Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò hết sức quan trọng, đây là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và cũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân. Những năm vừa qua, các bộ, ngành và toàn thể các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực và nỗ lực triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Với nhiệm vụ được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong cả nước và thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành, trong những năm qua, Bộ Tư pháp cũng đã tích cực chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm, chú trọng hơn, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, vì vậy, Hội thảo này là diễn đàn để các đại biểu cùng nhau thảo luận, trao đổi nhằm khắc phục những hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp nói riêng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung.
Hội thảo tiếp diễn với phần trình bày Báo cáo dẫn đề của đồng chí Đỗ Xuân Lân - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, đồng chí đã phân tích rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và phân công, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ; thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp - Những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Từ đó, đưa ra những bài học kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Báo cáo đã được Thứ trưởng và các đại biểu đánh giá là rất sâu sắc, toàn diện và thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm cao của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc quản lý về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Cũng tại Hội thảo, các biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận rất sôi nổi, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Phạm vi trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, của thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ; thực trạng triển khai, cơ chế phân công phối hợp, giao nhiệm vụ cho các đơn vị; thời cơ và thách thức đặt ra; quan điểm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp trong thời gian tới.
Thông qua ý kiến đóng góp của các đại biểu có thể thấy, các bộ, ngành, đoàn thể, trung ương và các địa phương cũng đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đã có nhiều cố gắng, dành nhiều sự quan tâm cho công tác này, vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc với nhiều mô hình mới, cách làm hay hiệu quả; nội dung phổ biến sát với đối tượng hơn; sự phối kết hợp công tác giữa Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương được thực hiện cơ bản là hiệu quả; bên cạnh đó, xuất hiện một số mô hình mới, cách làm hay hiệu quả đáng được ghi nhận trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: Tổ chức các cuộc thi trực tuyến, tổ chức sinh hoạt pháp luật theo chủ đề, thành lập các câu lạc bộ, tổ tư vấn tâm lý và tư vấn pháp luật…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã tổng kết lại những ý kiến đóng góp sâu sắc của các đại biểu tham dự, đồng thời nhấn mạnh, kết quả của Hội thảo sẽ là kênh tham khảo quan trọng để góp phần hoàn thiện Đề án quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ đạo, sau Hội thảo, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật phải tổng hợp đầy đủ kết quả của Hội thảo để báo cáo lãnh đạo bộ cho ý kiến và xem xét chỉ đạo theo hướng: Làm sâu sắc hơn chức năng quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật ở quy mô của Bộ Tư pháp, trong đó chú trọng hoàn thiện thể chế, hướng dẫn, tập huấn…; chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị rà soát và đề xuất hướng phân công nhiệm vụ cụ thể cho tường đơn vị của Bộ trong khâu phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật giúp lãnh đạo Bộ làm quản lý nhà nước còn các công việc cụ thể thì do các đơn vị khác làm; phải có những hoạt động cụ thể để kết nối các đơn vị trong Bộ Tư pháp với nhau; đề xuất những định hướng lớn của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới…