Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Duy Lãm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp nhấn mạnh, Hội thảo này nhằm mục đích giới thiệu nội dung Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và thông tin những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đồng thời xin ý kiến góp ý của doanh nghiệp về Dự án Luật, qua đó đề xuất với cơ quan soạn thảo Luật để nghiên cứu, hoàn chỉnh Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.
Tiếp theo, Hội thảo đã nghe phần trình bày tham luận về một số vấn đề cụ thể như: Giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhận xét về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; bình luận về hỗ trợ cơ bản doanh nghiệp nhỏ và vừa; bình luận về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sau khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; đánh giá chung về công tác quản lý nhà nước trong Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sau đó, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận sôi nổi xung quanh những nội dung nêu trên.
Về những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự thảo ngày 19/2/2017): Dự thảo Luật bao gồm 04 chương (Chương I: Những quy định chung, Chương II: Nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương III: Quản lý nhà nước và trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương IV: Điều khoản thi hành), 40 điều quy định về các nguyên tắc, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguồn lực, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể:
- Dự thảo Luật quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và hành vi bị cấm trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Nội dung hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin và tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
- Quản lý nhà nước và trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm những vấn đề cơ bản như: Nội dung quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; vấn đề công khai, giám sát, đánh giá hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; xử lý vi phạm trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ý kiến của các đại biểu về một số nội dung cụ thể của Dự thảo Luật:
- Những thành công cơ bản của Dự thảo Luật:
(i) Dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở quán triệt một cách sâu sắc và nhất quán một quan điểm, theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải được coi là một công việc lâu dài, thuộc chức năng kinh tế của Nhà nước;
(ii) Dự thảo Luật này đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các luật khác có liên quan, theo đó Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là luật gốc, luật cơ bản còn các luật liên quan khác là luật chuyên ngành;
(iii) Dự thảo Luật không chỉ quy định về quyền của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn ghi nhận tương đối đầy đủ cơ chế (cách thức, biện pháp, trình tự, thủ tục) để các doanh nghiệp này có thể thực hiện được quyền của mình;
(iv) Dự thảo Luật đã hạn chế đến mức thấp nhất việc giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành các điều khoản trong luật.
- Một số hạn chế của Dự thảo Luật:
(i) Về những quy định chung: Cần xem xét lại quy định về đối tượng được hưởng hỗ trợ, vì theo Dự thảo thì Luật này có đối tượng áp dụng rộng, bao gồm tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phân biệt chế độ sở hữu, ngành nghề kinh doanh đều được hưởng các biện pháp hỗ trợ; Luật chưa làm rõ các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) có quyền ban hành văn bản pháp luật để quy định về chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại địa phương mình hay không?
(ii) Về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần tạo động lực cho các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp bằng cách quy định rõ thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục tối thiểu 03 năm là nhằm mục tiêu gì? Quy định cụ thể trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh được kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Quy định của Dự thảo Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo cũng chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cần quy định việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cần gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ.
(iii) Về công tác quản lý nhà nước đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, đặc biệt chú trọng hơn đến việc hỗ trợ đầu vào như mặt bằng, đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ đăng ký chuyển quyền về tài sản từ hộ kinh doanh thành tài sản của doanh nghiệp (đây là việc rất lớn, hiện có nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự, Luật Thuế...), các vấn đề về pháp lý có liên quan, bởi lẽ “đầu vào” có tốt, thông thoáng, hiệu quả thì nhất định sẽ có "đầu ra" sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn. Mặt khác việc hỗ trợ sẽ mang tính khả thi hơn bởi không mất quá nhiều nguồn lực. Ngoài ra, Dự thảo Luật cần quy định về việc thành lập Hội đồng khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trung ương và địa phương (đặc biệt là ở địa phương). Bên cạnh đó, cần chú trọng đến vai trò của các hội, hiệp hội đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Trên cơ sở các thông tin công khai, minh bạch, ngoài các chính sách được định lượng cụ thể (trong luật này và các luật chuyên ngành khác), các đối tượng hỗ trợ cần có đăng ký hỗ trợ, có kế hoạch kinh doanh và cam kết hiệu quả sẽ có khi được hỗ trợ làm căn cứ để xét hiệu quả của việc hỗ trợ sau này. Hàng năm, có tổng kết tác động của hỗ trợ như thế nào đối với các đối tượng được hỗ trợ (như tạo thêm việc làm, lương cho người lao động, tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng doanh thu có hàm lượng công nghệ cao). Thực hiện việc xét tiếp tục hay không việc hỗ trợ với các đối tượng căn cứ vào hiệu quả của việc hỗ trợ....