Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ Tư pháp; Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025; đại diện pháp chế một số bộ, ngành; đại diện một số tổ chức hành nghề luật sư; đại diện pháp chế các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận cùng phóng viên các cơ quan báo, đài, truyền hình đến đưa tin về Hội nghị.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của quốc gia thông qua việc ban hành các đạo luật cơ bản nhằm tạo hành lang pháp lý bảo đảm mọi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.
Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai đồng bộ Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp liên quan để: (i) Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các vướng mắc, bất cập; (ii) Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phố hợp liên ngành; huy động các nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (iii) Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hội nghị đã được nghe các bác cáo viên, chuyên gia pháp chế, luật sư trình bày một số tham luận: (i) Góc nhìn công nghệ trong việc xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (ii) Đẩy mạnh cơ chế phối hợp đa bên hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (iii) Triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” - Một số giải pháp; (iv) Một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Các đại biểu trình bày tham luận
Kết quả của công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp trong những năm qua đã giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển; hiểu biết pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động được nâng lên; các doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực và ấn tượng đã đạt được, công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp thời gian qua vẫn còn có những hạn chế, cần được khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm cần quan tâm một số vấn đề khi triển khai thực hiện Quyết định số 345/QĐ-TTg.
Thông qua Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng có những ý kiến đóng góp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Hải Việt