Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Tư pháp có ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cùng đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ; đại diện UNICEF tại Việt Nam có bà Nguyễn Thanh Trúc, chuyên gia bảo vệ trẻ em; đại diện các chuyên gia pháp luật, cán bộ pháp chế đến từ một số cơ quan như: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các chuyên gia pháp luật quốc tế tại điểm cầu Paris; các cơ quan báo chí, truyền thông như: Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đến tham dự và đưa tin về Hội nghị. Ông Lê Vệ Quốc và bà Nguyễn Thanh Trúc cùng chủ trì Hội nghị.
Ở Việt Nam, đối với những hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên ngoài các biện pháp xử lý chính thức, mang tính mệnh lệnh, quyền lực nhà nước là xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự, còn có các biện pháp xử lý khác không mang tính quyền lực nhà nước như hòa giải, xử lý kỷ luật của nhà trường... Các biện pháp xử lý không chính thức này thường được áp dụng trọng những trường hợp để giải quyết những vi phạm nhỏ nhặt, các tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra trong đời sống hàng ngày.
Từ thực tiễn cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở nước ta trong những năm qua cũng còn một số hạn chế, bất cập như: Hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này trong nhiều trường hợp còn chưa đồng bộ và đầy đủ; việc hỗ trợ tạo điều kiện cho người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng sau khi các em ra khỏi trại giam hoặc trường giáo dưỡng còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập...
Mục đích của “Hội nghị trực tuyến tập huấn về tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên” là cung cấp cho các đại biểu tham dự hiểu hơn về những quy định, chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về quyền trẻ em liên quan đến tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên và sự tham gia của trẻ em; hiểu được những hình thức của tư pháp phục hồi và sự cần thiết hỗ trợ tư pháp phục hồi và lợi ích của nó khi áp dụng đối với người chưa thành niên; phương pháp lồng ghép tư pháp phục hồi vào hoạt động hòa giải các vụ việc vi phạm pháp luật mà đối tượng vi phạm là người chưa thành niên. Từ đó, các chuyên gia pháp luật, các nhà làm luật sẽ tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế áp dụng tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Tuy nhiên, điều căn bản là cần phải có những biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, để không xẩy ra những hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên và để không phải áp dụng các biện pháp tư pháp phục hồi vẫn là điều tốt đẹp nhất cho người chưa thành niên, các gia đình và các quốc gia trên toàn thế giới hướng tới./.