Nhiều nội dung được đưa ra bàn luận tại Hội thảo như: Tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ở Việt Nam; chế định miễn, giảm hình phạt, hoãn thi hành hình phạt, xóa án tích và một số đề xuất hoàn thiện nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của người bị kết án; quyền khiếu nại, tố cáo của công dân; tội bức cung, dùng nhục hình; những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật... tuy nhiên, việc áp dụng các hình phạt tù và bảo đảm quyền con người khi áp dụng hình phạt tù và áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự là những nội dung được các đại biểu tham dự Hội thảo quan tâm và bàn luận sôi nổi nhất.
Việc áp dụng các hình phạt tù và bảo đảm quyền con người khi áp dụng hình phạt tù
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Việc xác định hình phạt phải phù hợp với từng tội danh, hình thức trừng phạt phải tương ứng với hành vi phạm tội, không được đưa ra hình phạt nặng hơn hoặc ngược lại. Các hình phạt nặng, nhẹ còn tùy thuộc vào điều kiện của từng quốc gia. Khi bị áp dụng hình phạt tù, con người bị mất tự do, khi đó các quyền khác của con người được thực hiện như thế nào trong tù? Theo giáo sư Jorg Menzel đến từ Cộng hòa liên bang Đức, khi đã bị đi tù thì các quyền khác của con người như quyền riêng tư (được giao tiếp), quyền có gia đình và hàng loạt các quyền cơ bản khác cũng bị hạn chế. Trong một chừng mực nào đó, tù nhân vẫn được thực hiện những quyền của mình, điều này cần phải có những quy tắc hết sức rõ ràng. Đối với những tù nhân không quá nguy hiểm, chúng ta có thể xem xét để họ nghỉ phép về thăm nhà, thăm con... hay cho phép họ được tiếp người thân trong phòng riêng để thực hiện quyền riêng tư. Dù trong tù các quyền của con người bị hạn chế nhưng vẫn tồn tại, do vậy có nhà làm luật phải nghiên cứu để bảo đảm các quyền con người cho họ, để đạt được mục đích cải tạo, giáo dục họ trở thành công dân tốt.
Về hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự
Hình phạt tử hình được áp dụng từ thời La Mã cổ đại, vào thời kỳ này việc áp dụng hình phạt rất nghiêm khắc, hình phạt tử hình được áp dụng nhiều với cả những tội ít nghiêm trọng. Đến nay, quyền sống của con người được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Giáo sư Jorg Menzel cho biết hiện nay 58 quốc gia trên thế giới vẫn áp dụng hình phạt tử hình (chiếm khoảng 1/3). Nhiều nước phát triển đã không áp dụng hình phạt tử hình, một số nước vẫn duy trì hình phạt tử hình nhưng trong nhiều năm gần đây đã không thi hành án tử hình trên thực tiễn. Điều đó cho thấy xu hướng chung trên thế giới là giảm dần hình phạt tử hình và tiến tới xóa bỏ hình phạt này trong tương lai. Khi được hỏi về kinh nghiệm ở Cộng hòa Liên bang Đức khi tiến hành bãi bỏ hình phạt tử hình, giáo sư cho biết, Đức không tiến hành trưng cầu dân ý khi bãi bỏ hình phạt tử hình. Sau khi bãi bỏ, ở nước Đức vẫn có ý kiến phản đối, yêu cầu duy trì hình phạt tử hình, nhưng cho đến nay người dân đã quen với văn hóa mới, không có án tử hình. Tuy nhiên, khi áp dụng vào Việt Nam, các đại biểu cho rằng nước ta là nước đang phát triển nên duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình phải nghiên cứu thêm. Khi được hỏi về vấn đề hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay Việt Nam chỉ áp dụng tử hình với những tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này, Ban soạn thảo cũng đã thống nhất theo hướng sẽ tiếp tục nghiên cứu và giảm hình phạt tử hình cho phù hợp với điều kiện của đất nước ta.
Cùng với việc học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, áp dụng vào điều kiện thực tế của nước ta đòi hỏi các nhà lập pháp phải tiếp tục nghiên cứu, để sau lần sửa đổi này Bộ luật Hình sự nước ta sẽ khắc phục được những bất cập và có sức sống dài hơi hơn trên thực tiễn.
Nguyễn Thị Vinh