Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ tưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc mong muốn rằng, tại Hội thảo này các đại biểu tham dự cùng đóng góp ý kiến để góp phần làm sáng tỏ mục đích và sự cần thiết của việc đăng ký tài sản, xác định rõ tài sản nào thì cần phải đăng ký. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng hy vọng rằng, các chuyên gia của Dự án phát triển lập pháp quốc gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm của nước mình kể cả những bài học tốt và những bài học về việc chưa thành công trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật về đăng ký tài sản để giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế về đăng ký tài sản.
Về những yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật đăng ký tài sản, bà Nguyễn Chi Lan - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản cần phải đảm bảo những yêu cầu như: (i) Phải dựa trên cơ cở, nền tảng của Bộ luật Dân sự năm 2015 về đăng ký tài sản, cụ thể: Tách biệt thời điểm đăng ký với thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch; quy định rõ ràng về thứ tự ưu tiên chủ sở hữu tài sản với người thứ ba; khẳng định nguyên tắc đăng ký và các thông tin về tài sản sau khi đăng ký phải được công khai; xác định rõ liên quan đến tài sản không chỉ có quyền sử dụng, quyền sở hữu như hiện nay, mà còn bao gồm các quyền khác như quyền hưởng dụng, quyền địa dịch, quyền bề mặt, quyền chiếm hữu, quyền phát sinh từ hợp đồng; (ii) Hiện thực hóa các quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan: Pháp luật về đăng ký tài sản cần được hoàn thiện theo hướng tách bạch hoạt động đăng ký tài sản với hoạt động quản lý nhà nước về tài sản.
Về kinh nghiệm của Canada trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật đăng ký tài sản, ông Sterling H. Dietze - Chuyên gia của Dự án phát triển lập pháp quốc gia chia sẻ: Ở Canada, bao gồm có chính quyền liên bang và tỉnh. Hiến pháp cho phép mỗi cấp có trách nhiệm xây dựng pháp luật riêng. Hệ thống thông luật được áp dụng ở hầu hết các tỉnh, còn hệ thống dân luật chỉ được áp dụng ở Quebec. Bộ luật Dân sự Quebec quy định về việc công bố các quyền, theo đó đề ra các nguyên tắc chung về: Bản chất và phạm vi công bố các quyền (trong đó có các quyền yêu cầu hoặc quyền được phép công bố); hiệu lực của việc công bố, trong đó bao gồm cả hiệu lực có giá trị đối kháng với bên thứ ba và hiệu lực xác định thứ tự ưu tiên; cách thức công bố được thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo Bộ luật Dân sự Quebec, thì việc công bố quyền có giá trị cao hơn đăng ký. Việc xác lập quyền để có giá trị đối kháng với bên thứ ba được thực hiện thông qua giao dịch bảo đảm (như đăng ký, cầm cố, quyền kiểm soát chứng khoán, yêu cầu thanh toán tiền, quyền được hưởng cổ phiếu) và đăng ký đối với những quyền liên quan đến tài sản. Quyền đối với bất động sản cũng như các vật quyền khác liên quan đến bất động sản đều phải được đăng ký để phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba. Đối với động sản, thông thường là không công bố, không đăng ký quyền đối với động sản. Việc đăng ký hay công bố quyền chỉ được thực hiện khi có yêu cầu cụ thể hay được pháp luật cho phép. Việc đăng ký thực hiện theo thông tin của chủ thể (theo tên), không đăng ký theo thông tin của tài sản (đăng ký đối nhân, không đăng ký đối vật), định danh được quyền và nhận diện được vật. Đối với phương tiện giao thông thì có cơ quan đăng ký riêng rẽ, đăng ký theo cơ chế mã số định danh phương tiện (VIN).
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, thảo luận về những vấn đề như: Nên hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản theo hướng nào? Xây dựng Nghị định về đăng ký đối với các loại tài sản mà hiện luật chưa có quy định cơ chế đăng ký hay xây dựng Luật Đăng ký tài sản điều chỉnh hoạt động đăng ký bất động sản và đăng ký động sản (trừ tàu bay, tàu biển, phương tiện giao thông cơ giới, chứng khoán, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ)? Nếu xây dựng Luật Đăng ký tài sản thì đối tượng điều chỉnh của Luật này được xác định như thế nào? Những loại quyền nào trên tài sản nào bắt buộc phải đăng ký, các loại giao dịch nào liên quan đến loại tài sản nào phải đăng ký mới phát sinh hiệu lực?