụ nhằm tăng cường công khai minh bạch, giảm tiêu cực; thực hiện tốt công tác đôn đốc thi hành án hành chính.
Tại Hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến thi hành án dân sự được trình bày, thảo luận như công tác phối hợp giữa các ban, ngành với nhau, giữa trung ương với địa phương; công tác kế hoạch tài chính; thanh tra; tổ chức cán bộ; khiếu nại, tố cáo, trong đó nêu rõ về kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, những khó khăn và đề xuất giải pháp khắc phục.
Đồng chí Hoàng Sỹ Thành – Tổng cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự đã giải đáp những khúc mắc, đề xuất được các đại biểu nêu lên trong Hội nghị:
- Về công tác tổ chức cán bộ: Việc phụ cấp thêm cho chấp hành viên, thư ký thi hành án là khó thực hiện; trong luân chuyển thì việc giải quyết nhà công vụ, hỗ trợ sẽ được xem xét để cán bộ yên tâm công tác; bảo hiểm nghề nghiệp là vấn đề mới cần nghiên cứu thêm; đồng tình với việc đào tạo bổ sung nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm vì kinh phí được giao tăng không nhiều; chức danh chánh văn phòng, phó chánh văn phòng, trưởng phòng tổ chức cán bộ vẫn cần phải có điều kiện chuyên môn đại học luật vì như vậy mới đảm bảo để tham mưu cho lãnh đạo cơ quan thi hành án; đồng tình với đề xuất chức danh thẩm tra viên chính ở cấp huyện cần được bổ sung.
- Về chuyên môn, nghiệp vụ: Dù có khó khăn trong việc vận chuyển giám định ma túy nhưng việc giám định này là cần thiết, do đó trước mắt cần phối hợp giải quyết, về lâu dài sẽ cần có cơ chế thực hiện; vướng mắc liên quan đến án của tổ chức tín dụng, ngân hàng thì sẽ được xem xét cùng phối hợp với ngân hàng nhà nước để tìm phương án giải quyết; trong vụ việc xét xử sai phạm thì cơ quan thi hành án phải ra Tòa mà không phải là chấp hành viên vì thủ trưởng cơ quan thi hành án là người đứng đầu, có trách nhiệm chỉ đạo đôn đốc chấp hành viên; có thể sẽ thực hiện phương án xây dựng cụm kho vật chứng (một vài đơn vị cùng xây dựng kho chung); cần quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhưng không chạy theo thành tích…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền thể hiện sự quyết tâm sẽ giúp thi hành án dân sự trong việc tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tâm huyết với việc xây dựng hình ảnh cán bộ thi hành án.
* Sơ kết việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại
Cùng ngày 04/12/2014, Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở trung ương đã tổ chức Hội nghị sơ kết về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội. Thành phần tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền và một số đồng chí khác trong Ban Chỉ đạo; Đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan; đại diện các địa phương thực hiện thí điểm Thừa phát lại.
![]() |
![]() |
Hội nghị diễn ra sôi nổi, chất lượng với nhiều ý kiến sát thực, bên cạnh những kết quả tích cực của công tác này, các đại biểu cũng mạnh dạn đưa ra những khó khăn, tồn tại, đồng thời cũng có nhiều đề xuất mới, có ý nghĩa.
Cần hoàn thiện thể chế: Nhiều đại biểu đề xuất cần ban hành Luật Thừa phát lại để hợp thức hóa thừa phát lại tạo thuận lợi cho hoạt động đặc biệt trong việc tống đạt giúp Tòa án, cơ quan thi hành án (vì việc tống đạt đang gặp khó khăn do dân không biết, không tin tưởng thừa phát lại); khi chưa có Luật để quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thì trước mắt cần sớm hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các ngành…
Cần mở rộng phạm vi hoạt động: Cần quy định mở rộng phạm vi hơn nữa về lập vi bằng (không chỉ dừng lại ở lĩnh vực dân sự) và tống đạt giấy tờ (được tống đạt tất cả các loại giấy tờ như cáo trạng, quyết định khởi tố…); mạnh dạn giao cho thừa phát lại cưỡng chế thi hành một số vụ khó để tạo sức thuyết phục; giao thi hành những khoản nợ khó đòi mà không phải mua nợ xấu.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận đề xuất cần đổi mới trong công tác tuyên truyền, phải ứng dụng công nghệ trong hoạt động này; từng bước thừa phát lại thay dần thi hành án dân sự; thừa nhận thừa phát lại đã đảm bảo được mục tiêu giảm biên chế (việc nhiều chấp hành viên không thực hiện hết được nên Thừa phát lại sẽ giúp làm giảm tải công việc cho chấp hành viên) và cải cách thủ tục hành chính…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định rằng, việc thí điểm thừa phát lại đã thành công, thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị thế trong xã hội.
Bộ trưởng đã ghi nhận kết quả đạt được: Việc triển khai thừa phát lại đã có nhiều cố gắng và thu được nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng đề án; công tác xây dựng thể chế, cơ bản đã có sự thống nhất nhận thức và cần khẳng định lại rằng văn phòng thừa phát lại không phải là tư nhân, doanh nghiệp mà thừa phát lại là được Nhà nước bổ nhiệm; Hầu hết đội ngũ thừa phát lại là những người có trình độ, kinh nghiệm trong nghề luật (thẩm phán, điều tra viên, công chứng viên, chấp hành viên, luật sư…).
Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ rõ những vướng mắc, hạn chế: Việc tháo gỡ thể chế tốt nhưng còn chậm, việc triển khai đề án cũng chậm đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc; công tác truyền thông chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu, hiểu biết của người dân và xã hội về thừa phát lại còn thấp, nhận thức của chính quyền, cán bộ chưa đầy đủ; quy định pháp luật mới chỉ dừng lại cao nhất ở nghị định rồi đến thông tư, trong khi còn tồn tại nhiều khoảng trống trong thông tư, thông tư liên tịch; nhiều văn phòng thừa phát lại chậm ổn định tổ chức, kết quả hoạt động chưa đồng đều, mới chủ yếu là lập vi bằng, còn những việc khác hiệu quả chưa cao.
Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu trong thời gian tới cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau: Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông; do điều kiện không thể sửa đổi nghị định, thông tư nên cần tập trung giải quyết khó khăn trên thực địa, không máy móc về pháp lý; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đặc biệt là những quy định mới, phức tạp, dễ sai sót, đồng thời cần tăng cường học hỏi kinh nghiệm (như việc thí điểm thành công tại TP. Hồ Chí Minh), tiếp tục thành lập cho đủ văn phòng thừa phát lại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự sớm xây dựng kế hoạch kiểm tra; tiếp tục khảo sát, đánh giá tác động tới xã hội, đánh giá khả năng phát triển bền vững của nghề thừa phát lại ở giai đoạn tiếp theo.
Ngô Huyền