Trong các nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó có một số hoạt động giám sát liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành Trung ương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. Từ hoạt động giám sát đã có những đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, đặc biệt đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;…
Tuy nhiên, trong nội dung cũng như phương thức giám sát vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập đó là: (i) Các giám sát chuyên đề còn chưa nhiều trong khi phạm vi tài sản công rất lớn; (ii) Thực tế các giám sát chuyên đề thường chỉ chọn một nội dung trọng tâm, một loại tài sản công cụ thể để giám sát; (iii) Về phương thức giám sát cũng còn có những bất cập (như: Kế hoạch, thời gian làm việc với các bộ, ngành, địa phương thay đổi so với kế hoạch; việc tham gia của các thành viên trong Đoàn giám sát có lúc còn chưa đầy đủ; việc gửi báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, việc cung cấp thông tin của các cơ quan thanh tra, kiểm tra còn chậm; hoạt động chất vấn bị giới hạn do thời gian của chương trình kỳ họp…); (iv) Việc thành lập Đoàn giám sát còn gặp một số khó khăn do thiếu chuyên gia trong lĩnh vực giám sát, cơ cấu đại biểu Quốc hội trong Đoàn giám sát chưa bao quát hết các khía cạnh của nội dung giám sát do đa số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm nên việc tham gia hoạt động của Đoàn giám sát có thời điểm còn chưa đầy đủ… Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội đối với tài sản công trong các cơ quan nhà nước phù hợp với bối cảnh mới, cần thiết nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về vấn đề này.
![]() |
![]() |
Mục đích của Hội thảo là trao đổi thảo luận về thực trạng triển khai các chính sách pháp luật về hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng tài sản công; vai trò giám sát của Quốc hội. Hội thảo đã tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc quản lý tài sản công như: (i) Làm rõ những vấn đề lý luận về hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan nhà nước; (ii) Thảo luận kinh nghiệm của một số nước (có cùng thể chế tương tự về tổ chức bộ máy nhà nước) về giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước; (iii) Thực trạng quy định pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước; (iv) Một số vấn đề đặt ra trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước;... Đồng thời, gợi mở những giải pháp cần thiết để tăng cường, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian tới đó là:
![]() |
![]() |
Một là, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản pháp lý liên quan giúp chủ thể quản lý và chủ thể sử dụng tài sản công có cơ sở pháp lý để thực hiện đúng.
Hai là, cần xác định rõ mục đích giám sát của Quốc hội đối với hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công, tập trung giám sát tốt những vấn đề mà Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước đã đưa ra, có những biện pháp cụ thể, kịp thời với những vấn đề thực hiện giám sát.
Ba là, đẩy mạnh giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công với chính các cơ quan thuộc Quốc hội và các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Xác định rõ nội dung giám sát cần tập trung vào những vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công mà nhân dân quan tâm (như lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, giao thông, dầu khí, công thương,...).
Bốn là, tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề đối với quản lý, sử dụng tài sản công. Nâng cao hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công. Cần có những biện pháp cụ thể đối với những cơ quan, tổ chức cá nhân không thực hiện hay thực hiện chưa triệt để những kiến nghị của Quốc hội đưa ra. Nghiên cứu tăng thẩm quyền cho Ủy ban trong hoạt động giám sát đối với việc quản lý và sử dụng tài sản công bằng việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó quy định Ủy ban Giám sát có thẩm quyền đề nghị xử lý kỷ luật, khiển trách đối với tổ chức, cá nhân không chấp hành yêu cầu của đoàn giám sát.
Năm là, tăng cường vị trí, vai trò của các đại biểu Quốc hội trong kiểm tra, giám sát, hậu giám sát hoạt động về hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công, bên cạnh đó cần nâng cao vai trò giám sát xã hội trong quản lý, sử dụng tài sản công.