Giám sát là một trong 03 chức năng của Quốc hội. Từ khi có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, hoạt động giám sát đã dần đi vào nề nếp, ngày càng được cải thiện và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hoạt động này hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, hiệu quả giám sát chưa cao. Chính vì vậy, nhiệm vụ chính được đặt ra trong Hội thảo này là phân tích, đánh giá thực trạng ban hành, bảo đảm thi hành kết luận giám sát, từ đó đưa ra những giải pháp, định hướng giúp cho việc giám sát được hoàn thiện hơn, đạt hiệu quả cao trong thực tiễn.
Giám sát của Quốc hội được thực hiện qua những hoạt động như: Giám sát theo chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét các báo cáo công tác, lấy phiếu tín nhiệm…, trong đó, chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động giám sát có hiệu quả nhất. Đánh giá về hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hiện còn kém hiệu quả, có chuyển biến nhưng lại rất chậm, mang tính hình thức. Cụ thể như: Việc cung cấp thông tin, xử lý thông tin chưa tốt nên việc đặt câu hỏi chất vấn, ra kết luận giám sát chưa đảm bảo chất lượng, nội dung nghị quyết còn chung chung, chưa sát thực tiễn, tính khả thi không cao; việc giám sát dường như chỉ để tìm hiểu thông tin, truy vấn kết tội như bản án hay tương tự như hoạt động thanh tra mà chưa thể hiện đúng bản chất giám sát; nhiều kết luận giám sát không được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ hoặc còn hình thức, đối phó mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do Quốc hội không trực tiếp thực hiện các chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm mà chỉ theo dõi, đôn đốc, đề nghị báo cáo kết quả thực hiện; việc trả lời chất vấn chưa đúng, chưa trúng câu hỏi…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra những giải pháp, định hướng chủ yếu nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội như:
- Phải nâng cao tính trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm cụ thể (trách nhiệm cá nhân) đối với đối tượng chịu sự giám sát khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ kết luận giám sát. Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát, những người tín nhiệm thấp thì buộc phải từ chức.
Mặt khác, cũng có quan điểm đề cao về trách nhiệm chính trị, trách nhiệm tập thể của đối tượng chịu sự giám sát.
- Cần nâng cao ý thức, năng lực, bản lĩnh chính trị của chủ thể giám sát, bởi đây là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến giá trị của kết luận giám sát.
- Bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền, chế tài, quy trình xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi vi phạm.
- Cần có cơ chế cụ thể, hữu hiệu đối với giám sát việc thực hiện kết luận giám sát (giám sát của giám sát); có thể sử dụng công cụ mềm như báo chí, công luận… để nâng cao hiệu quả hoạt động này.