Qua hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư cho thấy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định, giữ vững quốc phòng và an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn dàn trải, hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chậm đổi mới; ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận cán bộ, nhân dân chưa chuyển biến rõ nét...
Để triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư và Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ được chất lượng, hiệu quả, đồng thời, khắc những tồn tại hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, có chiều sâu của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và nhân dân; bảo đảm việc tìm hiểu, học tập, chấp hành pháp luật trở thành công việc tự thân của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức và người dân, qua đó, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương cần triển khai một số nhiệm vụ, công việc cụ thể như:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát triển quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thi hành pháp luật, khâu đầu tiên là phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác này trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các bộ, ban ngành trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên của cơ quan, đơn vị mình và căn cứ vào nội dung Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện;
Hai là, lấy giáo dục pháp luật trong nhà trường làm nội dung trọng tâm của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
Ba là, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tập trung, ưu tiên nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm; đổi mới nội dung, hình thức, cách thức triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, địa bàn trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thông tin, phổ biến pháp luật của đối tượng, chú trọng hơn đến những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách các văn bản luật ngay từ quá trình soạn thảo văn bản;
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021”; xây dựng, vận hành Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật và Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia. Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kết nối liên thông, tăng cường công tác thông tin pháp luật cho người dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, Cổng/Trang Thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, cho phép người dân và doanh nghiệp cùng tham gia ngay từ đầu vào trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, cũng như cập nhật văn bản pháp luật. Phát huy vai trò của diễn đàn trực tuyến, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục quán triệt, triển khai toàn diện, đầy đủ Chỉ thị số 32-CT/TW, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thi hành pháp luật./.