Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Quá trình hình thành và phát triển của công chứng, chứng thực; phân biệt công chứng với chứng thực; việc lựa chọn thực hiện công chứng, chứng thực của người dân; giá trị pháp lý của văn bản công chứng, chứng thực; tình trạng giả mạo giấy tờ, tài liệu trong hoạt động công chứng; một số vướng mắc trong công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất; vấn đề công chứng liên quan đến tài sản chỉ có một người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất; xã hội hóa hoạt động công chứng.
Theo Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực thì công chứng và chứng thực được phân biệt bởi thẩm quyền thực hiện (do Phòng Công chứng thực hiện là văn bản công chứng còn do Ủy ban nhân dân thực hiện là văn bản chứng thực). Luật Công chứng năm 2006, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 08/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã có sự tách bạch rõ ràng hơn khi phân biệt công chứng, chứng thực cả về thẩm quyền, đối tượng, nội dung và phạm vi công chứng, chứng thực. Đến Luật Công chứng năm 2014, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 79/2007/NĐ-CP) thì việc phân biệt công chứng, chứng thực rõ rệt nhất là ở nội dung hay tính chất của việc chứng nhận (đối tượng và thẩm quyền thực hiện đã có những điểm trùng nhau giữa công chứng và chứng thực). Có thể hiểu một cách ngắn gọn là, công chứng phải chứng nhận cả về nội dung và hình thức của đối tượng còn chứng thực chỉ chứng nhận về hình thức. Do đó, giá trị về độ an toàn của văn bản công chứng cao hơn chứng thực (mặc dù pháp luật hiện hành không quy định phân biệt là trường hợp nào phải công chứng và trường hợp nào phải chứng thực nên giá trị pháp lý của hai loại này là như nhau). Cũng chính bởi vậy, khi lựa chọn công chứng hay chứng thực, người dân cần cân nhắc, nếu hợp đồng, giao dịch giữa những người thân quen, đối tượng là tài sản có giá trị nhỏ, thông tin tài sản rõ ràng… thì có thể chọn chứng thực còn ngược lại thì nên chọn công chứng. Tuy nhiên, có một thực tế là, người dân thường muốn lựa chọn chứng thực thay vì công chứng bởi thủ tục đơn giản mà chi phí lại thấp.
Một vấn đề được các đại biểu đặc biệt lưu tâm đó là khả năng rủi ro đối với công chứng viên hiện nay là rất cao bởi những hành vi lừa đảo, kỹ năng giả mạo giấy tờ, tài liệu ngày càng tinh vi, không chỉ giả mạo về chữ ký, con dấu, phôi văn bằng, giấy chứng nhận… mà còn giả mạo cả con người. Việc phát hiện (nghi ngờ) có sự giả mạo, công chứng viên thường dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp, niềm tin nội tâm, làm nhiều trở thành kỹ năng phân biệt… Tuy nhiên, với công nghệ ngày càng phát triển thì nghề công chứng viên cũng cần có những giải pháp để khắc phục khó khăn, bảo đảm an toàn.
Thế chấp quyền sử dụng đất là một trong những giao dịch cơ bản, phổ biến trong các giao dịch về quyền sử dụng đất. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất không những phải được công chứng, chứng thực mà còn phải thực việc đăng ký và vào sổ địa chính. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đã gặp phải một số bất cập, vướng mắc gây khó khăn không nhỏ cho cả tổ chức hành nghề công chứng và người đi công chứng, có thể kể đến như: (i) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã từ chối đăng ký hợp đồng vì khi kiểm tra, đối chiếu hồ sơ địa chính gốc phát hiện quyền sử dụng đất không đủ điều kiện thế chấp hay cho rằng chưa có hướng dẫn để thực hiện (đối với thế chấp nhà hình thành trong tương lai). Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan đăng ký đã “lấn sân” hoạt động của cơ quan công chứng, bởi mục đích đăng ký này là để đối kháng với người thứ ba, làm cơ sở để xác định thứ tự thanh toán khi tổ chức tín dụng thu hồi nợ; còn hợp đồng thế chấp có hợp pháp hay không lại thuộc chức năng của bên công chứng. (ii) Thực hiện trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thỏa thuận chỉ đứng tên một người là vợ hoặc chồng. Vấn đề này tồn tại hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc thỏa thuận đứng tên một người đơn giản chỉ là thay mặt đứng tên nên khi quyết định cần có sự thỏa thuận, đồng ý, ký tên của bên kia. Còn theo quan điểm thứ hai, việc thỏa thuận đứng tên một người trên giấy chứng nhận đồng nghĩa với việc đồng ý cho người đứng tên toàn quyền quyết định, thậm chí còn có thể hiểu đây là thỏa thuận tài sản riêng. Thực tế, đa số tổ chức hành nghề công chứng yêu cầu người đứng tên chứng minh tài sản riêng hoặc có thỏa thuận tài sản riêng hoặc xác nhận tình trạng hôn nhân; nhưng một số tổ chức hành nghề công chứng lại không yêu cầu thủ tục này.