Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, bà Angelika Schlunck - Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Cộng hòa liên bang Đức; bà Frauke Bachler - Giám đốc Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật IRZ.
Đạo đức công vụ là đạo đức của người cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ; là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc điều chỉnh thái độ, hành vi, các xử sự, chức trách, bổn phận, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ. Đạo đức công vụ có vai trò rất quan trọng, là yếu tố quyết định chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cũng như xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, một Nhà nước pháp quyền thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị số 1973/CT-TTg ngày 07/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày 03/10/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2659/QĐ-BTP về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp.
Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể hiện nổi bật tinh thần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức, cách mạng, về công tác tư pháp và người cán bộ tư pháp. Chuẩn mực đạo đức cũng được xây dựng trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách, quy định của Đảng, theo tinh thần của tư tưởng Hồ Chí Minh như Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X xác định nhiệm vụ: “Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên bản lĩnh vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiên phong gương mẫu, có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận, ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nội dung liên quan đến sự cần thiết nâng cao ý thức thực hiện đạo đức công vụ của công chức, viên chức của Ngành Tư pháp; giải pháp thúc đẩy thực hiện các chuẩn mực đạo đức của chấp hành viên, quy tắc hành nghề của các chức danh tư pháp (luật sư, công chứng, đấu giá viên...); các chuẩn mực quốc tế được đề xuất của Nhóm làm việc về phòng chống tham nhũng G20 và OECD; quy trình xây dựng pháp luật của Cộng hòa liên bang Đức và Liên minh châu Âu - Các biện pháp bảo đảm công khai, minh bạch của Chính phủ và luật về vận động hành lang. Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở và là nguồn tham khảo hữu ích để Bộ, Ngành Tư pháp tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp, cũng như các nội dung trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.
Hải Việt