Theo ý kiến phát biểu của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tại buổi hội thảo thì Hiến pháp năm 2013 quy định một cách đầy đủ, toàn diện hơn về quyền con người, quyền công dân. Có đại biểu đánh giá đây là điểm thay đổi lớn và sáng giá nhất của Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đây. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại Chương II, Hiến pháp năm 2013 và có nhiều điểm mới, nhiều sửa đổi, bổ sung như: Ghi nhận nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân (khoản 2, Điều 14); khẳng định rõ hơn các nguyên tắc ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam (Điều 15, Điều 16); bổ sung một một số quyền mới của công dân (quyền được sống, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền được hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, quyền xác nhận dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp, quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Việc ghi nhận các quyền mới là phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, thể hiện sự nhận thức ngày càng rõ hơn của chúng ta về vấn đề quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về thực hiện quyền con người, điều này cũng phù hợp với xu thế của thế giới trong việc ghi nhận trong Hiến pháp các quyền con người.
Về phía Bộ Tư pháp, vai trò của Bộ Tư pháp trong việc bảo vệ quyền con người ngày càng được thể hiện rõ nét thông qua những chức năng, nhiệm vụ được giao như: Thẩm định các dự án luật, pháp lệnh để Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội; thẩm định dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ; tham gia ý kiến về dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; là cơ quan thường trực của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương; đào tạo bồi dưỡng thẩm phán và các chức danh tư pháp khác; quản lý nhà nước về thi hành án dân sự; quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách; quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản; quản lý và thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm...
Theo dự kiến, sắp tới có đến 28 đạo luật cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Trong 28 văn bản này, có 12 văn bản thuộc lĩnh vực quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Theo kế hoạch trên thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm rất nặng nề trong việc rà soát, thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người. Để làm được điều này, Bộ Tư pháp sẽ phải có những giải pháp mạnh mẽ, thậm chí phải thành lập một hội đồng tư vấn để thẩm định, xem xét tất cả những luật này nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trên tinh thần, nội dung của Hiến pháp.
PV