Theo lý thuyết hiện đại trên thế giới, dân chủ trực tiếp (dân chủ thuần túy) là một hình thức dân chủ trong đó người dân quyết định các sáng kiến xây dựng chính sách một cách trực tiếp. Ở Việt Nam, hiện nay tồn tại nhiều cách hiểu về dân chủ trực tiếp nhưng tựu trung lại, có thể khái quát thành hai luồng quan điểm. Theo nghĩa rộng, dân chủ trực tiếp được hiểu là một yêu cầu của chế độ chính trị, trong đó, nhân dân - chủ thể của quyền lực nhà nước - không chỉ có quyền trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và cộng đồng, mà còn có quyền kiểm tra, giám sát bộ máy nhà nước do chính mình lập nên. Theo nghĩa hẹp, dân chủ trực tiếp được hiểu là một hình thức thực thi quyền lực của nhân dân, trong đó, nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình thông qua hình thức bỏ phiếu hay biểu quyết, để quyết định một vấn đề nào đó của đất nước hay của cộng đồng mà không thông qua một cơ quan hay cá nhân đại diện trung gian nào. Mặc dù hai cách hiểu có mức độ rộng, hẹp khác nhau nhưng đều gắn liền với nguồn gốc bản chất của khái niệm dân chủ, đó là “quyền lực/sự cai trị của nhân dân”, khẳng định nhân dân là chủ đích thực.
Dân chủ trực tiếp bên cạnh ưu điểm thì cũng có những nhược điểm: Không phải lúc nào cũng có thể lấy được ý kiến số đông; không phải ý kiến trực tiếp số đông đều đúng; rủi ro với quyền của nhóm thiểu số, nhóm yếu thế; có thể mang tính hình thức; nguy cơ bị lợi dụng.
Về hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp, hiện nay, theo quan niệm phổ biến trên thế giới, IDEA cho rằng có 04 hình thức (công cụ) dân chủ trực tiếp: Trưng cầu ý dân, sáng kiến của công dân, sáng kiến chương trình nghị sự, bãi miễn. Ở Việt Nam, có hai cách hiểu khác nhau xuất phát từ góc độ tiếp cận dân chủ trực tiếp theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp. Tuy nhiên, những hình thức có sự đồng thuận cao đó là: Trưng cầu ý dân, bầu cử, bãi miễn đại biểu dân cử, lấy ý kiến quyết định của nhân dân ở cơ sở. Có thể thấy, ngoài bầu cử thì các hình thức còn lại của nước ta là tương đồng hoặc gần như tương đồng với các hình thức của IDEA.
Liên quan đến hình thức bầu cử, tại Hội thảo, các đại biểu cũng có những quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, bầu cử là hình thức dân chủ trực tiếp vì người dân đã trực tiếp quyết định lựa chọn người đại diện cho mình bằng hành vi bỏ phiếu bầu cử (quan điểm này được đa số đại biểu đồng tình). Quan điểm thứ hai cho rằng, bầu cử không phải là hình thức dân chủ trực tiếp bởi ý chí và nguyện vọng của người dân phải được thực hiện thông qua người đại diện mà họ đã bầu ra, đây chỉ là một khâu trung gian để thực thi dân chủ đại diện. Quan điểm thứ ba cho rằng, bầu cử vừa là dân chủ trực tiếp, vừa là dân chủ đại diện, theo đó, giai đoạn đầu khi sử dụng lá phiếu để bầu là trực tiếp, còn giai đoạn hoạt động của đại diện được bầu thì là gián tiếp. Một quan điểm khác lại cho rằng, bầu cử có trường hợp là dân chủ trực tiếp, có trường hợp hợp là dân chủ đại diện, điều đó tùy thuộc vào kết quả sau bầu cử, chẳng hạn như, nếu bầu trực tiếp thì là dân chủ trực tiếp, còn nếu bầu qua đại cử chi thì là dân chủ đại diện.
Một nội dung được bàn luận sâu tại Hội thảo đó là thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là vấn đề đã được nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng. Dân chủ ở cơ sở là phương thức hỗn hợp, bao gồm cả dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là thực hiện ở cấp thấp nhất, gần dân nhất. “Cơ sở” hiện nay có các cách hiểu khác nhau. Thông thường, cơ sở được hiểu là đơn vị ở cấp dưới cùng và có vai trò nền tảng của hệ thống. Trong bộ máy Nhà nước ta, xã, phường, thị trấn là cấp dưới cùng của hệ thống tổ chức các cơ quan nhà nước và được coi là cấp chính quyền cơ sở; trong khi đó, thôn, bản, tổ dân phố… không phải là một cấp chính quyền nhưng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, do đó, nhiều ý kiến cho rằng, những đơn vị này cũng cần được coi là “cơ sở” để thực hiện dân chủ. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đồng tình cho rằng, không nên quy định “doanh nghiệp, xí nghiệp” là cấp cơ sở, bởi nó có bản chất khác biệt với các cơ quan, tổ chức như nêu trên.
Có thể thấy, khung pháp luật về dân chủ trực tiếp của Việt Nam đã khá đầy đủ, tiến bộ, góp phần quan trọng tạo ra những kết quả đáng ghi nhận về thực hiện dân chủ trực tiếp ở Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cũng cho thấy vẫn còn không ít bất cập, điển hình như tình trạng còn xem nhẹ việc thực hành dân chủ, có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, dân chủ hình thức… Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân như pháp luật về dân chủ trực tiếp chưa bảo đảm tính thống nhất, nhiều quy định còn chung chung, chưa bảo đảm tính khả thi, chưa đầy đủ, không còn phù hợp… Chính vì vậy, nhiều giải pháp đã được đưa ra tại Hội thảo để thực hiện dân chủ trực tiếp đạt hiệu quả cao hơn, cụ thể: Xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thay thế Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; hoàn thiện pháp luật về bầu cử, bãi nhiệm đại biểu dân cư; hoàn thiện Luật Trưng cầu ý dân, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và tổ chức hoạt động trưng cầu ý dân trên thực tế, bổ sung các quy định pháp luật về lấy ý kiến nhân dân; hoàn thiện các quy định về sáng kiến công dân…