Tại báo cáo dẫn đề Hội thảo, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới cần dựa trên các cơ sở pháp lý cụ thể, trong đó có Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ quốc hội khóa XV.
Định hướng chung hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Bộ Tư pháp xác định định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp thời gian tới là: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghiên cứu, xây dựng các dự án luật để thực hiện cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; ưu tiên nghiên cứu, xây dựng các dự án luật bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án có nội dung mâu thuẫn chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm khả thi và phù hợp với thực tiễn. Hội thảo cũng nhận diện một số lĩnh vực pháp luật cần có định hướng nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp bao gồm: Pháp luật hình sự - hành chính, pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật về bổ trợ tư pháp, pháp luật về nuôi con nuôi, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm, pháp luật về tương trợ tư pháp về dân sự, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.
Tại Hội thảo, các đại biểu nghe các tham luận, tiến hành thảo luận, phân tích thực trạng, đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến các vấn đề cụ thể như: Việc hoàn thiện pháp luật về công chứng; xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi; hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp trong giai đoạn mới.
Hội nghị cũng nghe chuyên gia của Dự án JICA chia sẻ về việc xác định các định nội dung định hướng trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Nhật Bản, qua đó giúp Bộ Tư pháp Việt Nam rút ra được những kinh nghiệm trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp trong thời gian tới.