Nhằm thảo luận về một số định hướng lớn của Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và nghe các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện trợ giúp pháp lý của một số nước trên thế giới, ngày 28 và 29/3/2016, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với một số tổ chức của Liên Hợp quốc tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về trợ giúp pháp lý. Ông Lê Thành Long - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Trung tâm Trợ giúp pháp lý các tỉnh, thành phố; đại diện Bộ Tài chính; Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women), các chuyên gia quốc tế đến từ Văn phòng Luật sư công của Phillippines, đại diện tổ chức HWL Ebsworth Lawyers (Australia)... cùng đông đảo các chuyên gia pháp lý, phóng viên báo, đài.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, công tác trợ giúp pháp lý có vai trò hết sức quan trọng của trong quá trình thực hiện mục tiêu "công bằng" trong 5 mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong 9 năm qua, việc triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do sự thay đổi lớn về mặt thể chế và yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn, nên Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: Quan niệm về trợ giúp pháp lý chưa rõ ràng, một số quy định về người được trợ giúp pháp lý chưa bao quát hết nội dung trong Công ước về các quyền dân sự, chính trị của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam tham gia, tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước được thành lập theo Luật Trợ giúp pháp lý không còn phù hợp với thực tiễn, hệ thống trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm tính độc lập tương đối... Chính vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) là hết sức cần thiết. Từ yêu cầu thực tiễn đó, Quốc hội đã đưa Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Thứ trưởng Lê Thành Long đề nghị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý, cần tập trung xem xét thảo luận những nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật, người được trợ giúp pháp lý và hình thức, lĩnh vực thụ hưởng; người thực hiện trợ giúp pháp lý, việc tổ chức hệ thống trợ giúp pháp lý và các trình tự, thủ tục yêu cầu, thực hiện trợ giúp pháp lý. Đây là những vấn đề Bộ Tư pháp cần được tham mưu, giúp cho việc sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý phù hợp với xu hướng chung của thế giới và đáp ứng được thực tiễn của hoạt động trợ giúp pháp lý tại Việt Nam.
Giới thiệu chi tiết hơn về những định hướng cơ bản xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết, sau khi nghiên cứu và tiếp thu ý kiến tại các cuộc họp, Bộ Tư pháp đã đưa ra những nội dung lớn dự kiến trong Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Theo đó, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) dự kiến chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội về trợ giúp pháp lý do Nhà nước bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước (nghĩa là, Luật này quy định về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý do Nhà nước bảo đảm từ nguồn ngân sách, bao gồm các tổ chức Nhà nước thành lập để chuyên thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước) và các tổ chức xã hội nhận tiền của Nhà nước để thực hiện trợ giúp pháp lý); không điều chỉnh đối với các hoạt động trợ giúp pháp lý theo nghĩa vụ của luật sư, hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý tự nguyện của các tổ chức, cá nhân khác. Dự thảo Luật sẽ sửa đổi một số quy định về người được trợ giúp pháp lý bảo đảm đồng bộ với các văn bản ban hành sau Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; bổ sung đối tượng được trợ giúp pháp lý cho phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, Công ước quốc tế và nhu cầu phát sinh từ thực tiễn; giới hạn lĩnh vực và hình thức được thụ hưởng tương ứng với từng đối tượng đặc thù; sửa đổi quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức trợ giúp pháp lý...
Tiếp theo, các chuyên gia quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác trợ giúp pháp lý tại nước mình với một số nội dung cụ thể như:
Về hệ thống trợ giúp pháp lý, theo đại diện Văn phòng Luật sư công của Isarel, thì nước này có hai hệ thống trợ giúp pháp lý là trợ giúp pháp lý dân sự và trợ giúp pháp lý hình sự; cơ quan trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp thực hiện trợ giúp pháp lý trong những vấn đề dân sự cho những người nộp đơn mà không đủ điều kiện tài chính, những người được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý; trợ giúp pháp lý bao gồm những hình thức tư vấn pháp luật và chủ yếu tập trung vào đại diện trong các diễn đàn pháp luật, do những luật sư được cơ quan trợ giúp pháp lý bổ nhiệm thực hiện. Ở Australia, có các loại hình tổ chức trợ giúp pháp lý như: Các Ủy ban Trợ giúp pháp lý (mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ có một Ủy ban Trợ giúp pháp lý); các tổ chức trợ giúp pháp lý cho thổ dân và người dân quần đảo eo biển Torres; các Trung tâm Trợ giúp pháp lý cộng đồng; dịch vụ thiện nguyện (do một số tổ chức phi Chính phủ và luật sư tư thực hiện miễn phí).
Về người được trợ giúp pháp lý, chuyên gia người Israel cho biết, Luật Trợ giúp pháp lý dân sự của Israel được ban hành vào năm 1972, từ đó đến nay một số quy định đã được sửa đổi nhằm mở rộng diện được trợ giúp pháp lý. Cụ thể, trong những năm qua, hoạt động của Cơ quan Trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp (đảm nhiệm thực hiện trợ giúp pháp lý trong những vấn đề dân sự cho những người nộp đơn không đủ điều kiện tài chính, những người được quy định trong Luật) được mở rộng. Theo đó, bao gồm cả trợ giúp pháp lý cho bệnh nhân tâm thần trước Ủy ban tâm thần, tham gia tố tụng dân sự cho các nạn nhân của nạn buôn bán người và đại diện cho người chưa thành niên nước ngoài trước Tòa án thẩm định giam giữ.
Theo đại diện đến từ Philippines, thì Văn phòng Luật sư công - Văn phòng Luật sư chính của Chính phủ Philippines chịu trách nhiệm cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các khách hàng khác thuộc đối tượng quy định trong các vụ án hình sự, dân sự, lao động, hành chính và các vụ việc bán tư pháp khác. Ngoài ra, đối với những nhóm đối tượng gặp những thiệt thòi nhất định, Văn phòng Luật sư công có thể thiết kế và áp dụng một số quy tắc, tiêu chuẩn đặc biệt để giải quyết các vấn đề của họ kịp thời và đầy đủ, cụ thể bao gồm: Những người phụ nữ là nạn nhân bạo hành theo Luật Chống bạo hành phụ nữ và trẻ em, những người khuyết tật, trẻ em bị xung đột quyền lợi theo pháp luật, nông dân, người tị nạn, nạn nhân bị tra tấn...
Về người thực hiện trợ giúp pháp lý: Ở Isarel, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải là luật sư (có bằng luật và giấy chứng nhận đã qua kỳ thi luật sư sau khi hoàn thành khóa thực tập với một luật sư hành nghề); đối với những luật sư ngoài, họ được chấp nhận ghi danh vào danh sách thực hiện trợ giúp pháp lý sau khi phỏng vấn và đào tạo; những luật sư nội bộ là công chức nhà nước và những điều luật về việc chấp nhận họ khác với luật sư ngoài; công việc của luật sư ngoài được giám sát và đánh giá bởi các luật sư nội bộ của Văn phòng Luật sư công một cách thường xuyên, để bảo đảm đại diện chất lượng cao. Pháp luật Isarel không yêu cầu những người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia liên tục vào những khóa đào tạo kỹ năng, tuy nhiên, một phần trách nhiệm của họ là đảm bảo việc tham gia tố tụng đầy đủ. Ở Ailen, người thực hiện trợ giúp pháp lý là luật sư. Nhà nước tuyển các luật sư vào làm việc tại các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và điều phối nguồn kinh phí hoạt động trợ giúp pháp lý bằng việc chi trả thù lao cho các luật sư ký hợp đồng cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. Ở Argentina, người thực hiện trợ giúp pháp lý chủ yếu là luật sư công được Nhà nước tuyển dụng và trả lương.
Về tổ chức trợ giúp pháp lý, hiện nay, hầu hết hệ thống trợ giúp pháp lý các nước được tổ chức theo ngành dọc (ví dụ như: Bang Victoria, Bang New South Wales (Úc), Philippines, Ailen, Hà Lan, Moldova, Nam Phi, Israel, Mỹ, Nhật Bản). Thực tiễn vận hành mô hình quản lý này ở các nước trên thế giới đã chứng minh tính hợp lý, hiệu quả, phù hợp với bản chất công tác trợ giúp pháp lý. Theo đó, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) dự kiến quy định tổ chức trợ giúp pháp lý theo ngành dọc, nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay về mặt tổ chức, bảo đảm cơ chế vận hành có hiệu quả.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội thảo cùng trao đổi về một số nội dung khác như:
Về nguồn kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, cần quy định rõ tài chính dành cho hoạt động trợ giúp pháp lý trong Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) với các nguồn hình thành như sau: Nhà nước bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết cho công tác trợ giúp pháp lý; đồng thời khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ cho công tác trợ giúp pháp lý và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
Về trợ giúp pháp lý cho một số đối tượng khác như: Người nhiễm HIV không có điều kiện thuê luật sư, người thuộc hộ cận nghèo, người dưới 18 tuổi bị tước quyền tự do...
Phát biểu kết luận hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh hy vọng rằng, những kinh nghiệm mà các chuyên gia quốc tế chia sẻ và ý kiến góp ý của các nhà khoa học sẽ là tư liệu để Ban Soạn thảo tham khảo, góp phần xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) mang tính ổn định, nhằm đưa công tác trợ giúp pháp lý ở Việt Nam phát triển bền vững.