Tại buổi Hội thảo, các đại biểu nghe công bố kết quả nghiên cứu của hai đề tài khoa học cấp Bộ: (1) Đề tài “Nghiên cứu tính thống nhất giữa Bộ luật Hình sự trong việc quy định các tội phạm với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam” do GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Chuyên gia cao cấp, trường Đại học Luật Hà Nội làm Chủ nhiệm đề tài; (2) Đề tài “Luận cứ khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Trợ giúp pháp lý” do TS. Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý làm Chủ nhiệm đề tài.
Mở đầu, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tính thống nhất giữa Bộ luật Hình sự trong việc quy định các tội phạm với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam” đã trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài, bao gồm những nội dung cơ bản như: Yêu cầu về tính thống nhất của Bộ luật Hình sự, đánh giá tính thống nhất giữa Bộ luật Hình sự Việt Nam trong quy định tội phạm đối với các luật khác, đánh giá mức độ đáp ứng của Bộ luật Hình sự Việt Nam đối với yêu cầu tội phạm của các luật khác và những kiến nghị nhằm đảm bảo tính thống nhất của Bộ luật Hình sự Việt Nam với các luật khác trong quy định tội phạm.
Thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài “Luận cứ khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Trợ giúp pháp lý”, đồng chí Vũ Thị Thu (Cục Trợ giúp pháp lý) đã trình bày bối cảnh trong nước và quốc tế đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý, nhận diện những bất cập của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2016, những đề xuất cụ thể nhằm sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý. Đồng chí Thu cũng cho biết, Đề tài được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu toàn diện các khía cạnh lý luận khoa học, pháp lý, chính trị, kinh tế, xã hội và thực tiễn của hoạt động TGPL. Các nhiệm vụ của Đề tài đã được hoàn thành. Cụ thể như: (i) Đề tài đã đưa ra cơ sở lý luận, khoa học về các vấn đề chủ yếu liên quan đến hoạt động TGPL: Lịch sử hình thành, bản chất, khái niệm TGPL, quyền được TGPL và người được TGPL, TGPL với ý nghĩa là trách nhiệm xã hội của Nhà nước, yêu cầu điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động TGPL, yêu cầu Nhà nước phải tổ chức triển khai hoạt động TGPL cũng như bảo đảm chất lượng TGPL...; (ii) Đề tài đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh tương đối toàn diện về hoạt động TGPL ở nước ta hiện nay. Những luận điểm và phát hiện của Đề tài bám sát thực trạng công tác TGPL hiện nay. Đề tài đã nhận diện một cách khách quan, chính xác và tương đối đầy đủ các hạn chế, bất cập và về thể chế (Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006) và triển khai thực hiện công tác TGPL; (iii) Đề tài đã đề xuất những định hướng cơ bản có giá trị thiết thực cho việc xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); (iv) Phương pháp nghiên cứu phù hợp, đáng tin cậy. Thông tin, số liệu được thu thập từ các nguồn đa dạng: điều tra xã hội học (qua bảng hỏi, phỏng vấn sâu); nguồn sơ cấp khác (báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và của các tổ chức về TGPL; thực tiễn công tác quản lý nhà nước về TGPL...); (vi) Kinh nghiệm nước ngoài về TGPL được thu thập, nghiên cứu và đánh giá khá sâu sắc, toàn diện trên phạm vi tương đối rộng (các nước phát triển, đang phát triển và các nước trong quá trình chuyển đổi).
Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội thảo cũng có những câu hỏi xung quanh một số vấn đề liên quan đến phạm vi nghiên cứu của hai đề tài.