Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, nói tới chức năng kinh tế của Nhà nước là nói tới các mặt hoạt động liên quan tới vai trò của Nhà nước với tư cách chủ thể quản lý nền kinh tế và là một chủ thể hoạt động kinh tế. Chức năng kinh tế của Nhà nước gắn liền với mô hình phát triển kinh tế, mỗi mô hình phát triển kinh tế lại có những đòi hỏi riêng đối với chức năng kinh tế của Nhà nước. Nghiên cứu chức năng kinh tế của Nhà nước dưới góc độ pháp lý cần quan tâm trước hết tới vấn đề phạm vi chức năng kinh tế của Nhà nước (tức là những loại hoạt động kinh tế nào mà Nhà nước có thể thực hiện được theo quy định của pháp luật) và Nhà nước sử dụng công cụ pháp luật như thế nào để tác động vào hoạt động của nền kinh tế. Pháp luật, mà trước hết là Hiến pháp và các đạo luật chính là những công cụ đầu tiên để xác định chức năng kinh tế của Nhà nước. Muốn bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện chức năng kinh tế, Hiến pháp và các đạo luật của Quốc hội cần quy định rõ những hoạt động kinh tế và những hoạt động quản lý kinh tế mà Nhà nước có thể thực hiện.
Nhìn lại chức năng kinh tế của Nhà nước trong 30 năm đổi mới có thể thấy rằng, so với trước đổi mới, chức năng kinh tế của Nhà nước đã có bước thay đổi khá căn bản, dư địa hoạt động kinh tế của Nhà nước đã từng bước được giới hạn. Điều đó được thể hiện cụ thể là khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng, khuyến khích phát triển, khu vực kinh tế nhà nước được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được tạo điều phát triển, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do Nhà nước thành lập và trực tiếp quản lý để tiến hành hoạt động kinh doanh thuần túy ngày càng giảm về số lượng và được đa dạng hóa chủ sở hữu thông qua cơ chế cổ phần hóa hoặc các cơ chế có liên quan.
Theo đó, chức năng kinh tế của Nhà nước thể hiện trên một số lĩnh vực cụ thể như:
Chức năng kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên: Trên cơ sở các quy định pháp luật vể quản lý nhà nước, chức năng kinh tế của Nhà nước nói chung và trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên được thể hiện trên 5 nội dung cơ bản là: Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý và sử dụng đất đai và tài nguyên; xây dựng hệ thống pháp luật và đổi mới công cụ, chính sách kinh tế vĩ mô; xây dựng kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế; kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất đai và tài nguyên; bảo vệ, bảo tồn và xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai và tài nguyên. Mặc dù, cơ sở pháp lý về chức năng kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên ngày càng hoàn thiện, nhưng vẫn chưa phát huy đầy đủ việc sử dụng hiệu quả đất đai và tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững của đất nước. Vấn đề quản lý nhà nước về đất đai và tài nguyên bộc lộ những bất cập, yếu kém ảnh hưởng đến sự ổn định cuộc sống của một bộ phận dân cư, chưa ngăn chặn được tiêu cực và tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên. Theo đó, trong giai đoạn tiếp theo, cần tiếp tục khẳng định vai trò của đất đai và tài nguyên là cơ sở thiết yếu, điều kiện, nguồn lực quan trọng và là cơ hội để các thế hệ hôm nay và mai sau tồn tại và phát triển; cần hoàn thiện pháp luật thực thi chính sách sở hữu toàn dân đối với đất đai, tài nguyên đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước là đại diện của sở hữu toàn dân; coi trọng việc bảo vệ và phát huy các nguồn lực là lợi thế về đất đai, tài nguyên để phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa; đưa chức năng kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên trở thành trụ cột chính để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Chức năng kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính: Để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về quản lý kinh tế trong từng thời kỳ, hệ thống pháp luật dân sự, kinh tế được ban hành đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Trong đó, hệ thống pháp luật tài chính luôn giữ vai trò quan trọng. Việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, ngân sách, thuế, phí, lệ phí, dự trữ quốc gia, quản lý giá, kế toán, chứng khoán... đã góp phần quan trọng trong việc khơi thông các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo sự công bằng, bình đẳng trong xã hội; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ứng phó linh hoạt với các thách thức do khủng hoảng và suy thoái kinh tế đặt ra. Các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính đã thiết lập các chuẩn mực để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực tài chính, từ phân phối, động viên tài chính, đến kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính phát sinh trong nền kinh tế.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, tại Chiến lược tài chính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì mục tiêu, yêu cầu và phương thức quản lý nhà nước của Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2020 gắn với 3 quan điểm chủ đạo: Thứ nhất, tài chính là huyết mạch của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, mở đường nhằm thực hiện phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; thứ hai, phát triển nền tài chính quốc gia theo hướng hiệu quả, toàn diện, hợp lý và công bằng, trong đó ưu tiên nâng cao hiệu quả là nội dung xuyên suốt trong toàn bộ thời kỳ chiến lược; thứ ba, quản lý tài chính bằng pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật tài chính và hiện đại hóa nền tài chính quốc gia. Để thực hiện được những mục tiêu, yêu cầu này, cần đưa ra định hướng cụ thể về hoàn thiện pháp luật tài chính (những lĩnh vực cần hoàn thiện là pháp luật về thuế; tài chính, ngân sách; nợ công; quản lý, sử dụng tài sản công; bảo hiểm; chứng khoán; kế toán - kiểm toán; tài chính doanh nghiệp) và xác định rõ ràng những giải pháp nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Chức năng kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Chức năng này được thể hiện: Nhà nước đã từng bước xác định hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, cụ thể, Hiến pháp năm 1992 ra đời khẳng định đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định sự bình đẳng của các thành phần kinh tế trước pháp luật. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định các thành phần kinh tế đều là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng, cạnh tranh, cùng phát triển. Bên cạnh đó, không ngừng hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư. Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, các đạo luật quan trọng của nền kinh tế thị trường là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản đều được ban hành năm 2014 nhằm tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Đại diện Học viện Khoa học - Xã hội cho rằng, đã có những thay đổi quan trọng trong nhận thức về chức năng kinh tế của Nhà nước ở nước ta trong 30 năm qua, điều đó được thể hiện cụ thể như: (i) Từ chủ trương xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, xóa bỏ các quan hệ thị trường, xóa bỏ khu vực kinh tế tư nhân, đã từng bước thừa nhận, hợp pháp hóa sự tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân đến coi khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân hiện nay không còn là đối tượng chịu sự điều hành trực tiếp của Nhà nước, mà Nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý vĩ mô, tạo hành lang pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; (ii) Từ khuyến khích phát triển ồ ạt xí nghiệp quốc doanh đến cải cách doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc nền kinh tế; (iii) Đổi mới cách thức thực hiện quyền sở hữu đất đai theo hướng thị trường hóa các quan hệ đất đai trong khi vẫn giữ nguyên tắc sở hữu toàn dân đối với đất đai; (iv) Chức năng cung cấp dịch vụ công được xã hội hóa; (v) Coi trọng chức năng tạo lập môi trường thể chế cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ngày càng đề cao vai trò của pháp luật trong quản lý và kiến tạo xã hội, đặc biệt là các đạo luật phục vụ hoạt động kinh tế luôn được ưu tiên cao trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều đồng ý rằng, một trong những nội dung cải cách quan trọng ở nước ta 30 năm qua chính là sự đổi mới chức năng kinh tế của Nhà nước trong bối cảnh Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó đề cao nguyên tắc giới hạn, kiểm soát quyền lực nhà nước và thượng tôn pháp luật; sự phân định vai trò, chức năng của Nhà nước với vai trò, chức năng của thị trường ngày càng hợp lý hơn; Nhà nước không làm thay thị trường và tranh kinh doanh với dân trong những ngành nghề, lĩnh vực mà người dân có thể làm tốt và làm hiệu quả hơn Nhà nước.