Tại Hội nghị, các đại biểu nhận định, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động bán đấu giá tài sản với việc quy định chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục bán đấu giá; giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất từ các hội đồng bán đấu giá sang cho các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện; các loại tài sản bán đấu giá cũng được mở rộng... Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP còn tồn tại những bất cập, hạn chế như:
Về thể chế, hiện nay có nhiều văn bản pháp luật khác khau cùng điều chỉnh hoạt động bán đấu giá, những điều khoản của các văn bản này không thống nhất với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, mâu thuẫn về trình tự, thủ tục bán đấu giá, về tổ chức bán đấu giá, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành và áp dụng pháp luật; một số quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP chưa rõ ràng, gây lúng túng trong quá trình thực hiện.
Về bán đấu giá quyền sử dụng đất, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cách thức chứng minh điều kiện về vốn và kỹ thuật hoặc khả năng tài chính của đối tượng đăng ký tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; chưa có quy định về hình thức chế tài đối với các trường hợp người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ nộp tiền; chưa quy định về trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy khỉ cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá.
![]() |
![]() |
Về đội ngũ đấu giá viên, tiêu chuẩn để trở thành đấu giá viên còn nới lỏng, do đó, Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP cần quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn đấu giá viên (ví dụ như: Đã có thời gian công tác liên quan trực tiếp đến công tác bán đấu giá từ 02 năm trở lên, nâng thời gian đào tạo nghề lên thành 06 tháng...).
Về bán đấu giá tài sản thi hành án, cần xác định rõ trách nhiệm giao tài sản cho người trúng đấu giá là cơ quan thi hành án dân sự và số tiền thu được từ bán đấu giá phải được chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự quản lý. Ngoài ra, cần quy định chi tiết vấn đề xuất hóa đơn trong trường hợp bán đấu giá tài sản để thi hành án dân sự.
Ngoài ra, quy định về niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản, thỏa thuận hủy kết quả đấu giá, phương thức bán đấu giá tài sản, quy định về phí và lệ phí... không còn phù hợp với thực tiễn và cần được sửa đổi.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu đã đạt được sau 4 năm triển khai thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Theo đó, Thứ trưởng nhận định: Các cơ quan trung ương và cấp ủy chính quyền địa phương đã nhận thức và đánh giá đúng vị trí, vai trò và có sự quan tâm cao đối với hoạt động bán đấu giá tài sản. Hoạt động bán đấu giá tài sản nhận được sự chung tay, góp sức, phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành có liên quan nên đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng ghi nhận như số lượng tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và đấu giá viên được phát triển nhanh chóng và có chất lượng.... Có thể thấy, sau 4 năm thi hành, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã thực sự đi vào cuộc sống góp phần thúc đẩy hoạt động bán đấu giá phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
![]() |
![]() |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nên trên, thì hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế. Do đó, để khắc phục những bất cập và nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động bán đấu giá tài sản, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt một số công việc như:
Một là, các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt đối với tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất, tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính, tài sản thi hành án.
Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức hành nghề theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại,...
Ba là, tăng cường hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản, có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, về nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp ở trung ương và địa phương trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá.
Bốn là, rà soát và hoàn thiện thể chế về đấu giá tài sản, giao cho Cục Bổ trợ tư pháp nghiên cứu, xây dựng Luật Đấu giá tài. Bán đấu giá tài sản thực chất là quan hệ dân sự, do đó, cần tăng cường sự thỏa thuận, tự nguyện trong việc sử dụng dịch vụ bán đấu giá tài sản, tăng cường tính tự chủ, linh hoạt của các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, đồng thời, đảm bảo, chú trọng các quy luật khách quan của thị trường trong quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản.
Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản.
Với tất cả những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng tin tưởng rằng, trong thời gian tới, lĩnh vực bán đấu giá tài sản sẽ tiếp tục phát triển bền vững, lành mạnh và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các cả nhân, tổ chức.
Bùi Huyền