Trên thế giới, hầu hết các nước đều quy định hay có xu hướng trao quyền giải thích Hiến pháp, luật chủ yếu cho Tòa án (cơ quan tư pháp). Bởi vì, qua thực tiễn cho thấy, công tác xét xử đòi hỏi cần phải giải thích pháp luật, hay nói cách khác, Tòa án cần được trao quyền giải thích pháp luật để xét xử; hơn nữa, việc giải thích Hiến pháp, luật, thì cơ quan tư pháp có nhiều ưu thế hơn so với cơ quan lập pháp, hành pháp. Tuy nhiên, các nước này cũng không bác bỏ quyền giải thích pháp luật của cơ quan lập pháp và hành pháp, nhưng Tòa án vẫn là cơ quan chủ yếu, có quyền cao nhất trong việc giải thích pháp luật. Mặc dù vậy, cũng có nước, Tòa án đóng vai trò quan trọng trong giải thích pháp luật nhưng lại không có cơ sở pháp lý ghi nhận chính thức điều này mà “ngầm” trao quyền này cho Tòa án qua quy định “Tòa án không được phép từ chối xét xử do thiếu công lý”, do đó Tòa án buộc phải giải thích để thực hiện xét xử.
Bên cạnh việc bàn luận về việc các nước quy định hệ thống cơ quan nào có quyền giải thích pháp luật, các đại biểu cũng thảo luận một số vấn đề như: Sự cần thiết phải giải thích pháp luật; thẩm quyền giải thích pháp luật (Tòa án nào có thẩm quyền); phương pháp, quy tắc giải thích pháp luật…
Ở Việt Nam, thực tiễn cho thấy, nhu cầu giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh khá cao. Tuy nhiên, ở nước ta, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan được trao quyền giải thích một cách chính thức, nhưng cơ quan này lại rất ít, có thể nói là gần như chưa sử dụng quyền này. Cũng một phần vì đó mà nhiều trường hợp đã nhầm lẫn giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh theo đúng nghĩa với văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn chi tiết, thậm chí là thông tư, công văn hướng dẫn… của cơ quan hành pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước… Nhưng cũng phải thừa nhận là việc phân biệt sẽ khó bởi các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ở góc độ nào đó cũng có chứa đựng yếu tố mang tính giải thích.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất, kinh nghiệm cho Việt Nam về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Nhiều ý kiến cho rằng, quyền giải thích pháp luật nên trao chủ yếu cho Tòa án, bên cạnh đó cũng thừa nhận phần nào quyền này của cơ quan lập pháp và hành pháp. Tuy nhiên, trước mắt, Hiến pháp nước ta đã quy định quyền này thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu nhằm có giải pháp tốt nhất để cơ quan này phát huy, thực hiện quyền một cách thiết thực, hiệu quả.